Sáng 6/6/2019, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Trả lời chất vấn của đại biểu Triệu Thị Hùng về giải pháp tăng thị phần phim Việt khi phim ngoại ngày càng lấn át, Bộ trưởng Thiện thừa nhận thực trạng “phim ngoại nhiều, nội thưa thớt”.
Phim Việt sản xuất khoảng 40 phim một năm, chủ yếu là phim thương mại. Con số quá khiêm tốn so với 240 phim nhập khẩu.
Bộ trưởng cho biết mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu 240 phim quốc tế trong khi đó chỉ sản xuất được 40 phim. Hiện, Luật Điện ảnh chưa có hạn ngạch về số lượng phim nhập khẩu. Cơ quan chức năng phải áp dụng hàng rào kỹ thuật phim để chọn lọc.
Thêm vào đó, cơ quan quản lý văn hóa cũng quy định tổng số buổi chiếu phim Việt tối thiểu tại hệ thống rạp là 20%, đặt hàng sản xuất nhằm nâng cao thị phần phim trong nước, thu hút các nhà sản xuất. Bộ trưởng Thiện cho biết có nhiều phim Việt đã vượt qua mốc doanh thu 200 tỷ đồng.
Liên quan đến tình trạng thiếu vắng phim về đề tài lịch sử dân tộc, phim thiếu nhi, Bộ trưởng Thiện cho hay: “Đúng như đại biểu nêu, chúng ta đang thiếu vắng phim lịch sử dân tộc, phim dành cho thiếu nhi do các nhà sản xuất tập trung vào dòng phim mang lại lợi nhuận. Các dòng phim còn lại là rất ít. Nhà nước phải đặt hàng để sản xuất phim lịch sử. Chúng tôi cũng đang tháo gỡ bằng cơ chế chính sách để có nhiều hơn các tác phẩm phim lịch sử”.
Phim lịch sử Việt đang loay hoay, ngủ đông kéo dài nhiều năm qua.
Những năm qua, phim lịch sử thường được sản xuất theo đơn đặt hàng của nhà nước. Nhiều nhà phê bình đã dùng từ “ngủ quên" để miêu tả về dòng phim này. Với các nhà sản xuất, phim lịch sử là đề tài khó làm và khó có lãi do kinh phí cao lại kén khán giả. Bộ phim mang yếu tố lịch sử hiếm hoi được khán giả nhớ đến là Đêm hội Long Trì, tác phẩm sản xuất từ năm 1989.
Một số phim được sản xuất sau này như Khát vọng Thăng Long, Long Thành cầm giả ca, Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long dù được kỳ vọng đều để lại sự thất vọng.
Đáng buồn hơn là loạt phim lịch sử đều vướng ồn ào, rắc rối trong khâu sản xuất. Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long bị lên án gay gắt vì bối cảnh chủ yếu quay tại phim trường Hoành Điếm, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Bối cảnh, phục trang và hình tượng các nhân vật trong phim mang đậm màu sắc lịch sử Trung Quốc.
Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức khi nói về tình trạng phim lịch sử Việt thừa nhận: “Đó là con đường rất gian nan”.
Theo:
Zing News.