Nhạc sĩ Quang Huy: Kiến thức về ‘đạo nhạc’ ở ta còn quá kém

By dvvn
Xung quanh việc thí sinh chương trình Dự án số 1 Trần Văn An dừng cuộc chơi vì dính nghi án đạo nhạc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng đạo diễn - nhà sản xuất Nguyễn Quang Huy, về vấn đề đạo nhạc ở VN .

Tôi thấy An may mắn khi dừng cuộc chơi với nghi án đạo nhạc trong cuộc thi này ẢNH: D.N

Trong tập 6 của chương trình The Debut - Dự án số 1, phát hôm 13.7 trên VTV3, thí sinh Trần Văn An đã thể hiện ca khúc do anh tự sáng tác - Think of me. Sau khi theo dõi màn trình diễn, người cố vấn Hoàng Thùy Linh đã đặt ra nghi vấn về việc giai điệu của bài hát này có phần tương đồng với Instagram của ca sĩ Hàn Quốc Dean. Sau đó, cộng đồng mạng, đặc biệt là cộng đồng yêu thích K-pop tại Việt Nam đã phản ứng dữ dội về trường hợp này. Ở tập 8 vừa phát sóng tối 27.7, thí sinh này đã tự nguyện xin rút khỏi cuộc thi vì những sai lầm của mình.Trước "ồn ào" dư luận thời gian qua về nghi án này, nhà sản xuất chương trình - đạo diễn Nguyễn Quang Huy đã có cuộc trao đổi với Thanh Niên về tính thực tế của chương trình truyền hình thực tế, về chuyện đạo nhạc và đào tạo tài năng ở thị trường Việt Nam.


Thí sinh Trần Văn An dừng cuộc chơi nhằm đảo bảo tính thực tế cho chương trình, vừa tạo sự cảm thông của công chúng đối với An nói riêng và các tài năng trẻ nói chung?

Công chúng ở mình vẫn quen xem kịch rồi nghĩ đấy là thực tế

* “Em không có ý định chiêu trò hay tạo scandal gì cả… Em chỉ muốn nói là em đã thật sự cố tình làm sai ở vòng thi vừa rồi” trong chương trình The Debut, lời chia sẻ của Trần Văn An dễ khiến người ta nghĩ đến cả việc “cố tình” của ê kíp sản xuất chương trình, khi mà các show truyền hình thực tế thường gắn với scandal, anh có nghĩ như thế?

- Nhà sản xuất Nguyễn Quang Huy: Tôi không thấy sự liên quan giữa câu nói của An và việc cố tình tạo ra. Quá khứ và xuất xứ của bài hát Think of me là câu chuyện riêng của An từ trước khi The Debut – Dự án số 1 diễn ra, chúng tôi không thể quay về quá khứ để thay đổi câu chuyện của An. An chia sẻ chân thành, đó là điều may mắn vì cậu ấy đã thẳng thắn nhìn nhận mình đã sai. Với tố chất âm nhạc của cậu ấy, chỉ cần cậu ấy nhận ra không tiếp tuc con đường sai lầm cũ, tôi tin năng lực cậu ấy còn có thể phát triển tốt. Tại sao chúng ta không nhìn vào sự mạnh mẽ đối diện của An, mà lại vội nghĩ tiếp một thuyết âm mưu khác? Điều tích cực và tiêu cực luôn tồn tại song song đối lập nhau, quan trọng là mỗi người nhìn thấy được mặt nào thôi.

* “Tất cả các thí sinh được giới thiệu đến công chúng đều là những bạn trẻ, có tài năng và khát khao chinh phục ước mơ. Tất nhiên chúng ta có thể sẽ chứng kiến những nóng vội của tuổi trẻ, những quyết định sai lầm, là những gì chương trình giới thiệu. Cả những nghệ sĩ ngồi ghế giám khảo cũng từng sai lầm trên con đường lập nghiệp của họ. Vậy việc cho An dừng cuộc chơi vì sai lầm “nóng vội của tuổi trẻ” có quá khắt khe, quá “đắt giá” với em ấy?

-Không khắt khe! Bởi vì cuộc thi có luật, có người cố vấn (trong chương trình gọi là Oraz), nhà sản xuất, các thí sinh và khán giả. Vòng thi mà An chiến thắng là lọt vào top 12, là vòng thi bắt đầu gắt gao và khắc nghiệt hơn để tìm ra những thí sinh được các Oraz đích thân hướng dẫn và dàn dựng những tiết mục thi đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn, bắt đầu được chúng tôi đầu tư nhiều hơn. An vượt qua nhiều bạn khác trong top 30 có giọng hát tốt hơn, là bởi vì khi An có chất giọng lạ và khả năng sáng tác mạnh, bài hát Think of me là một lợi thế lớn của cậu ấy để chiến thắng vòng Đào thải. Và nếu bài hát đấy có vấn đề tức là cậu ấy không còn lợi thế của mình nữa.

Cũng không đắt giá! Thao trường đổ mồ hôi thì chiến trường ít đổ máu. Ngược lại tôi còn thấy cậu ấy may mắn. Nếu không có cuộc thi này mà cậu ấy tự công bố tác phẩm một cách tự nhiên và không có người lớn xử lý mà là dư luận xã hội, công chúng bay vào đánh tới tấp, thì cậu ấy có vượt qua được không? Và quan trọng là cậu ấy có tự nhìn ra cái sai không? Vì công chúng sẽ không nhẹ nhàng phân tích như chúng tôi, khi đó An có thể sẽ xù lông phản kháng và không còn đủ tỉnh táo để thấy mình sai thì chúng ta sẽ mất một Trần Văn An đã nhận ra, muốn sửa đổi để trở thành nghệ sĩ chân chính.



Có những show hoàn toàn thực tế đến phũ phàng, trần trụi thì công chúng đặt câu hỏi nghi ngờ có sự dàn dựng vì họ không muốn tin vào thực tế khốc liệt như vậy. Và cũng có những show dàn dựng lộ liễu như một vở kịch có mở có kết có chương có hồi, thì cũng bộ phận khán giả đấy lại thích, bởi vì nó có tính giải trí, có tình tiết rõ ràng dễ hiểu.

* An dừng chân “Nhằm đảo bảo tính thực tế cho chương trình, vừa tạo sự cảm thông của công chúng đối với An nói riêng và các tài năng trẻ nói chung” có thể sẽ bị khán giả cho là “chiêu trò” của nhà sản xuất?

-The Debut là show truyền hình 100% thực tế, tất cả các thành viên trong ê kíp đều biết và ký chấp nhận rằng trong quá trình diễn ra show sẽ có máy quay hình, ghi âm giấu kín mọi nơi. Bạn sẽ khó để tìm một show âm nhạc thực tế có những 40 camera và hàng trăm thiết bị ghi âm giấu kín. Có những show hoàn toàn thực tế đến phũ phàng, trần trụi thì công chúng đặt câu hỏi nghi ngờ có sự dàn dựng vì họ không muốn tin vào thực tế khốc liệt như vậy. Và cũng có những show dàn dựng lộ liễu như một vở kịch có mở có kết có chương có hồi, thì cũng bộ phận khán giả đấy lại thích, bởi vì nó có tính giải trí, có tình tiết rõ ràng dễ hiểu. Công chúng ở mình vẫn quen xem kịch rồi nghĩ đấy là thực tế nên xem thực tế thì lại ngỡ đấy là kịch.

Sơn Tùng có nhiều nghi án chứ có phải có nhiều án đâu

* Thực tế lâu nay, không ít trường hợp bị công chúng phát hiện đạo nhạc, báo chí cũng lên tiếng và trích phân tích từ giới chuyên môn, nhưng mọi chuyện hiếm khi được giải quyết tận gốc như câu chuyện của nhạc phim “Chàng trai năm ấy”. Là đạo diễn phim Chàng trai năm ấy và đồng hành cùng vụ việc lúc bấy giờ, cũng như theo sát thị trường âm nhạc 20 năm qua, theo anh, vì sao nghi án đạo nhạc ở thị trường ta xảy ra nhiều như vậy?

- Là bởi vì kiến thức về “đạo nhạc” ở ta còn quá kém, khái niệm chuyên môn là “xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”, “xâm phạm bản quyền”, từ đó cứ nghi ngờ lung tung, nếu là công chúng thì không nói. Đằng này nhiều người trong nghề cũng phát biểu “đạo nhạc” mà chẳng hiểu thế nào là “xâm phạm”, rồi truyền thông và công chúng cũng theo những tiếng nói đấy mà lao theo một cách nhiệt liệt.

Ví dụ như trường hợp của Sơn Tùng, cậu ấy có nhiều nghi án chứ có phải có nhiều án đâu. Toàn bộ giai điệu và lời hát đều của cậu ấy. Những khái niệm nghe “giống giống” nó không đầy đủ về mặt pháp lý để kết luận. Việc bạn đưa hai bài hát cùng thể loại, cùng loại nhạc cụ và cùng vòng hòa thanh đặt cạnh nhau rồi đưa cau hỏi “Nghe giống không?” nó khác xa câu hỏi “Nghe khác không?”, vì nó có tính dẫn dắt người nghe một cách thụ động. Rất dễ để ngồi một chỗ phát ngôn, nhưng để kết án người ta phải có đầy đủ cơ sở về mặt pháp lý, có nguyên cáo, có bị cáo, có toà xử. Phần lớn những vụ lên tiếng như thế khi đi vào bước loại bỏ cảm tính, trọng chứng hơn trọng cung đều bắt đầu đuối lý.

* Vì sao sau này nhiều nhạc sĩ, nhà chuyên môn đều “nản”, không muốn phát ngôn gì về các nghi án đạo nhạc, ngay cả anh cũng từng từ chối nhiều lần?

-Đấy không phải là nản, mà là đuối lý. Nếu chỉ là giống giống với ca khúc nào đấy, tôi tin cả nghìn bài hát ở ta đều có thể giống giống với bài nào đấy trên thế giới. Nên nhiều người lúc đánh người ta thì hăng hái, nhưng “đánh” một hồi lại thấy bài nào đấy xa xưa của chính mình lại cũng giống bài khác bị lôi ra, thế là đuối lý. Hoặc như kiến thức pháp lý về “xâm phạm bản quyền”, “quyền sở hữu trí tuệ” bị hạn chế, dẫn đến nghi án bừa bãi, đến khi cần một cái chốt là có đạo hay không đạo thì lại đuối lý. Đấy là những ví dụ thường gặp ở ta, ngoài ra còn có những trận “đánh” cứ nhân danh chính nghĩa nhưng thực chất là tấn công ác ý cá nhân người khác. Làm gì cũng được, căng thẳng hay nhẹ nhàng cũng được, không có chính nghĩa thì đầu voi đuôi chuột thôi.

Ẩm thực và nghệ thuật không thể dựa vào nguồn lực nước ngoài để phát triển

* Trở lại với Dự án số 1, chương trình cho rằng “mỗi thí sinh như một nhân vật và mỗi diễn biến như một bài học dành cho khán giả trẻ”. Vậy có thể hiểu sau “bài học” của An sẽ tiếp tục những nhân vật kèm “bài học” khác?

-Đây là show thực tế, cách làm thực tế là chúng tôi đặt ra hoàn cảnh và các nhân vật sẽ phản ứng hoặc thích nghi với hoàn cảnh để đạt được mục đích cuối cùng là chiến thắng cuộc thi. Chúng tôi không biết trước được vì yêu cầu của chúng tôi là thực tế 100%, không viết trước kịch bản cho các nhân vật diễn theo hoặc đọc thoại vô hồn. Nên những tình huống diễn ra có thể rất nhạt nhẽo hoặc rất trần trụi. Tôi chỉ khẳng định những thử thách của chúng tôi đưa ra đều rất khắc nghiệt và chắc chắn sẽ có nhiều sự thật thực tế phũ phàng diễn ra trong show này.


"Tôi mong muốn có một cái nhìn đúng đắn và công bằng cho lớp trẻ, làng nghệ thuật ở ta có văn hoá “sống lâu lên lão làng”, tiền bối ít nâng đỡ dìu dắt lớp trẻ, dẫn đến họ không có định hướng.."

* Là người “tâm tư” và “trăn trở” nhiều trong việc đào tạo nghệ sĩ trẻ toàn năng, anh mong muốn điều gì khi thực hiện chương trình này?

Thứ nhất, tôi muốn mang kinh nghiệm làm nghề của mình tạo ra một sân chơi để người trẻ thể hiện mình. Tiêu chí của tôi là cứ có năng khiếu, có tố chất rồi hãy đi học, môn này không phải môn khoa học chính xác mà định lượng hay số hóa được. Nên cái cảm giác, cái nhạy cảm sáng tạo không phải cứ học mà được, và nó quý hơn tất cả các yếu tố khác trong sáng tạo nghệ thuật. Vì vậy cuộc thi này tiêu chí của tôi là tìm ra những tố chất đấy trước, rồi sau đó mới so ai có kỹ thuật chuyên môn hơn ai. Tôi khuyến khích những bạn trẻ có năng khiếu, có cá tính riêng hãy tham gia The Debut. Vì trước đây họ không dám tham gia các cuộc thi vì nghĩ không học hành và điều họ làm là không có chuyên môn nên nếu đi thi sẽ rớt. Không có cuộc thi nào dành cho họ.

Quan niệm “đi học trước đã” ở ta nó không đúng với ngành này, nó khiến nhiều người không có tố chất nhưng cứ nghĩ đi học là được. Rồi phí thời gian học xong mới biết mình không thuộc về thế giới này, khi đó lại mất thời gian tuổi trẻ mà chả có thành tựu gì.

Thứ hai, tôi mong muốn có một cái nhìn đúng đắn và công bằng cho lớp trẻ, làng nghệ thuật ở ta có văn hóa “sống lâu lên lão làng”, tiền bối ít nâng đỡ dìu dắt lớp trẻ, dẫn đến họ không có định hướng, và nếu họ sai thì chỉ đánh chứ không bảo hỏi sao họ không phục. Tuổi trẻ nào mà không xốc nổi và bốc đồng, nhưng mặt tốt chính là những ngọn lửa tràn đầy nhiệt huyết và sáng tạo. Nhưng cứ đánh cứ chửi họ thì ai dạy họ? Thực tế, tôi thấy nhiều bạn trẻ còn có nhiều thứ để bọn già chúng tôi nhìn vào mà học.

* Nhân tiện, anh có thể chia sẻ từ thực tế của thị trường giải trí ở ta, vì sao việc đào tạo để tài năng Việt phát triển toàn năng, có thể vươn xa hơn biên giới trong nước phải lệ thuộc công nghệ đào tạo quốc gia khác (như Hàn Quốc chẳng hạn)?

- Chúng ta thường nhầm lẫn giữa việc dùng một cái bếp hiện đại của nước ngoài để nấu món Việt với việc mời một đầu bếp Tây về nấu món ta. Với quan điểm cá nhân tôi, ẩm thực và nghệ thuật không thể dựa vào nguồn lực nước ngoài để phát triển được. Món ăn Việt Nam, âm nhạc Việt Nam, điện ảnh Việt Nam, sân khấu Việt Nam phải do người Việt phát triển cho khán giả Việt. Chúng ta có thể thuê người nước ngoài để gia công chứ không thể thuê người nước ngoài về chỉ đạo người Việt cách làm món Việt được.

* Nhìn lại nhiều dự án hợp tác đào tạo công nghệ Hàn thường rơi vào đầu voi đuôi chuột; hoặc chỉ thấy những nhóm nhạc, ca sĩ có phục trang, đầu tóc, phong cách… na ná Hàn ra đời, còn việc “chinh phục thế giới” thì vẫn xa vời. Theo anh lý do vì sao ?

- Tôi nghĩ lý do nằm ở người Việt. Họ vẫn có ngần ấy kỹ thuật, kiến thức, công nghệ, nhưng chúng ta không biết cách học hỏi, cách phối hợp và thậm chí là dẫn dắt họ để làm sản phẩm Việt cho người Việt.

* Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

Theo Thanh Niên
© Copyright 2017 Dien Vien Viet Nam. All rights reserved.
Powered by Nilead
Hotline: 0338 179 168
Website hiện đang trong quá trình chờ cấp phép.