Ai đã cứu Chi Pu?

By dvvn Jun 06, 2020
Cột hơi yếu, kỹ thuật ngân rung, luyến láy kém nhưng khi hát ballad, Chi Pu vẫn chinh phục được một bộ phận khán giả. Là cô có được ca khúc vừa vặn hay công nghệ, hình ảnh đã cứu?

Chưa đầy nửa tháng sau khi nhận nhiều chê bai vì bản live Ánh trắng nói hộ lòng tôi, Chi Pu trở lại đường đua Vpop vào tối 3/6 với Cung đàn vỡ đôi. Đây cũng là MV đầu tiên của Chi Pu sau thành công của Anh ơi ở lại năm 2019.

Trước khi MV với thời lượng gần 8 phút được ra mắt, ê-kíp Chi Pu có giới thiệu 2 teaser trên kênh riêng song không nhận được nhiều chú ý. Teaser thực chất cũng không liên quan gì đến nội dung MV, chưa kể nữ ca sĩ còn mang tiếng khi tự nhận là “sầu nữ”, vốn là danh xưng gắn liền với đời sân khấu của cố NSƯT Út Bạch Lan.

Nhưng trái với những điều tiếng không đáng có, Cung đàn vỡ đôi là MV chỉn chu và dễ chịu về mặt hình ảnh. Duy chỉ có giọng hát của Chi Pu vẫn gây bàn tán, không hẳn vì yếu hay thiếu thuyết phục, hơn cả, nữ ca sĩ đang sử dụng cách ngân rung, nhả chữ rất lạ.


Một năm trước, với Anh ơi ở lại của Đạt G, Chi Pu đã có bản hit đầu tiên kể từ khi lấn sân ca hát. Từng bị định danh như một giọng ca thảm họa, Chi Pu bắt đầu được công nhận như một ca sĩ nhờ xử lý khôn khéo chất ballad của Đạt G. Bản thân Đạt G cũng từng nói: “Anh ơi ở lại hợp với Chi Pu”.

Trong sản phẩm trở lại lần này, Chi Pu tiếp tục theo đuổi pop ballad dù không còn bắt tay với tác giả Bánh mì không. Thay vào đó, nữ ca sĩ gốc Hà Nội cộng tác với Kiên, gương mặt còn mới mẻ của giới indie, mới chỉ có vài sáng tác được một bộ phận khán giả biết đến như Em ăn sáng chưa, Tập thể dục hay mới đây là Cô bé quàng khăn đỏ.

Song, so với những ca khúc mà Kiên tự sáng tác và tự hát trước đây, Cung đàn vỡ đôi là màu sắc khác hẳn, cả về giai điệu, chất liệu âm nhạc lẫn ca từ. Sự khác biệt này có thể đến từ việc tác giả trẻ đã nghiên cứu giọng hát Chi Pu và viết như một đơn đặt hàng thay vì là khúc có sẵn, như chính anh chia sẻ.

Giai điệu Cung đàn vỡ đôi mang hơi hướm thấy rõ của nhạc Cantopop vốn đặc biệt phổ biến vào những năm 1990, đầu 2000.

Tuy nhiên, nhờ sử dụng hiệu quả đàn tranh và cách mix/master ít nhiều có tính hiện đại của Huỳnh Quang Tuấn, khiến nền nhạc khá hấp dẫn, không cho cảm giác quá cũ kỹ. Cách xây dựng tiết tấu, âm thanh cũng tỏ ra hiệu quả trong việc cứu giọng hát của Chi Pu.

Là nữ ca sĩ có cột hơi thuộc hàng yếu nhất của thị trường hiện nay, thậm chí kỹ thuật ngân rung, luyến láy gần như không có nhưng với Cung đàn vỡ đôi, Chi Pu tỏ ra phù hợp. Dù sự phù hợp này lại nằm trong tổng thể của một cách hát rất lạ.

Đơn cử như: “Cũng đã lỡ rồi (ngắt), đã hết rồi / Tình mình giờ như con nước trôi (nhấn) / Ngàn năm cũng chỉ thế thôi/ Tôi chỉ mong (đuối hơi) / Khi nắng lên ngay sau màn mưa (ngân rất ngắn) / Anh bước chân trên con đường xưa (ngân rất ngắn, đai chữ) / Theo gió bay (ngắt) câu ca nhẹ đưa (ngân rất ngắn).

Tất cả nguyên âm (o, a, i) đều được xử lý tròn trịa, rõ ràng và nhấn như đọc, không có luyến láy cuối câu. Thay vào đó là một kiểu ngân rất ngắn thông qua cách đẩy hơi từ giọng thật, không sử dụng kỹ thuật ngân, rung, không giả thanh, không thay đổi cao độ giọng hát.


Với một giọng hát yếu, kiểu hát rõ lời, chậm rãi rất dễ thành thảm họa. Nhưng nhờ nền nhạc dễ nghe, bắt tai và bản chất ca từ gieo vần rất tốt từ đầu đến cuối khiến Cung đàn vỡ đôi có nhịp điệu tốt để giọng hát ca sĩ có thể nương vào.

Do vậy, dù trên mạng có ý kiến cho rằng Chi Pu đã hát Cung đàn vỡ đôi như... “vỡ đôi cung đàn” với một cách nhấn nhá rất lạ nhưng giọng hát của cô vẫn nghe được, thậm chí có thể nghe nhiều lần và được lòng một bộ phận khán giả.

Như nhiều sản phẩm trước của Chi Pu, phần hình ảnh MV không đơn thuần chỉ là “bonus” cho âm nhạc, thậm chí còn đóng vai trò quan trọng để bù đắp cho giọng hát còn thiếu sót của ca sĩ và chất liệu âm nhạc quá truyền thống, ít mới mẻ.

Cung đàn vỡ đôi do Vũ Hồng Thắng đạo diễn. Nội dung MV lấy bối cảnh miền Tây Nam Bộ sông nước ở giữa thế kỷ trước. Các tình tiết xoay quanh chuyện tình của nhân vật cô Ba Trà (Chi Pu), anh Hai Tân (Quang Sự) và cô tiểu thư Thu Hà, con nhà Phú Hộ.

Ba Trà là đào chính trong đoàn cải lương của anh Hai Tân, lớn lên bên Hai Tân và đem lòng mến mộ anh Hai qua năm tháng. Ba Trà luôn say mê nhìn những điệu múa võ của anh Hai. Nhưng Hai Tân lại đem lòng yêu tiểu thư Thu Hà ngay sau lần đầu gặp mặt.

Chuyện tình yêu của Hai Tân và Thu Hà không được ông phú hộ chấp thuận. Nhà phú hộ muốn gả con gái cho quan Tây, do vậy, giam Thu Hà vào phòng riêng. Vì thương Hai Tân ngày một héo mòn, đau khổ, Ba Trà sau đó tìm cách cứu thoát Thu Hà để cô chạy trốn với Hai Tân.

Nhưng kết cục lại không được như ý.

Ngoài việc giới thiệu nhiều địa danh đẹp, yên bình của miền Tây sông nước, Cung đàn vỡ đôi cũng phần nào tái hiện một đoàn hát của thế kỷ trước. Ngay mở đầu MV cũng là trích đoạn của Tình anh bán chiếu, tác phẩm của soạn giả NSND Viễn Châu qua tiếng hát của NSND Út Trà Ôn.

Vốn là đạo diễn có thế mạnh trong việc xây dựng những MV có chất liệu văn hóa truyền thống như Hết thương cạn nhớ (Đức Phúc), Vũ Hồng Thắng cho thấy những tỉ mỉ trong thiết kế đạo cụ, bối cảnh, trang phục.


Tuy nhiên, MV cũng có một số sạn không đáng có, đặc biệt là cảnh nam chính đỡ các nhân vật nữ khi chuẩn bị ngã có phần gượng gạo.

Ngoài ra, không phải diễn viên nào cũng tỏ ra hợp vai. Trong khi Ngọc Trinh không có được sự đài các của một tiểu thư khuê phòng, trâm anh thế phiệt, Chi Pu trong MV này cũng lộ rõ nhưng hạn chế về diễn xuất, đặc biệt là trong cảnh khóc.

Dù vậy, sau Anh ơi ở lại như phần hậu truyện sáng tạo của Tấm Cám, với Cung đàn vỡ đôi lần này Chi Pu tiếp tục cho thấy những tìm tòi, đầu tư thực hiện những sản phẩm có yếu tố văn hóa dân tộc.

Đường đi nước bước của Chi Pu cũng cho thấy cô đang có một ê-kíp tốt, khắc phục giúp cô những hạn chế để tiến xa hơn trên thị trường và xóa dần mác “ca sĩ thảm họa”.

Theo: Zing.vn

© Copyright 2017 Dien Vien Viet Nam. All rights reserved.
Powered by Nilead
Hotline: 0338 179 168
Website hiện đang trong quá trình chờ cấp phép.