Bố già của Trấn Thành thuộc nhóm dự án điện ảnh Việt được trông đợi nhất năm, đồng thời đánh dấu lần đầu nghệ sĩ cùng lúc nắm giữ vai trò diễn viên chính, biên kịch, sản xuất lẫn đồng đạo diễn (cùng Vũ Ngọc Đãng). Phim từng dự kiến ra rạp trong dịp Tết Nguyên đán 2021, trước khi phải dời tới đầu tháng 3 do dịch bệnh.
Dù được giới thiệu là phát triển từ loạt phim Bố già (2020), bộ phim điện ảnh không có điểm chung về tuyến nhân vật với web drama. Tác phẩm mới lấy bối cảnh một con hẻm nghèo, nhốn nháo và hay ngập nước ở TP.HCM, nơi Ba Sang (Trấn Thành) sống cùng con trai Quắn (Tuấn Trần) và con gái nuôi Bù Tọt (Ngân Chi). Trong khi người bố vất vả với nghề chở hàng thuê, thì cậu con trai ôm mộng trở thành ngôi sao trên mạng xã hội.
Ông Ba Sang là người con thứ hai trong gia đình gồm bốn anh chị em Giàu (Ngọc Giàu), Sang, Phú (Hoàng Mèo), Quý (La Thành). Sự khác biệt trong lối sống và điều kiện kinh tế dẫn đến nhiều bất đồng. Một số người thậm chí dị nghị ông Sang vì nhận nuôi bé Bù Tọt dù gia cảnh không mấy khá giả.
Ở vị trí biên kịch kiêm đồng đạo diễn, Trấn Thành chứng tỏ được khả năng thu nhặt những mẩu chuyện xung quanh mình và phát triển thành tình tiết phim. Như chia sẻ tại buổi ra mắt tác phẩm, kịch bản được anh xây dựng từ câu chuyện thật của mình, hoặc nghe kể từ bạn bè, đồng nghiệp.
Đôi lúc, Bố già mang hơi hướm phong cách slice-of-life (lát cắt cuộc sống), mô tả những trải nghiệm đời thường hơn là hướng đến sự kịch tính. Khán giả lần lượt được giới thiệu các nhân vật, quan điểm và vấn đề riêng của họ, trước khi mâu thuẫn chính xuất hiện khá muộn ở gần giữa phim.
Hướng đi này giúp Trấn Thành cùng cộng sự phô diễn thế mạnh về lời thoại và tung hứng. Tác phẩm giống như được chia thành từng đoạn nhỏ, mỗi đoạn bàn đến một vấn đề trong gia đình. Ở từng đoạn, ê-kíp biết cách thắt, mở diễn biến thông qua lời thoại, tình tiết, để đưa đẩy cao trào và làm phong phú tổng thể tác phẩm.
Tùy trải nghiệm cá nhân, mỗi người xem có thể tìm thấy và đồng cảm với một khía cạnh nào đó của câu chuyện, từ việc cha mẹ đem con cháu ra để ganh đua nhau, bất đồng thế hệ, cho đến cảm giác nuối tiếc khi người thân ra đi.
Lối xây dựng nhân vật gần gũi, giàu chất liệu cuộc sống giúp các cảnh phim đáng tin và dễ chạm đến cảm xúc. Những cá nhân trong Bố già không hẳn là nghèo, nhưng mang dáng dấp của người lao động. Họ bị chi phối bởi những cảm xúc đời thường, đôi khi hơi tiêu cực, ghen tị nhau, ăn nói thẳng thừng, thậm chí dọa đánh nhau. Nhưng tất cả nhìn chung đều hướng thiện, quan tâm đến người thân.
Có thể nói, sự kết hợp trên ghế đạo diễn giữa một Trấn Thành nhiều biến hóa, ý tưởng và một Vũ Ngọc Đãng rất mát tay khi làm phim về người lao động đã mang lại trái ngọt.
Trong phim, vai ông Ba Sang sắc nét nhất với tính cách tốt bụng, ưa nhường nhịn, giàu tình cảm, nhưng ngại thay đổi. Ông lo cho con trai, nhưng còn lấn cấn trong việc chấp nhận hướng đi mới của cậu. Trong khi đó, Quắn đại diện cho lớp thanh niên ngày nay, giỏi công nghệ và thích thử thách bản thân.
Mâu thuẫn giữa hai bên được cài cắm qua nhiều tình tiết nhỏ như mua quần áo, chuyển nhà, cách cư xử với người thân… Biên kịch giải quyết khéo sự khác biệt thế hệ, khi đến cuối mỗi người đều hiểu và chấp nhận một phần quan điểm của người kia.
Việc cân bằng tốt giữa hai quan điểm này giúp bộ phim có được cái kết hợp lý, dễ chịu với đa phần người xem. Càng về cuối, Bố già càng đẩy thêm nhiều trường đoạn xúc động khi câu chuyện lên cao trào. Hàng loạt màn đối thoại chát chúa lúc đầu được thay bằng những lời giãi bày chân tình.
Không ít người sẽ nhận ra rằng chính người thân trong gia đình mới là những người vốn thiếu thốn lời ngọt ngào, êm đềm nhất từ chúng ta. Cuộc sống bộn bề bên ngoài khiến con người đôi khi quên mất là mình “có nhiều thời gian, nhưng ba mẹ thì không”.
Trấn Thành cho thấy sự tiến bộ về diễn xuất trong hình tượng một ông già tốt tính nhưng bảo thủ. Ở lần tái xuất này, nghệ sĩ không lạm dụng sự hoạt ngôn của bản thân, mà phát tiết nó vào một đường dây tâm lý chắc chắn. Các câu nói của ông Ba Sang có ý nghĩa trong nội tại đối thoại và câu chuyện, chứ không bị rơi vào tình trạng “thuận miệng thì nói” như nhiều vai trước đây của Trấn Thành.
Trong khi đó, Tuấn Trần gây bất ngờ sau khi không để lại nhiều dấu ấn trong các tác phẩm trước đây. Ở những đoạn đóng cùng Trấn Thành lẫn các đàn anh, đàn chị, nam diễn viên không bị lép vế mà vẫn tạo được điểm nhấn.
Một cảnh quay đáng khen của bộ phim là khi hai bố con đấu khẩu trong nhà vài phút mà không cắt cảnh. Không chỉ giữ được nội dung thoại trong khoảng thời gian khá dài, Trấn Thành và Tuấn Trần còn kiến tạo được mâu thuẫn qua nhịp điệu, sắc thái thoại.
Trong dàn diễn viên phụ, những nghệ sĩ giàu thực lực như Ngọc Giàu, Lan Phương, La Thành không khó hoàn thành vai diễn. Trong đó, Lan Phương tỏ ra ấn tượng với chất giọng chát chúa, những lời thoại cà khịa qua vai nhân vật khó ưa nhất phim. Còn Lê Giang nổi bật nhờ sự duyên dáng, dí dỏm khi hóa thân thành cô hàng xóm mê Ba Sang. Sau Tuấn Trần, nữ nghệ sĩ là người có nhiều trích đoạn đáng nhớ nhất với Trấn Thành.
Về kỹ thuật, ê-kíp giới thiệu cảnh đầu phim ấn tượng với cú máy one-shot dài khoảng hai phút, phô diễn đại cảnh đường phố trước khi đi vào khu xóm nghèo của dân lao động. Tuy nhiên, phần nhạc phim nặng tính sắp đặt, mang khuynh hướng dẫn dắt thay vì khơi gợi cảm xúc tự nhiên.
Kịch bản Bố già có nhiều điểm sáng, nhưng vẫn rơi vào tình trạng ôm đồm tình tiết, chưa giải quyết hết mâu thuẫn. Bên cạnh đa phần câu thoại tốt, một số vẫn còn sến và dài dòng, không hợp xuất thân các nhân vật.
Với thời lượng 128 phút, bộ phim tạo cảm giác hơi lê thê và nhiều đoạn hoàn toàn có thể chuốt ngắn hơn, như cảnh với bài hát Bigcityboi đầu phim. Ngoài ra, tình tiết Quắn trở thành ngôi sao diễn ra quá nhanh, phá hỏng bầu không khí chung vốn đang xoay quanh những người lao động. Loạt cảnh về scandal showbiz bị rập khuôn nhiều phim trước đó và cũng lạc lõng trong tổng thể.
Nhìn chung, Bố già là một xuất phẩm tốt đến từ Trấn Thành và các cộng sự. Dù còn vài điểm lấn cấn, tác phẩm vẫn cho thấy tố chất của cả những người đứng trước và phía sau máy quay.
Theo: Zing.vn