Chiêu kiếm tiền của game show Việt vừa phát truyền hình vừa đăng mạng

By dvvn May 28, 2020
Giới quảng cáo nhận định việc nhiều game show Việt vừa phát truyền hình, vừa đăng mạng thực chất là một hình thức "kiếm thêm".

Vừa phát truyền hình, vừa đăng lên mạng là một thực tế của game show Việt hiện nay. Dù giới chuyên gia cho rằng cách làm này phá vỡ tính độc quyền của chương trình phát sóng truyền hình, song, gần như tất cả game show, truyền hình thực tế đều đang áp dụng cách làm này.

Từ những game show ca nhạc như Gương mặt thân quen, Ca sĩ bí ẩn... đến chương trình hài như Ơn giời cậu đây rồi hay các format về tình yêu, hẹn hò, hôn nhân như Vợ chồng son, Người ấy là ai... đều được tải trên kênh riêng của nhà sản xuất ngay sau khi lên sóng giờ vàng truyền hình.

Đáng kể, thậm chí bản trên mạng của nhiều game show còn có thời lượng dài hơn bản truyền hình, đăng tải những phần mà bản lên sóng truyền hình không có hoặc đã bị biên tập. Những cái tên có thể kể đến như Chạy đi chờ chi, Giải mã kỳ tài hay Vợ chồng son... Ví như tập 4 của Giải mã kỳ tài mùa 2 trên sóng HTV chỉ có 26 phút nhưng bản trên mạng là 37 phút.

Một số chuyên gia truyền hình cho rằng thực trạng này chỉ xuất hiện trong vài năm trở lại đây và khác hẳn với cách làm của loạt game show nổi tiếng ở Nhật, Hàn, Anh, Mỹ. Trong khi, giới quảng cáo nhận định thực chất đây là những "chiêu" kiếm tiền của nhà sản xuất trong bối cảnh game show bão hòa.


Bản trên mạng của tập 351 chương trình Vợ chồng son gây tranh cãi mới đây có thời lượng là 31 phút, dài hơn bản truyền hình. Sau một tuần đăng tải trên kênh, video này có hơn 1,4 triệu lượt xem.

Kim Cang - chuyên viên quảng cáo ở TP.HCM, có nhiều năm kinh nghiệm về YouTube cho biết: "Tập 351 của Vợ chồng son tối thiểu sẽ thu được 40 triệu đồng, dựa trên lượt xem hiện nay cho thời lượng như vậy. Đó là nếu người xem đa phần sinh sống ở Việt, còn nếu nhiều người xem đang sinh sống ở nước ngoài, số tiền còn cao hơn nhiều".

Chuyên viên quảng cáo này cũng nhấn mạnh mức thu này là thấp nhất có thể và chưa tính những cách thu khác của video đăng trên YouTube, như những hình ảnh quảng cáo trong chương trình bằng logo hay những hình thức khác.

"Giây 0:15 cho thấy chương trình này có sự tham gia và tài trợ của nhãn hãng. Do vậy, nhà sản xuất còn nhận được tiền từ nhãn hàng. Đó là chưa kể đến show này về cơ bản còn phát sóng trên truyền hình và nhà sản xuất cũng đã nhận được một phần tiền. Sau khi phát sóng trên truyền hình thì được đăng tải lại trên YouTube là để kiếm thêm tiền", Kim Cang nói.

Dân quảng cáo cũng nhận định mức thu của Vợ chồng son thực tế không phải là quá cao so với mặt bằng chung. Nhưng chương trình này có nhiều số liên tiếp, do vậy, tổng thu là không nhỏ.

Cùng với Vợ chồng son, tất cả game show vừa đăng trên truyền hình vừa có bản trên mạng đều có thể kiếm thêm. Trường hợp của Ơn giời cậu đây rồi là một ví dụ điển hình, thậm chí mức thu còn cao hơn nhiều Vợ chồng son.

Tập 1, mùa 7 của Ơn giời cậu đây rồi được đăng tải trên kênh riêng của đơn vị sản xuất vào cuối tuần vừa qua. Chỉ sau 3 ngày đăng tải, sản phẩm đạt 2,2 triệu lượt xem. Thời lượng của tập này là gần 2 tiếng. Trường hợp này được giới thành thạo YouTube đánh giá là có thể thu hàng trăm triệu là tối thiểu.


Đại diện một đơn vị sản xuất game show cho biết: "Đăng tải trên mạng giúp nhà sản xuất thu được số tiền không nhỏ, do vậy, không dại gì các đơn vị lại không làm như vậy". Tuy nhiên trước thắc mắc về việc tại sao không chỉ đăng trên mạng mà vẫn chọn kết hợp với các nhà đài để phát truyền hình, người này trả lời: "Truyền hình vẫn là kênh chính thống để tiếp cận khán giả, doanh thu từ quảng cáo trên truyền hình cũng rất tốt".

Một trong những game show đang có giá quảng cáo trên truyền hình tốt nhất hiện nay là Ơn giời cậu đây rồi, phát sóng tối chủ nhật hàng tuần trên kênh VTV3, đây cũng là khung giờ vàng đắt giá của Đài Truyền hình Việt Nam.

Theo niêm yết giá của Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình của VTV, giá quảng cáo Ơn giời cậu đây rồi mùa 7 năm 2020, ở mã giờ C16X, tức 21h15-23h là 200 triệu đồng cho TVC 30 giây. Mức 10 giây là 100 triệu đồng, trong khi mức 20 giây là 150 triệu đồng.

Như vậy, với 10 phút quảng cáo trong thời gian phát sóng chương trình, các doanh nghiệp, nhãn hàng phải trả cho nhà đài khoảng 4 tỷ đồng.

Doanh thu này chưa tính những hình thức quảng cáo khác, bằng ngay hình ảnh, logo trong game show, tức nhà tài trợ trực tiếp. Theo quan sát của phóng viên, gần như tất cả game show trên truyền hình đều có nhà tài trợ trực tiếp, thậm chí có những game show mà nhà tài trợ đồng hành cùng nhiều mùa lên sóng.

Các kênh khác như HTV hay Vĩnh Long tuy giá quảng cáo thấp hơn sóng giờ vàng cuối tuần của VTV, song cũng vẫn là một nguồn thu tốt cho nhà đài và đơn vị sản xuất.

Các game show trên Đài Truyền hình Vĩnh Long như Tình Bolero 2020, Người kể chuyện tình, Lò võ Tiếu Lâm hay Hãy kể tôi nghe - Nhạc sĩ chủ đề đều có mức giá niêm yết là 100 triệu đồng cho 30 giây quảng cáo trong chương trình.

Theo báo giá công khai trên trang của Đài Truyền hình Vĩnh Long, đây là mức giá chung của các game show giờ vàng trên sóng, ở trong tuần lẫn cuối tuần. Đài Vĩnh Long hiện được rất nhiều đơn vị sản xuất game show ưa chuộng. Game show gần như phủ sóng đài truyền hình này.

Tuy nhiên, khác với bản đăng tải trên mạng, với bản truyền hình, doanh thu từ quảng cáo không nằm toàn bộ trong túi nhà sản xuất.

Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) hay cả Đài Truyền hình Vĩnh Long đều niêm yết giá công khai trên trang của đài. Trong đó, VTV có bộ phận riêng chịu trách nhiệm về quảng cáo và doanh thu quảng cáo là Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình.

Giới quảng cáo cho biết các bộ phận này thường sẽ thống nhất với nhà sản xuất để có mức giá quảng cáo phù hợp. Doanh thu từ quảng cáo sau đó được nhà đài và đơn vị sản xuất chia theo thỏa thuận riêng của từng chương trình.


Trong một cuộc trao đổi, bà Nguyễn Thị Hội, đại diện Công ty TNHH Truyền thông Cuộc Sống Mới Newlife Media - một công ty "agency" chuyên mua quảng cáo trên VTV - cho biết các nhà sản xuất thường cũng sẽ tham gia việc giá quảng cáo, nhất là trong quyết định tăng, giảm giá dựa trên mức độ của chương trình hoặc phim truyện.

Song, dựa trên báo giá niêm yết ở mức giá quảng cáo của các loại hình đã có nhiều thay đổi qua các năm, nhất là trên VTV. Trong khi, giá quảng cáo phim truyện vài năm gần đây có xu hướng tăng, giá quảng cáo game show lại giảm, thậm chí có những chương trình giảm mạnh.

Việc game show bão hòa vì số lượng sản xuất ngày càng nhiều, giá quảng cáo lại giảm, nên việc đăng thêm trên các trang mạng để kiếm thêm - là một hướng đi mới của các nhà sản xuất.

Theo: Zing.vn

© Copyright 2017 Dien Vien Viet Nam. All rights reserved.
Powered by Nilead
Hotline: 0338 179 168
Website hiện đang trong quá trình chờ cấp phép.