Running Man mùa 2 (Chơi là chạy) đã lên sóng 4 tập và nhận về nhiều phản hồi trái chiều của khán giả. Ngoài những ý kiến về việc cần loại bỏ thành viên gặp scandal, khán giả còn bức xúc với cách biên tập cảnh quay và màn thể hiện của dàn cast mới. Trong đó, người vướng phải ý kiến trái chiều nhiều là Trường Giang.
Trong dàn cast Running Man, Trường Giang lớn tuổi nhất. Nam MC cũng có nhiều kinh nghiệm "cầm trịch" game show, nhưng đa phần là các chương trình có sẵn kịch bản, lời dẫn hoặc chỉ yêu cầu anh tham gia nấu nướng, thưởng thức văn hóa ẩm thực.
Trong khi đó, Running Man là chương trình thiên nhiều về vận động, yêu cầu người chơi phải linh hoạt với hoàn cảnh, tình huống. Tất nhiên, một chương trình truyền hình luôn có kịch bản, nhưng với dạng show như Running Man, kịch bản không vẽ ra trước tới từng lời nói, cử chỉ cho dàn cast.
Do đó, cách Trường Giang hành động và nói chuyện trong show khó lòng đổ lỗi cho kịch bản. Anh bị cho là đùa nhạt và có cách chơi không phù hợp với tính chất chương trình.
Trải qua một tháng phát sóng, người hâm mộ chưa thấy vai trò dẫn dắt và kết nối đồng đội của Trường Giang. Anh là host của chương trình - như cách Trấn Thành thể hiện ở mùa đầu tiên.
Thay vì cùng các thành viên hợp sức hoàn thành nhiệm vụ, Trường Giang có xu hướng chỉ đạo nhiều hơn. Khán giả theo dõi chương trình cho rằng nam MC quen cách làm việc ở các game show như 7 nụ cười xuân, Nhanh như chớp... Trong các chương trình trên, Trường Giang thường chỉ dẫn thoại của MC và khéo léo điều động thành viên hoàn thành phần việc được phân công.
Trong nhóm chung có gần 260.000 người hâm mộ của chương trình, sau mỗi tập mới, khán giả đều có hàng chục bài viết nhận xét nội dung, đồng thời để lại bình luận không hài lòng với cách chơi của Trường Giang.
Chẳng hạn, sau tập 4, Trường Giang bị chê thỏa hiệp với Karik một cách quá dễ dàng, không có ý tưởng kết hợp cùng các thành viên Running Man để xé bảng tên của gián điệp. Bên cạnh đó, anh cũng không chú ý bảo vệ hay hỗ trợ Min, dù chủ đề của tập chơi là "Bảo vệ nữ thần".
Hay như trong trò chơi nhảy qua xà ngang ở dưới bể bơi, Jack không biết bơi nhưng vẫn đồng ý lặn xuống nước để làm bệ đỡ cho Min đứng lên lưng. Trong khi đó, Trường Giang chỉ đứng bên cạnh chỉ đạo tư thế cho Jack và Min.
Khi xem focus fancam - tức những cảnh bị cắt bỏ khỏi nội dung chính, đồng đội còn lại trong đội Xanh dương của Trường Giang quan tâm, phối hợp với Min nhiều hơn anh. Chính dàn cast cũng nhận xét Trường Giang không nhiệt tình xé bảng tên hay hòa mình vào cuộc chơi, phần lớn thời gian là đưa ra lời hướng dẫn suông. Việc này còn khiến nam MC bị nghi ngờ là gián điệp .
Một trong những chi tiết khiến nhiều người bức xúc khi theo dõi tập 4 Running Man là việc Trường Giang liên tục chê bai về cân nặng của các thành viên nữ, từ Min tới Thúy Ngân và Lan Ngọc.
Do yêu cầu của trò chơi, các thành viên nữ trong 3 đội chơi không được đặt chân xuống đất. Các thành viên nam phải thay phiên nhau cõng, bế hoặc khiêng thành viên nữ. Trong quá trình di chuyển nhiều lần giữa các tầng, Trường Giang không ít lần nói Min nặng và bảo cô nên ăn ít cơm lại.
Ở đội Xanh lá, Trương Thế Vinh cũng có vài lần hỏi về cân nặng của Thúy Ngân, sau đó đùa rằng cô không thể có trọng lượng 56 kg mà phải nặng hơn. Chi tiết này cũng khiến một bộ phận khán giả nữ không hài lòng. Tuy nhiên, hình ảnh hậu trường cho thấy Trương Thế Vinh vẫn cõng Thúy Ngân đi lại dễ dàng, anh cũng không nhắc lại điều này ở phần sau chương trình. Do đó, lời phê bình dành cho Trương Thế Vinh cũng giảm bớt.
Về phần Trường Giang, nam MC nhiều lần nhắc đến cân nặng của Min. Tới phần trò chơi ở bể bơi, anh tiếp tục nói về thể trọng của Thúy Ngân. Nhưng thực tế, việc Thúy Ngân nặng bao nhiêu hay gây khó khăn thế nào cho đồng đội không hề ảnh hưởng tới Trường Giang. Điều này khiến những câu đùa về cân nặng anh dành cho đàn em bị đánh giá là thiếu tinh tế và bị quy vào body shaming.
Hơn nữa, nhìn vào thực tế, cả Lan Ngọc, Min hay Thúy Ngân đều có hình thể nhỏ nhắn, thon thả. Thúy Ngân cao 1,7 m nên trông "đậm người" hơn hai khách mời nữ còn lại, nhưng nữ diễn viên vẫn có vóc dáng mảnh mai, không phải người gây khó khăn cho đồng đội.
"Cân nặng là vấn đề tối kỵ của phụ nữ, không cần phải nói hẳn chữ 'béo' ra mới là body shaming mà hành động miệt thị cân nặng liên tục như Trường Giang cũng tính là body shaming", một khán giả nhận xét.
Đội ngũ biên tập của mùa 2 Running Man vấp phải nhiều lời chê bai, phê bình khi liên tục cắt bỏ phần quan trọng, nhưng lại cho lặp đi lặp lại những cảnh không cần thiết.
Ngay từ tập 2, các phân cảnh chia đội chơi, vì sao khách mời chọn về đội Trường Giang... đã bị cắt bỏ khiến người xem show hụt hẫng, không hiểu nội dung. Nhiều cảnh được slow-motion và lặp đi lặp lại một cách không cần thiết, như khoảnh khắc ném bóng bowling trượt.
Sang tập 3 và 4, nhiều cảnh suy luận của dàn cast tiếp tục bị cắt khỏi thời lượng lên sóng, khiến khán giả hiểu lầm về cách chơi của họ. Việc này chỉ được phát hiện khi ê-kíp tung ra các focus fancam của từng thành viên.
Công tác biên tập, điền caption (chữ chạy trên màn hình) của mùa 2 cũng bị chê là nhạt, không hài hước bằng mùa 1. Nhiều khoảnh khắc không chèn nhạc hoặc hiệu ứng âm thanh, để không khí show trùng xuống.
Tuy nhiên, các focus fancam được tung ra lại khắc phục được nhược điểm về khâu biên tập hình ảnh, âm thanh. Rất nhiều khán giả cho rằng video hậu trường, focus fancam còn hài hước, gay cấn hơn bản phát sóng chính thức.
Focus fancam cũng cho thấy rõ hơn các thành viên suy luận, lập chiến thuật, thỏa thuận liên minh... Trong khi đó, bản phát sóng chính thức không có những tình tiết này khiến khán giả tưởng rằng các thành viên không tương tác với nhau, chỉ biết "mạnh ai nấy chạy" và có màn thể hiện nhạt nhòa.
Theo: Zing.vn