Điện ảnh Việt 2019: Mở đầu thăng hoa với 4 phim trăm tỷ nhưng nhạt dần qua từng tháng

By dvvn Jul 18, 2019
Sau ba tháng đầu năm ăn nên làm ra, những dự án phim Việt sau đó cứ lặng lẽ ra rạp rồi lặng lẽ ngừng chiếu, không để lại dấu ấn hoặc chỉ được nhớ đến với scandal.

Đầu năm âm lịch 2019, màn ảnh rộng Việt Nam chứng kiến cuộc đua giành ngôi vương của phim Việt. Một tác phẩm vừa lập kỉ lục có thể nhanh chóng bị tác phẩm sau soán ngôi. Điều đó mở ra kì vọng cho khán giả đại chúng về một năm ăn nên làm ra của điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, viễn cảnh không xảy ra khi những dự án phim sau đó cứ lặng lẽ ra rạp rồi lặng lẽ ngừng chiếu, không để lại dấu ấn hoặc chỉ được nhớ đến với scandal.

Phim Việt thắng đậm đầu năm 2019

Đường đua phim Tết dịp đầu năm âm lịch 2019 là một trong những cuộc chiến khiến công chúng và truyền thông bàn tán sôi nổi nhất. Chất lượng phim nội địa gây tranh cãi, lùm xùm cạnh tranh giữa Trạng Quỳnh Cua lại vợ bầu, cùng với ồn ào mâu thuẫn của Trấn Thành và đoàn làm phim làm khán giả không khỏi ngao ngán. Song đáng ngạc nhiên, phim Việt vẫn thắng đậm trên sân nhà, bỏ xa những tác phẩm ngoại không kém phần chỉn chu như Đại Chiến Âm Dương của Thành Long, Tân Vua Hài Kịch do Châu Tinh Trì cầm trịch và How to Train Your Dragon: The Hidden World.

Trấn Thành trong “Cua lại vợ bầu”.

Trạng Quỳnh Cua lại vợ bầu cùng chia nhau miếng bánh lớn là thị trường phim Việt mùa Tết. Tác phẩm của đạo diễn Đức Thịnh gia nhập “câu lạc bộ trăm tỷ”, còn bộ phim của Trấn Thành và Ninh Dương Lan Ngọc cán mốc doanh thu 191,8 tỷ đồng với 2,7 triệu lượt xem trên các rạp toàn quốc. Trạng Quỳnh cũng không thua kém khi vượt qua 100 tỷ đồng.

Không lâu sau đó, tác phẩm hành động Hai Phượng do Ngô Thanh Vân đóng chính tiếp tục nối dài chiến thắng của phim Việt, đạt hiệu ứng mạnh mẽ đối với khán giả Việt Nam và thắng lớn về doanh thu. Bộ phim nhanh chóng thu về 200 tỷ tại Việt Nam, Mỹ và Canada sau hai tuần, trong đó có 600.000 USD (13,9 tỷ đồng) đến từ thị trường Bắc Mỹ sôi động.

Thành công của phim Việt đầu năm 2019 không chỉ được thể hiện qua con số doanh thu. Tác phẩm Hai Phượng của Ngô Thanh Vân được đánh giá là phim hành động Việt Nam đáng xem nhất mọi thời đại, vượt khỏi giới hạn màn ảnh nội địa và vươn ra tầm quốc tế. Ngay cả Vu quy đại náo, một tác phẩm không được công chiếu vào dịp Tết, trực tiếp cạnh tranh với siêu phẩm của Ngô Thanh Vân cũng nhận được cơn mưa lời khen nhờ câu chuyện vừa phải, đáng yêu.

“Hai Phượng” nhận được cơn mưa lời khen từ khán giả đại chúng.

Đến tháng tư, bộ phim hài - kinh dị Lật mặt 4 tiếp tục được khán giả đón nhận nhờ tính giải trí cao. Phong cách làm phim mang hơi hướng phim ma Thái Lan Tình người duyên ma dễ xem, dễ cười giúp Lý Hải thu về 120 tỷ đồng, chính thức đưa Lật mặt 4 lọt vào “câu lạc bộ trăm tỷ”.

“Lật mặt 4” của Lý Hải.

Thị trường phim Việt ngày càng ảm đạm

Trước Lật mặt 4, đã có những tác phẩm ra rạp rồi thua lỗ trầm trọng như Hạnh phúc của mẹ, bộ phim bị khán giả tẩy chay vì lùm xùm của cặp đôi chính Cát Phượng - Kiều Minh Tuấn. Đến tháng năm, hàng loạt tác phẩm Việt Nam lặng lẽ ra rạp rồi cứ thế biến mất khỏi danh sách trình chiếu mà không được công chúng nhớ đến, điển hình như Vô gian đạo, Ước hẹn mùa thu, Cà chớn anh đừng đi, Tháng năm để dành…

Cát Phượng kể chuyện người mẹ nuôi con tự kỷ trong “Hạnh phúc của mẹ”.

Bên cạnh đó, còn có những tác phẩm chưa được ra rạp hoặc vừa ra rạp đã rút khỏi rạp như Thiên linh cái Người vợ ba. Tác phẩm kinh dị Thiên linh cái từng được đón đợi bậc nhất với đề tài tâm linh táo bạo, hình ảnh ghê rợn trong trailer và poster cùng hàng loạt cảnh nóng trần trụi. Dự án cứ năm lần bảy lượt rời lịch chiếu và cho đến nay, số phận của bộ phim vẫn là một câu hỏi lớn. Trong khi đó, Người vợ ba, tác phẩm được giới phê bình quốc tế khen ngợi bị chỉ trích về mặt đạo đức và phải rút khỏi rạp khi về đến quê nhà, do để một diễn viên tuổi vị thành niên đóng cảnh nóng phản cảm.

Sự ảm đạm của thị trường phim Việt còn đến từ những siêu phẩm quốc tế ồ ạt vào các rạp Việt Nam, trong đó có Avengers: Endgame, tác phẩm của đế chế Marvel công chiếu hồi cuối tháng tư. Bộ phim cũng trở thành bước đà hoàn hảo để Spider-Man: Far from Home thu hút mọi sự chú ý của khán giả thế giới khi lấy bối cảnh ngay sau những sự kiện trong Endgame. Không những thế, chính hai tác phẩm của ông lớn Marvel cũng bị cạnh tranh bởi hàng loạt bom tấn thuộc mọi thể loại ra mắt vào đầu năm 2019: Pokémon: Detective Pikachu, Aladdin phiên bản live-action, Shazam!…


Đó là còn chưa kể sự trở lại của hàng loạt thương hiệu lớn như Câu chuyện đồ chơi 4, Đặc vụ áo đen: Sứ mệnh toàn cầu, Đẳng cấp thú cưng 2, X-Men: Phượng hoàng bóng tối và tác phẩm kinh dị được trông đợi Annabelle: Ác quỷ trở về.

Bên cạnh đó, thị trường phim Việt Nam còn bị tấn công bởi những bộ phim quốc tế dù không nổi bật về thương hiệu, không có yếu tố ngôi sao, không đến từ những đế chế lớn như Marvel, nhưng vẫn tạo hiệu ứng mạnh mẽ với khán giả châu Á, điển hình là Ký sinh trùng, tác phẩm Hàn Quốc thắng giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes.

Hình ảnh trong “Câu chuyện đồ chơi 4”.

Mùa hè năm 2019 là mùa hè sôi động của thị trường phim quốc tế, đặc biệt là bởi thế độc tôn của ông lớn Disney. Cũng vì thế, không nhiều tác phẩm Việt Nam liều lĩnh ra rạp trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 7. Thay vào đó, các nhà làm phim chủ yếu tập trung vào giai đoạn đầu năm bởi thói quen “xem phim Việt ngày Tết” của khán giả Việt Nam.

Thế nhưng thực tế, khán giả chưa bao giờ ngừng ủng hộ điện ảnh nước nhà. Và những tác phẩm chất lượng, được đầu tư chỉn chu, dụng công, chắc chắn vẫn sẽ được người xem Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ. “Đầu năm thì phim Việt tranh nhau ra rạp, đến giờ chỉ còn toàn tác phẩm ra rạp không kèn không trống. Chỉ mong rằng nửa cuối năm còn lại, thị trường phim Việt sẽ sôi động hơn”, một người hâm mộ điện ảnh Việt cho biết.

Theo: Saostar

© Copyright 2017 Dien Vien Viet Nam. All rights reserved.
Powered by Nilead
Hotline: 0338 179 168
Website hiện đang trong quá trình chờ cấp phép.