Những năm gần đây, game show nở rộ, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trên sóng truyền hình. Đáp ứng nhu cầu của người xem, các nhà sản xuất liên tục cho ra đời các format mới và đăng tải lại trên mạng để khán giả có thể xem lại bất kỳ lúc nào.
Tuy nhiên, việc đăng tải lại trên mạng bắt đầu phát sinh vấn đề khi một số show có xu hướng phát hành hai phiên bản riêng biệt: biên tập khá "sạch sẽ" khi lên sóng truyền hình và chứa nhiều nội dung "câu view" hơn khi được đưa lên Internet.
Không khó tìm ra một show có cách làm "chiếu trên truyền hình một đằng, đưa lên mạng một nẻo", ví dụ gần nhất có thể kể tới Vợ chồng son - talk show được làm theo format của Nhật Bản.
Ở tập 351 Vợ chồng son, vợ chồng anh Nguyễn Văn Hưng (49 tuổi) và chị Nguyễn Thị Nhất (29 tuổi) xuất hiện với vai trò khách mời, chia sẻ chuyện tình yêu, quan hệ tình dục nhạy cảm... Nhưng những phát ngôn có phần phản cảm này chỉ xuất hiện trong bản full (đầy đủ) được đăng tải trên YouTube.
Trước đó, khi lên sóng truyền hình, phần trò chuyện của cặp vợ chồng hơn nhau 20 tuổi được biên tập khá gãy gọn. Nhưng khi xuất hiện trên kênh riêng của nhà sản xuất, thời lượng chương trình đã có sự thay đổi, nội dung chứa nhiều phát ngôn không phù hợp và tiêu đề video cũng được đánh giá là khá phản cảm.
Đây không phải là game show duy nhất xảy ra tình trạng lên mạng có nội dung khác. Trước đó, Chạy đi chờ chi (Running Man) cũng từng đăng tải một phiên bản dài hơn, được biên tập nhiều cảnh tranh giành, xé bảng tên hay tranh luận lên mạng.
Hay như talk show Giải mã kỳ tài, với phiên bản được chiếu trên truyền hình và kênh của đài HTV, tập 4 của mùa 2 chỉ kéo dài 26 phút. Trong khi đó, bản được chia sẻ trên kênh riêng của nhà sản xuất lại dài tới hơn 37 phút với nhiều phát ngôn thô và kém "duyên" hơn.
Nói về thực trạng này, một người làm trong giới sản xuất game show cho biết: "Đăng tải trên mạng giúp nhà sản xuất thu được số tiền không nhỏ, do vậy, không dại gì các đơn vị lại không làm như vậy".
Với mục đích mang lại nhiều lợi nhuận hơn, không khó hiểu khi các phiên bản mạng của game show lại có thời lượng dài hơn, nội dung được biên tập "lỏng lẻo" cùng tiêu đề gây tranh cãi.
Trung Quốc là đất nước có môi trường giải trí đa dạng, phát triển. Trong đó, game show, talk show là "món ăn" không bao giờ thiếu trên sóng truyền hình. Có muôn vàn kiểu show được sản xuất mỗi năm, từ tìm kiếm tài năng ca hát, diễn xuất, thử thách đối tượng có khả năng dị biệt đến game show vận động...
Hầu hết show này đều được các đơn vị sản xuất có tiếng ở đất nước tỷ dân như Youku, iqiyi, Tencent (Đằng Tấn), MangoTV... đứng ra chịu trách nhiệm sản xuất. Sau đó, các đơn vị này sẽ chiếu trên chính kênh sóng của mình và chia sẻ lên mạng sau đó.
Điểm chung của các đài này là không ngại chia sẻ full show lên YouTube. Tuy nhiên, các show nay hầu như không đạt được chất lượng HD 1080 như khi xem trên website chính thức của đài và có nhiều quảng cáo chen ngang.
Với đài lớn như HunanTV (đài truyền hình Hồ Nam), các show nói riêng và các chương trình khác nhìn chung của đài này đều được đăng tải với chất lượng tốt lên YouTube nhưng vẫn giữ nguyên nội dung như khi lên sóng truyền hình.
Nếu muốn xem game show với chất lượng tốt và không có quảng cáo, khán giả đất nước tỷ dân chỉ có cách mua tài khoản VIP để truy cập vào website chính thức của đơn vị sản xuất. Đây cũng là cách kiếm tiền phổ biến của game show tại nước này.
Trái với showbiz Trung Quốc, các đài truyền hình ở Hàn Quốc không đăng tải bản full của game show lên mạng.
Truy cập vào kênh chính thức của KBS, SBS, MBC, tvN hay jTBC, khán giả có thể dễ dàng tìm được hàng trăm video của các show truyền hình như Running Man, Knowing Brothers, Infinity Challenge, I Live Alone... Tuy nhiên, các video này đều rất ngắn và không tiết lộ quá nhiều nội dung chương trình.
Ví dụ, khi tìm kiếm show We Got Married trên kênh của đài MBC, người xem chỉ có thể tìm thấy các video có độ dài dao động từ 2-3 phút. Đài SBS đã lập một kênh riêng cho show Running Man và các clip trên kênh này cũng chỉ có độ dài không quá một bài hát. Đài jTBC có phần "hào phóng" hơn khi chia sẻ những đoạn cắt dài tới hơn 4 phút của show Knowing Brothers.
Thực tế, ngoài các đường link tải trên các nền tảng như lưu trữ quốc tế như Google Drive, Dropbox, Mega Upload, FShare... người hâm mộ gần như không thể tìm được nơi nào đăng tải nguyên vẹn một game show truyền hình của xứ sở kim chi.
Game show Hàn Quốc chiếm được cảm tình rất lớn của khán giả Việt. Những show như Running Man hay Infinity Challenge thậm chí sở hữu FC đông đảo không kém bất kỳ ca sĩ, diễn viên nào.
Vì yêu thích, người hâm mộ Việt Nam thường truyền tay nhau các đường link full của game show Hàn Quốc do không có khả năng theo dõi trực tiếp trên tivi. Nhưng nói thẳng ra, đây chỉ là hình thức sao chép lậu từ sóng truyền hình nước bạn.
Nhật Bản cũng là đất nước nói không với việc reup (đăng tải lại) game show lên YouTube.
Bạn Nguyễn Dương (27 tuổi) là một khán giả yêu thích và theo dõi show truyền hình Nhật Bản lâu năm. Nguyễn Dương cho biết các show ở Nhật không được reup lên mạng, ngay chính các đơn vị sản xuất cũng không làm việc này. "Mọi thứ có trên YouTube đều là lậu, chẳng qua có bị đài truyền hình 'quét' trúng để xóa đi hay không thôi", Dương chia sẻ.
Theo Dương, với phim hoặc nhạc kịch, khán giả có thể tìm trên website chính thức của đài truyền hình (như VTVGo) để theo dõi lại. Tuy nhiên, với game show hay talk show, người xem chỉ có một lựa chọn duy nhất là ghi màn hình tivi.
Dương tiếp tục nói: "Theo tôi biết, thông thường các show được chiếu vào thời gian người xem bận nên họ có thể nhờ người nhà đặt chế độ ghi màn hình, tự thu lại thành băng tư liệu để xem. Hành động này vẫn tính là hợp pháp. Nhưng nếu đăng tải lên YouTube hay 'tuồn' cho fan quốc tế xem thì bị tính là phát hành lậu".
"Và vì chỉ có thể ghi lại màn hình hoặc tự quay bằng điện thoại nên các video lậu này đều có chất lượng rất kém", Dương nói thêm.
Có ý kiến cho rằng mọi chương trình tại Hàn Quốc và Nhật Bản đều đặt nặng về rating nên nhà sản xuất hạn chế chia sẻ lại trên mạng để buộc người xem phải "canh" sóng để theo dõi được chương trình mình yêu thích. Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất của nước bạn cũng có muôn vàn cách kiếm tiền qua game show nên không cần thiết phải "giật title" hay "câu view" từ việc reup trên YouTube.
Theo: Zing.vn