Nghệ sĩ Mạc Can: 'Có ít ăn ít, không có thì ăn cơm với chuối'

By dvvn Jul 15, 2020
Nghệ sĩ Mạc Can có dịp nhìn lại hành trình làm nghề của mình trong Ký ức Sài Gòn. Ông khẳng định bản thân chưa bao giờ tiếc nuối hay có ý định muốn bỏ nghề.

Câu chuyện của nghệ sĩ Mạc Can bắt đầu từ năm 1945, khi ông được sinh ra ngay trên chiếc ghe hát là phương tiện kiếm sống của cả gia đình. Cha của Mạc Can là ảo thuật gia Lê Văn Quý, thuộc hàng quái kiệt thời bấy giờ. Tuổi thơ của nam nghệ sĩ là những ngày lênh đênh trên sông nước Mỹ Tho và các tỉnh miền Tây để đi “hát xiệc” (từ cũ chỉ các buổi diễn tạp kỹ, bao gồm hát và xiệc (cả xiếc và ảo thuật) cùng cha mẹ. Ông ngày đó cũng đã tham gia trình diễn một số màn ảo thuật, trong đó có màn phóng dao mà sau này diễn viên Đất phương Nam đưa vào tiểu thuyết Tấm ván phóng dao của mình.

Nghệ sĩ Mạc Can xuất hiện trong chương trình "Ký ức Sài Gòn" /// Ảnh: BTC

Những năm 1960, do đời sống người dân khó khăn nên gánh xiệc của gia đình ông không có khán giả. Mạc Can rời quê lên Sài Gòn, xin tham gia biểu diễn hài ảo thuật ở các chương trình để giúp vui, cũng như để “câu giờ” trong lúc các rạp chiếu chờ người mang bản phim đến. Ông nói vì mình không có được vóc dáng to cao như những ảo thuật gia khác, nên khó “hớp hồn” khán giả. Vì vậy Mạc Can chọn hướng diễn hài ảo thuật để phù hợp. Những tiết mục của nam nghệ sĩ thường có yếu tố kịch tính, lâu lâu để lộ ra giống như mình bị “bể mánh” trên sân khấu để tạo tiếng cười cho người xem. Ông bảo: “Cái này hổng phải mình phá nghề ảo thuật, mà đây được gọi là xiệc hài. Tuy nhiên, tôi không bao giờ lấy tiết mục của bạn bè để bật mí ra như vậy, mà chỉ toàn lấy tiết mục của chính mình, để không làm phiền đến ai".

Nghệ sĩ Mạc Can: 'Có ít ăn ít, không có thì ăn cơm với chuối' - ảnh 1

Tiết lộ về thu nhập thời điểm đó, nam nghệ sĩ nói: ”Lương bổng với tôi xưa giờ không quan trọng lắm, vì tôi ăn đạm bạc, uống thì chỉ cần trà đá thôi, nên không có đòi hỏi gì nhiều, cũng không có nhu cầu gì lớn nên rất dễ sống”. Một trong những vở kịch ấn tượng của Mạc Can trong chương trình Trong nhà ngoài phố là vở Cục gạch của ai, với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: Hồng Vân, Quang Đại, Lê Vũ Cầu, Anh Thư, Thanh Sơn, Phi Phụng,... Ông kể thời kỳ này chương trình được rất nhiều khán giả yêu thích nên chỉ cần xuất hiện là hôm sau ra chợ sẽ được bà con tiểu thương nhận ra ngay. Cho đến bây giờ, nghệ sĩ Mạc Can vẫn xem Thế Ngữ là một người thầy vì các kịch bản của ông thời đó được nam đạo diễn hiệu chỉnh và thêm thắt cho kịch tính hơn.

Nghệ sĩ Mạc Can: 'Có ít ăn ít, không có thì ăn cơm với chuối' - ảnh 2

Việc tham gia chương trình Trong nhà ngoài phố đã mở ra cho Mạc Can cơ hội đến với điện ảnh. Ông kể nhờ được xuất hiện trên ti vi mà sau đó, nam diễn viên được đạo diễn nổi tiếng Lê Hoàng Hoa mời vào một vai trong phim Ván bài lật ngửa. Vị đạo diễn nổi tiếng cần một diễn viên có khả năng diễn trò ảo thuật chặt đầu người đặt lên dĩa và giả gái để hát vọng cổ. Và phân đoạn có sự xuất hiện của nghệ sĩ Mạc Can trong tập 1 của phim với thời lượng khoảng 1 phút. Ông hóm hỉnh cho biết khi xem phim, khán giả phải thật sự chú ý, nếu có làm rơi đồ thì cũng không được rời màn hình vì sẽ bỏ lỡ cảnh có sự xuất hiện của ông. Dù xuất hiện thoáng qua nhưng Mạc Can nói mình cảm thấy “rất oai” khi được xuất hiện trong bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam. Ngoài bộ phim Ván bài lật ngửa, nghệ sĩ Mạc Can còn xuất hiện trong nhiều bộ phim điện ảnh nổi tiếng như Áo lụa Hà Đông, Xích lô, Khi đàn ông có bầu...

Theo: thanhnien.vn

© Copyright 2017 Dien Vien Viet Nam. All rights reserved.
Powered by Nilead
Hotline: 0338 179 168
Website hiện đang trong quá trình chờ cấp phép.