Người cần quên phải nhớ là bộ phim có diện mạo khá mới lạ của điện ảnh Việt khi không chọn triển khai kịch bản dựa trên một thể loại cố định. Dù mang màu sắc chủ đạo thuộc dòng phim rom - com (hài - tình cảm), biên kịch nước ngoài George Ding vẫn chọn để đưa vào phim nhiều tình tiết, âm hưởng của phim hành động, trinh thám, có cả các yếu tố đề cao giá trị tình cảm gia đình. Nội dung phim kể về cuộc gặp gỡ và đồng hành của nhà báo liều lĩnh Loan (Hoàng Yến Chibi) cùng chàng giang hồ dỏm Bình (Trần Ngọc Vàng) trên hành trình tìm ra chân tướng về cái chết của cha Loan tại một bệnh viện tâm thần có nhiều điểm bất thường. Trong thời gian đó, họ từ “oan gia” lại nảy sinh tình cảm. Đồng thời, nhiều bí mật động trời xoay quanh cuộc điều tra của nữ nhà báo Loan cũng dần hé lộ.
Trong Người cần quên phải nhớ, thế mạnh về phim hài của đạo diễn Đức Thịnh được thể hiện khá rõ nét. Phần mở đầu phim hấp dẫn và lôi cuốn nhờ bối cảnh bệnh viện tâm thần đầy nhiễu loạn nhưng cũng không kém phần hài hước. Các cú máy slow – motion (quay chậm), đóng băng khung hình nhằm phóng đại các hành động “tưng tửng” của các nhân vật dễ dàng khiến cho người xem phải phì cười. Ngoại trừ hai nhân vật của Hoàng Yến Chibi và Karen Nguyễn, các nhân vật còn lại trong phim đều được xây dựng với nét duyên ngầm, tính cách hài hước có khả năng chọc cười khán giả. Hồi một của Người cần quên phải nhớ được xây dựng với tiết tấu nhanh gọn, chuyển cảnh dứt khoát, có tư duy để mang lại một âm hưởng chung nhất quán cho phim.
Bên cạnh những miếng hài, các pha hành động cũng là một trong những yếu tố thu hút của Người cần quên phải nhớ. Dù không có quá nhiều các màn phô diễn võ thuật, đánh đấm máu lửa nhưng phim vẫn tạo được cao trào nhất định ở những phân cảnh đụng độ giữa nữ phóng viên Loan và bọn giang hồ, hay cảnh xô xát rượt đuổi trong khu chung cư, giữa đường phố. Có thể thấy, hầu hết bối cảnh quay của Người cần quên phải nhớ là nội cảnh, nếu có ngoại cảnh cũng đều nằm trong khu vực trung tâm thành phố. Tuy nhiên, phim có nhiều góc máy đẹp và chỉn chu, biết tận dụng tốt các khoảng không gian hẹp. Nhìn chung, phần hình ảnh của Người cần quên phải nhớ khá mãn nhãn.
Người cần quên phải nhớ hội tụ dàn diễn viên ở nhiều lứa tuổi, từ những tên tuổi gạo cội như Thái Hòa, Thanh Thúy, Đức Hải, lứa diễn viên đã có chỗ đứng nhất định như Hoàng Yến Chibi, cho đến những cái tên mới toanh là Trần Ngọc Vàng, Xuân Phúc và Karen Nguyễn. Đặc biệt, các diễn viên thuộc thế hệ “tiền bối” không vào vai chính mà nhường đất diễn cho các bạn trẻ. Đây có thể được xem là nước đi khá liều lĩnh của đạo diễn Đức Thịnh và nhà sản xuất Charlie Nguyễn. Tuy nhiên, quyết định này cuối cùng đã mang đến “quả ngọt” cho toàn thể ê-kíp Người cần quên phải nhớ .
Đối với vai nữ chính, Hoàng Yến Chibi vẫn giữ vững phong độ để hóa thân linh hoạt vào vai cô phóng viên độc lập, dạn dĩ có vết thương lòng chưa từng được chữa khỏi. Nữ diễn viên có màn hóa thân vừa vặn, cảm xúc nhưng chưa thực sự bùng nổ. Nhân tố gây ấn tượng nhất của Người cần quên phải nhớ chính là chàng diễn viên trẻ Trần Ngọc Vàng. Lần đầu tiên đảm nhận vai nam chính trong một bộ phim điện ảnh tầm cỡ, Trần Ngọc Vàng đã có màn trình diễn xuất sắc, đầy thuyết phục. Bên cạnh lợi thế ngoại hình, Trần Ngọc Vàng sở hữu nét diễn duyên dáng tự nhiên. Anh diễn tốt từ những phân đoạn hài cho đến những cảnh dằn xé nội tâm, khắc họa rõ ràng tâm lý nhân vật Bình từ một gã giang hồ ngờ nghệch cho đến chàng trai biết yêu và khao khát được hoàn lương. Hơn hết, dù mới “chạm ngõ” điện ảnh nhưng Trần Ngọc Vàng không hề bị lép vế khi đứng cạnh những tên tuổi lớn. Ngược lại, nam diễn viên còn rất biết cách phối hợp ăn ý với bạn diễn, tạo được mối liên kết sâu sắc với các tuyến nhân vật khác bên cạnh nữ chính.
Lần đầu đóng phim điện ảnh, Karen Nguyễn cũng chứng tỏ bản thân là một diễn viên trẻ có tiềm năng. Vốn bị “đóng đinh” trong hình tượng vai “tiểu tam” qua các MV ca nhạc, Karen Nguyễn trong Người cần quên phải nhớ đã có bước đột phá ngoạn mục. Cô vào vai bác sĩ Vân - một người phụ nữ dễ mến, dường như hoàn hảo nhưng lại cất giấu vô vàn bí mật. Vai diễn của Karen Nguyễn dù nhỏ nhưng có thể được xem là một trong những vai khó nhất phim vì nhân vật này có sự chuyển biến tâm lý khôn lường.
Điểm trừ đầu tiên của Người cần quên phải nhớ nằm ở việc các nhân vật bị thiếu chiều sâu. Ngoài nữ chính Loan, các nhân vật còn lại đều chỉ có phần đời ở hiện tại chứ không được hé lộ bất kì chi tiết nào về lai lịch, những gì họ từng trải qua trong quá khứ. Như nhân vật Bình của Trần Ngọc Vàng có cá tính rất đặc biệt, một tên giang hồ bảnh bao nhưng lại ngờ nghệch và thiếu kĩ năng trầm trọng. Nhưng anh ta xuất thân từ hoàn cảnh nào, đã trải qua những gì để phải đi đến quyết định phải gia nhập cho bằng được băng đảng du côn ngoài mục đích kiếm tiền? Thiếu đi phần thông tin nền ở quá khứ, các nhân vật của phim vì vậy đôi khi đi đến những hành động khiến cho người xem khó lòng đồng cảm. Khán giả chỉ hiểu phớt qua chứ chưa có được cảm giác thực sự thấu hiểu, yêu thương hay ghét bỏ thực sự đối với các nhân vật mà họ đang xem trên phim.
Nếu như phần mở đầu của phim được thực hiện một cách tinh gọn thì giai đoạn phát triển tình huống ở hồi 2 lại chiếm quá nhiều thời lượng khiến bộ phim bị lê thê một cách không cần thiết. Bởi ở giai đoạn này, đạo diễn vừa phải xây dựng quá trình nảy sinh tình cảm giữa hai nhân vật Loan và Bình, vừa phải tiếp tục duy trì các tình tiết điều tra vụ án. Phim còn cố gắng đưa ra thông điệp về tình cảm gia đình khi tạo nên nhiều tình huống hồi tưởng, nhấn mạnh sự hối lỗi của Loan với người cha bị tâm thần. Tất cả điều này khiến cho đoạn giữa của Người cần quên phải nhớ dường như hơi quá tải.
Việc tổng hợp và đan xen nhiều yếu tố của các thể loại phim có thể làm chất xúc tác hiệu quả, kích thích sự phấn khởi của khán giả lúc ban đầu nhưng lại dẫn đến sự ôm đồm về sau. Một số cảnh phim trở nên vụn vặt, chưa đủ lắng đọng để dẫn dắt khán giả lên đến tận cùng của vui, buồn. Điều này khiến cho mạch cảm xúc của người xem bị đứt quãng khá nhiều do phải liên tục chuyển đổi qua lại giữa các trạng thái lãng mạn, hồi hộp, tò mò, buồn cười… Vì vậy, ở một số phân cảnh “đinh” nhằm lấy nước mắt khán giả, người xem cũng khó lòng xuôi theo ý đồ của biên kịch bởi họ vẫn còn đang trong tình trạng lửng lơ cảm xúc.
Bên cạnh đó, vài tuyến nhân vật phụ xuất hiện với mục đích gây cười nhưng lại không có mục đích rõ ràng. Nhiều tình huống mâu thuẫn được giải quyết quá ngô nghê, tạo cảm giác gượng ép vì mọi thứ đã được biên kịch và đạo diễn “bày biện” sẵn chứ không phải do ý chí nhân vật tạo nên. Kết quả, sự ôm đồm này làm ảnh hưởng khá nhiều đến “phản ứng hóa học” tình yêu của hai nhân vật chính khiến cho vài quyết định, hành động của họ trở nên thiếu thuyết phục khi ở bên cạnh nhau.
Đáng tiếc nhất là cú “twist” ở đoạn cuối phim. Việc xây dựng tình huống lật ngược thế cờ của Người cần quên phải nhớ gây bất ngờ lớn cho khán giả. Tuy nhiên, nhân vật tạo nên cú “twist” định mệnh này lại không được tập trung xây dựng lí lịch, tiến trình tâm lý rõ ràng ngay từ đầu. Vì vậy, tình tiết này gây nên một số trăn trở, chưa thỏa mãn người xem về mặt logic. Hồi kết của Người cần quên phải nhớ vì vậy trôi qua chớp nhoáng, “lật bài” quá nhiều nhưng chưa hề đưa ra những tín hiệu trước đó để khán giả được kích thích suy nghĩ. Căn nguyên cho những hành động mang tính “chốt hạ” của các nhân vật lại chỉ được lí giải một cách tạm bợ nhờ một vài câu thoại mang tính kể lể, giải thích.
Nhìn chung, Người cần quên phải nhớ là một món ăn tinh thần có phong vị lạ, thích hợp để ra rạp trong mùa cuối năm. Trên tinh thần động viên mọi người sau một năm 2020 đầy biến động, phim hướng khán giả về những điều tích cực, giá trị tình cảm gia đình quý báu. Người cần quên phải nhớ có tính giải trí cao, nội dung tươi sáng, dễ tiếp cận đến nhiều đối tượng khán giả. Tuy nhiên, phim sẽ khó lòng thỏa mãn những khán giả khó tính bởi một số lỗ hổng về mặt logic cũng như tiến trình phát triển tâm lý nhân vật thiếu thuyết phục.
Theo: thanhnien.vn