Kịch bản phim do chính đạo diễn Lương Đình Dũng viết từ cách đây hơn chục năm, một câu chuyện có màu sắc đặc biệt. “Trong bộ phim, tôi tạo ra một không gian riêng để tôi có cơ hội được sử dụng ngôn ngữ điện ảnh vừa hiện thực vừa ẩn dụ giúp kể các lớp lang trong câu chuyện theo ý muốn của mình. “Thành phố ngủ gật” là một bộ phim đặc biệt, ít nhất là đối với tôi bởi bản thân tôi không thích lặp lại cái gì mình đã làm” – Lương Đình Dũng chia sẻ.
Nhân vật chính của bộ phim 25 tuổi, anh ta sống trong một khu nhà gần như bị bỏ hoang và hàng ngày đi mổ gà thuê. Cuộc sống cứ như vậy diễn ra cho đến một ngày xuất hiện ba gã đàn ông không rõ danh tính đến lẩn trốn ở một căn phòng cùng với khu nhà, thêm một cô gái xuất hiện. Mọi bất thường xảy ra, nó bắt đầu xuất hiện ngoài tầm kiểm soát các nhân vật và của chính tác giả.
Phim là những lát cắt về tâm lý, trạng thái nhân vật, hình ảnh cũng như màu sắc được Lương Đình Dũng lựa chọn giúp anh “bay bổng”. Cái tên phim cũng gắn chặt với câu chuyện tổng thể của phim và hình ảnh thành phố trong phim này cũng được anh coi như một nhân vật. “Thành phố ngủ gật” còn là một cuộc chơi của màu sắc, của ngôn ngữ hình ảnh hiện thực và ẩn dụ, nơi ánh sáng không phải hiện thực hoàn toàn và cũng không phải ảo.
Bộ phim là một dự án độc lập, kinh phí thấp với sự góp mặt của những diễn viên không chuyên. Tuy nhiên không vì thế mà đạo diễn tỏ ra dễ dãi. Anh mất nhiều tháng để tìm người đúng với hình dung của mình nhất. “Có lẽ tôi thích diễn viên không chuyên cho “Thành phố ngủ gật” nhiều hơn, đôi khi chỉ vì tôi thích tìm kiếm sự mới mẻ nào đó, tránh sự nhàm chán cho chính bản thân mình thôi. Diễn viên chính của bộ phim này ban đầu tôi không chọn, bởi tôi cảm giác bạn này thiếu kiên nhẫn khi làm việc. Nhưng tôi bị thuyết phục bởi bạn đó vẫn theo đuổi dự án và kiên trì gửi cho tôi các video bạn ấy diễn xuất. Sự kiên nhẫn và chịu khó của bạn đó đã thuyết phục tôi, tôi đã gửi cho bạn đó những bài tập đặc biệt gần 6 tháng sau đó, chúng tôi mới chính thức khởi quay. Tất cả diễn viên trong phim này, tôi đều hài lòng vì diễn xuất của họ” – Lương Đình Dũng lý giải.
Tuy được thực hiện chỉ với số tiền 1 tỷ đồng, nhưng “Thành phố ngủ gật” vẫn rất chịu chơi với Nhạc sĩ Martynas Bialobžeskis là Chủ tịch của Hội thanh niên của Liên minh Nhạc Sỹ quốc gia Lithuania, người đã có nhiều tác phẩm âm nhạc được trình diễn tại các lễ hội âm nhạc, hòa nhạc ở Latvia, Estonia, Đức, Ba Lan, Hoa Kỳ… và đã giành được giải thưởng “Âm nhạc phim xuất sắc nhất” tại LHP Tallinn Black Nights. Nhà quay phim Thái Lan Chalermpornpanit phim của anh đã dự LHP quốc tế Busan, LHP quốc tế Singapore, chiếu LHP Berlin… và Nhà quay phim Việt Nam Phạm Văn Khuê. “Thành phố ngủ gật” được chỉnh màu hoàn toàn tại Hàn Quốc và xử lý một phần hình ảnh ở Thái Lan. Đạo diễn Dũng tự tin chia sẻ kinh phí thấp không khiến bộ phim có cảm giác rẻ tiền hay chắp vá. “Kinh phí còn tùy thuộc vào câu chuyện phim, có những câu chuyện phim chỉ cần sản xuất hết vài tỷ, bạn thừa tiền cũng chẳng biết chi vào việc gì cho hợp lý. Nhưng có những câu chuyện phim lớn cần chi phí sản xuất hàng chục triệu đô nếu thiếu tiền, thì bạn có nhịn ăn, nhịn mặc, tiết kiệm cùng kiệt, chắp vá đủ kiểu thì cũng không thể sản xuất được” – anh phân tích.
Từng gây nhiều tiếng vang với tác phẩm đầu tay – “Cha cõng con” đã nhận hàng loạt giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế, tuy nhiên Lương Đình Dũng thấy rất thoải mái khi bắt tay thực hiện bộ phim điện ảnh thứ hai. “Bộ phim sau không bao giờ lặp lại bộ phim trước. Đề tài sau không thể cùng đề tài của phim trước đó và phim nào tôi cũng có quan niệm làm tốt nhất, vì thế tôi không có lý do lo lắng vì chính sức ép của mình. Mỗi phim tôi đều có cách khai thác hình ảnh riêng và phù hợp với nội dung của câu chuyện. Khác biệt của “Thành phố ngủ gật” đầu tiên là về câu chuyện, khác nhiều hơn nữa là bởi tôi sử dụng hình ảnh ẩn dụ nhiều hơn. Câu chuyện chật chội và bí bách hơn” – anh chia sẻ.
Con đường của hai bộ phim tưởng giống nhưng thực ra vốn trái ngược. “Cha cõng con” làm với mục tiêu đầu tiên là phát hành tới khán giả nhưng gặp trục trặc khâu phát hành ra rạp nên mới gửi đi tham dự Liên hoan phim. Còn “Thành phố ngủ gật” mục tiêu là đi tham dự Liên hoan phim, tham dự sự kiện điện ảnh trước khi phát hành đến khán giả. Khi được hỏi về mục tiêu của mình, Lương Đình Dũng chỉ giản dị cho biết: “Tôi luôn giao nhiệm vụ cho các bộ phim của mình vì thế tôi nhận lại nhiệm vụ là làm việc nghiêm túc nhất cho nó. Mọi người hỏi tôi, quan điểm của anh làm phim như thế nào. Tôi đã chia sẻ, dù tôi làm phim cho một cậu bé, một người hàng xóm, hay một vị tổng thống thì tôi luôn cố gắng làm tốt nhất. Tôi luôn coi họ là khán giả mà tôi cần phải tôn trọng”.
Đạo diễn Lương Đình Dũng
Lương Đình Dũng giới thiệu đến công chúng gần như một lúc hai dự án “578” và “Thành phố ngủ gật”. Nếu “Thành phố ngủ gật” có kinh phí 1 tỷ thì “578” lại khiến nhiều người giật mình với số tiền đầu tư dự kiến lên tới 60 tỷ đồng.
Giải thích về việc ưu tiên thực hiện “Thành phố ngủ gật” trước, vị đạo diễn sinh năm 1973 chia sẻ: “Không phải “Thành phố ngủ gật” có kinh phí nhỏ hay câu chuyện nhỏ hơn, mà thực tế nó được nằm trong kế hoạch sản xuất trước phim hành động “578”, có thể mọi người có ít thông tin về “Thành phố ngủ gật” vì tôi cũng không chia sẻ nhiều, nên việc sản xuất phim “Thành phố ngủ gật” là một thông tin bất ngờ. Phim “578” có khối lượng công việc khổng lồ bởi tính chất câu chuyện cũng như công tác chuẩn bị sản xuất của nó cần kết nối với nhiều thành viên, ekip không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nước ngoài, địa điểm quay nhiều tỉnh. Hình ảnh phối hợp phức tạp. Kỹ năng của diễn viên cũng như yêu cầu của tôi với các thành phần chính nó khác nhiều so với những gì mọi người thường thấy. Mà tôi là người luôn cầu toàn, phim lớn đến đâu thì tôi cũng cần làm tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ nhất. Tôi muốn phim Hành động 578 đến với khán giả bằng sự trọn vẹn tinh tuý ở mọi mặt. Với tiến độ đang rất nhịp nhàng này, chúng tôi dự kiến khởi quay vào tháng 10.2019”.
Theo:
depviet.net.vn