Bi kịch chồng chất
Phim Cát đỏ mở đầu bằng cuộc gặp gỡ giữa Đủ (Tuyết Hương thủ vai) và Nhớ (Thúy Diễm) trên con đường đất nắng gió, trong lúc chờ xe khách. Vừa nhìn Nhớ, Đủ hỏi ngay cái thai trong bụng của Nhớ là kết quả của lần trao thân sai lầm phải không? Chẳng có câu trả lời nào từ phía Nhớ nhưng Đủ ngầm hiểu, vì chính cô cũng đang ở trong hoàn cảnh tương tự.
Một lúc sau, Nhan (Thuý Nga) xuất hiện cùng với tiếng kêu cứu thảm thiết. Em bị ba dượng rượt đuổi, bắt phải về nhà. Nhan "nhập hội" với Đủ và Nhớ, chạy thoát khỏi vùng đất cát, nơi cái nắng muốn thiêu người và chẳng còn điều gì níu chân 3 người phụ nữ đang lâm cảnh khốn cùng.
Cả 3 đến vùng đất khác sống được 7 năm thì về lại nơi từng bỏ chạy trước đó. Lúc này, Đủ và Nhớ có 2 đứa con bằng tuổi, còn Nhan thì từ đứa trẻ bị ba dượng bạo hành năm 13 tuổi giờ cũng ra dáng thiếu nữ.
Thuý Diễm trong vai Nhớ. Từ trái sang, Thuý Diễm trong vai Nhớ, Tuyết Hương vai Đủ và Thuý Nga vai Nhan.
Không khí ngột ngạt trong phim được đạo diễn Lưu Trọng Ninh vẽ ra từ 3 câu chuyện không lối thoát của các nhân vật. Họ trở về làng, chọn một nơi tách biệt với thôn xóm để dựng tạm căn nhà. Dù tránh chạm mặt mọi người nhưng nếu ai đi ngang xì xào, kêu họ là: “Đồ chửa hoang” thì chẳng lần nào, chị cả Đủ không bốp chát, đôi co trở lại.
Cuộc sống của 3 người đàn bà mang đầy vết thương cứ theo nhịp điệu mòn mỏi, quẩn quanh từ ngày này qua tháng khác cho tới khi, Quang (Nghi Bình) - gã nhạc sĩ lãng tử, tôn thờ chủ nghĩa tự do xuất hiện. Chẳng mấy chốc, Quang lừa được Nhan qua đêm với mình. Nhan say mê gã đàn ông mới gặp đến mức khờ dại khi trao thân mà không biết bất cứ một thông tin nào của Quang để liên lạc.
Quang biến mất khỏi cuộc đời Nhan, không một dấu vết, cho tới khi vô tình gặp lại. Nhan có thai nhưng gã đàn ông chỉ muốn tiếp tục cuộc sống tự do, không muốn nhận trách nhiệm, thậm chí ngờ vực trở lại chủ nhân của cái thai đó. Tình yêu chớm nở trong Nhan vỡ tan bởi sự lạnh lùng, đểu giả của Quang, cô nương nhờ cửa Phật, mong sóng gió cuộc đời không còn tìm đến. Nhưng rồi một ngày, Nhan nghĩ đến 2 người chị là Đủ và Nhớ nên chọn quay về.
Ba người đàn bà có số phận đặc biệt. Họ rơi vào bĩ cực chỉ bởi lầm trao tình yêu cho những gã đàn ông trăng hoa, thiếu bản lĩnh. Cát đỏ đặc quánh những éo le cuộc đời đến mức người xem cảm thấy ngập ngụa trong tấn bi kịch. Không chỉ từ những cái thai ngoài ý muốn, những cuộc tình lầm lỡ mà tuyến nhân vật xung quanh 3 người phụ nữ chửa hoang cũng mang nhiều câu chuyện kịch tính khác.
Cát đỏ do VFC sản xuất, dài 30 tập. Phim đã lên sóng 4 tập với màn “chào sân” có phần ấn tượng khi xoáy sâu phận đời bất hạnh của 3 người phụ nữ. Chuyện phim sẽ còn hấp dẫn khi cả Đủ, Nhớ và Nhan dần hé lộ những câu chuyện khác về cuộc đời. Trong đó, Nhớ là nhân vật còn nhiều bí mật chưa được hé lộ.
Phim giờ vàng chuộng khai thác bi kịch phụ nữ
Câu chuyện về phụ nữ ở mỗi phim mỗi khác nhưng mẫu số chung, phim truyền hình Việt Nam thường khai thác phụ nữ ở khía cạnh họ là nạn nhân của bạo lực gia đình, là người giỏi hy sinh, chịu đựng, có chồng ngoại tình, hiền lành đến mức ngu ngốc không biết bảo vệ mình... Nhìn chung, họ yếu thế trên phim ảnh.
Nhớ và Nguồn (Thanh Tùng) trên phim.
Trong Những cô gái trong thành phố, bộ tứ Mai, Lan, Cúc, Trúc đều xuất thân từ quê lên thành phố học tập, làm việc. Vì gia cảnh ai cũng khó khăn nên mỗi người đều có ý thức cố gắng vươn lên, chiến thắng số phận nhưng hết lần này đến lần khác, họ bị đẩy vào nhiều tình huống oái oăm, nghiệt ngã đến tận cùng.
Trong Cung đường tội lỗi, Tâm là người phụ nữ xấu số. Vì là người đến sau nên cô bị điều tiếng, được yêu nhưng không thể đáp lại tình cảm. Vì ghen tuông, Tâm bị người phụ nữ của người yêu đánh dập, hạ nhục, ép phá thai, cố tình ám sát và cuối cùng, chết trong một vụ tai nạn.
Phụ nữ trong phim truyền hình Việt đầy những con người cùng khổ. Họ có đấu tranh thì kết cục cũng không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của khổ đau. Như nhân vật Nương trong phim Bán chồng, cô gặp biến cố trong chuyện tình cảm, cố tìm đến cái chết nhưng may được người đàn ông tên Vui cứu sống. Cả hai dần dành tình cảm cho nhau nhưng bi kịch lại ập đến, Nương mang tiếng “bán chồng” vì hoàn cảnh. Nương hy sinh tất cả nhưng không nhận được gì, không quyết định được cuộc đời. Cô là hình ảnh điển hình của típ phụ nữ hiền lành nhưng luôn gặp bất hạnh trong xã hội.
Nhiều nhà làm phim cho rằng đối tượng phần lớn của phim truyền hình là phụ nữ nội trợ, cho nên, để thu hút được lượng khán giả này, câu chuyện phim phải liên quan đến cuộc sống của phụ nữ đã có gia đình. Và khi bi kịch của phụ nữ được đẩy đến tận cùng, có thể phim sẽ tạo được cơn sốt!?
Nhan biết người phụ nữ sẽ sống khổ cực như thế nào nếu chửa hoang vì nhìn thấy cảnh của Đủ và Nhớ nhưng vẫn phạm sai lầm.
Nhan biết người phụ nữ sẽ sống khổ cực như thế nào nếu chửa hoang vì nhìn thấy cảnh của Đủ và Nhớ, nhưng cô vẫn phạm sai lầm.
Điều này dễ thấy qua phim Gạo nếp, gạo tẻ phần 1 khi các nhân vật bị cuốn vào nhiều mâu thuẫn liên quan đến chuyện ngoại tình, chồng con, chuyện môn đăng hộ đối... Hay một phim giờ vàng khác của VTV từng tạo được tiếng vang như Sống chung với mẹ chồng, hình ảnh người phụ nữ Việt cũng không thể bi kịch hơn. Nàng dâu Vân khi sống cùng mẹ chồng phải chịu nhiều khổ sở chỉ vì mẹ chồng quá thương con trai nên luôn muốn bảo bọc, chi phối cuộc hôn nhân của con.
Không phủ nhận phim truyền hình Việt thời gian qua có khởi sắc khi nội dung kịch bản, các yếu tố liên quan đến kỹ thuật được đầu tư hơn, tuy nhiên, về hình ảnh phụ nữ Việt trên phim, không có nhiều chuyển biến. Không chỉ Những cô gái trong thành phố, Cung đường tội lỗi, Bán chồng mà trong Hoa cúc vàng trong bão, Mùa cúc susi, Thương nhớ ở ai... đều là những phim tô đậm bi kịch của người phụ nữ Việt. Họ xuất hiện trong phim với đầy những đau khổ, mỏi mòn mà không có cách hoá giải, hoặc chỉ có "ánh sáng" khi bi kịch đã được đẩy đến tận cùng.
Phim truyền hình Việt đang thiếu những kịch bản về phụ nữ hiện đại - nhóm người luôn tìm kiếm những giá trị khác bên cạnh vấn đề về chồng con, gia đình. Đương nhiên, khi cố gắng bước ra khỏi những định kiến của xã hội về "trọng nam khinh nữ", họ vẫn phải đối mặt với thử thách, biến cố nhưng họ sẽ luôn độc lập, sống có mục tiêu, lý tưởng trong mọi hoàn cảnh.
Xem 30 chưa phải là hết – phim truyền hình Trung Quốc đang tạo được cơn sốt tại thị trường Việt Nam, ngẫm và thấy phim giờ vàng Việt Nam vẫn đang thiếu những màu sắc tươi sáng, thiếu kịch bản phim dành cho đối tượng khán giả trẻ tuổi, thoát khỏi những bi kịch thường thấy của phụ nữ Việt.
Có nhiều lý do để 30 chưa phải là hết được yêu thích, nhưng phải kể đến yếu tố hợp thời đại của phim. Câu chuyện mà 3 cô gái Cố Giai, Vương Mạn Ni, Chung Hiểu Cần mang tới là những trăn trở của phụ nữ hiện đại. Họ theo đuổi sự nghiệp, tìm kiếm những giá trị sống đích thực, nghĩ khác về hôn nhân. Đó là màu sắc mới mà phim truyền hình Việt giờ vàng đang rất thiếu khi kho phim hiện chỉ "ê hề" bi kịch mẹ chồng - nàng dâu, chồng ngoại tình, phận đời của những người đàn bà chửa hoang...
Theo Phunuonline