Nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, khán giả cùng truyền tay nhau loạt phim truyền hình tái hiện lại công việc, cuộc sống của những người làm báo từng thu hút sự quan tâm lớn của khán giả.
Nhắc đến những tác phẩm truyền hình đặc sắc về những người làm báo, Nghề báo là bộ phim được nhiều người nghĩ tới.
Nghề báo phát sóng năm 2006 với sự góp mặt của nhiều diễn viên nổi tiếng như Hoàng Phúc, Hồng Ánh... Bộ phim khai thác nhiều vấn đề thời sự nóng, vai trò to lớn của nhà báo trong những cuộc đấu tranh chống tiêu cực ở xã hội.
Bộ phim cũng khai thác trực diện nhiều câu chuyện liên quan đến tham nhũng, hối lộ, đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, tác phẩm của đạo diễn Phi Tiến Sơn cũng thẳng thắn tái hiện lại cuộc sống, những nỗi nguy hiểm mà nhà báo có thể gặp phải trong quá trình tác nghiệp.
Đây được coi là một trong những phim truyền hình đầu tiên của Việt Nam có tuyến nhân vật trung tâm làm nhà báo. Vì thế, ngay khi phát sóng, Nghề báo đã nhận được sự chú ý của khán giả.
Mãi về sau này, mỗi khi nhắc tới những phim truyền hình được ưa thích, nên xem vào ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Nghề báo luôn là tác phẩm đầu tiên được nhiều khán giả nghĩ tới.
Sau thành công của Nghề báo, năm 2007, Phóng viên thử việc ra đời. Bộ phim của đạo diễn Quốc Trọng kể về quá trình cố gắng để tìm chỗ đứng riêng của các phóng viên mới vào nghề.
Không chỉ phải cố gắng gấp đôi người khác, những bạn trẻ tốt nghiệp ngành báo chí phải đối diện với hàng loạt thử thách. Thậm chí, nhiều người sẵn sàng dùng mưu mô, thủ đoạn để có được "vị trí" trong toà soạn.
Ngay khi ra mắt, Phóng viên thử việc cũng nhận được nhiều phản hồi tốt của khán giả. Bộ phim từng giành giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi Tìm hiểu ý tưởng cho phim THVN.
Bên cạnh đó, nhiều khán giả cho rằng tác phẩm của đạo diễn Quốc Trọng nhận được nhiều sự quan tâm cũng nhờ sự góp mặt của dàn diễn viên trẻ có ngoại hình sáng như Bích Huyền, Vi Cầm...
Năm 2009, khán giả một lần nữa được đón nhận một bộ phim kể về những người làm báo mang tên Tin vào điều không thể của đạo diễn Vũ Hồng Sơn. Tác phẩm với sự góp mặt của nhiều diễn viên nổi tiếng thời bấy giờ như NSƯT Mạnh Cường, NSƯT Trần Nhượng, Á hậu Ngọc Oanh, người mẫu Hoàng Xuân...
Tin vào điều không thể lấy bối cảnh chính xoay quanh một tòa soạn báo có nhân vật chính là nữ tổng biên tập Tường Vy. Tuy nhiên, bộ phim này không được khán giả đánh giá cao dưới góc khắc họa nghề nghiệp mà chủ yếu nhấn mạnh vào chuyện tình cảm, đời sống riêng tư của những nhân vật trong phim.
Nhiều người cho rằng Tin vào điều không thể có nội dung không sâu, biến nhân vật chính thành cô gái yếu đuối, cuộc sống chỉ xoay quanh chuyện tình cảm và luôn dựa dẫm vào người khác.
Đèn vàng là bộ phim của đạo diễn Mai Hồng Phong nhận được nhiều thiện cảm của khán giả. Phim kể về những vấn đề bức thiết của đời sống nhìn từ góc độ của những người làm báo như giáo dục, tiêu cực đất đai.
Bộ phim cũng miêu tả khá rõ nét nội tâm giằng xé của những nhà báo trong công cuộc đấu tranh giữa mong muốn cá nhân và những vấn đề đang xảy ra ở thực tại.
Thời điểm Đèn vàng ra mắt, nhiều khán giả cho rằng bộ phim giúp người dân hiểu rõ hơn về cuộc sống, suy nghĩ của người làm báo. Từ đó, người đọc, người nghe sẽ có cái nhìn và đánh giá khách quan hơn trước mỗi bài viết tái hiện về đời sống dưới góc độ báo chí.
Đàn trời là bộ phim của đạo diễn Bùi Huy Thuần được sản xuất dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Cao Duy Sơn. Tác phẩm nói về cuộc chiến chống tham nhũng của các nhà báo ở Đài Phát thanh Truyền hình.
Trong Đàn trời, các nhà báo được đặt vào nhiều hoàn cảnh để có cơ hội thể hiện cái tôi, bản ngã của mình một cách rõ nét nhất. Bên cạnh những phẩm chất tốt đẹp, các nhà báo cũng có không ít nhược điểm ở phía sau. Trong Đàn trời, mỗi người mỗi tính cách, mỗi số phận khác nhau tạo nên một tập thể những người làm báo đầy thú vị.
Đa số khán giả nhận xét rằng Đàn trời miêu tả cuộc sống các nhà báo khá chân thực, không bị áp đặt, một chiều hay gây nặng nề cho người xem.
Mặt nạ da người cũng là bộ phim của đạo diễn Mai Hồng Phong kể về công việc, cuộc sống của những người làm báo. Tác phẩm miêu tả cuộc chiến không khoan nhượng giữa thật và giả, thiện và ác trong chính mỗi nhà báo.
Bối cảnh chính của phim là tòa soạn báo Sự thật, khoa Thận bệnh viện Y và tập đoàn Bất động sản, trong đó mọi người đều có chung sở thích “đeo mặt nạ” để che giấu bản chất thật.
Mặt nạ da người muốn đề cao tinh thần dũng cảm của những người làm báo. Họ là những người can trường, dám đương đầu với cái ác, thậm chí sẵn sàng hy sinh tính mạng để tìm ra sự thật.
Gái già xì tin là bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Thu Thủy. Bộ phim xoay quanh nhân vật Dương (Phương Oanh thủ vai) - một phóng viên du lịch gần 30 tuổi mà chưa có người yêu. Nhiều khán giả nhận xét rằng diễn viên Phương Oanh đã khắc họa thành công cô phóng viên cá tính, hồn nhiên, chân thật.
Không chỉ đam mê công việc, Dương còn biết cách sống và tận hưởng tuổi trẻ hết mình. Cô là điển hình của giới trẻ, những người sống phóng khoáng, biết làm, biết chơi.
Gái già xì tin được khán giả yêu mến vì cách làm phim nhẹ nhàng, không nặng nề nhưng vẫn tái hiện được phần nào cuộc sống của những phóng viên trẻ và mang lại sự vui vẻ cho người xem.
Ra đời năm 2016, Nguyệt thực là một trong những bộ phim gần đây nhất khai thác về đề tài nghề báo. Bộ phim thu hút sự chú ý của nhiều khán giả nhờ sự quy tụ của dàn diễn viên trẻ đẹp, tài năng như Ninh Dương Lan Ngọc, Minh Luân, Tường Vy, Đức Thịnh…
Nguyệt thực xoay quanh công việc của nhóm phóng viên báo Hiện Đại và giới showbiz với những vấn đề xã hội nóng bỏng. Một nhóm giữ quan điểm đổi mới phải trên cơ sở duy trì phong cách, đi theo hướng chính thống, tôn trọng sự thật mà điểm mạnh là các bài phóng sự, điều tra.
Nhóm khác cho rằng làm báo hiện đại phải đáp ứng cao nhất nhu cầu người đọc, phải biết tiếp cận vấn đề theo cách giật gân nhất để có thể bán báo. Và ranh giới giữa chính thống với lá cải, giữa xấu với tốt đôi khi chỉ là lằn ranh nhỏ.
Theo: Zing.vn