Tage (Vũ Tuấn Huy) vừa ra bản rap mới: Ganh tị. Đây là sản phẩm đầu tiên của nam rapper sau Rap Việt. Sau một tuần đăng tải, MV của Tage hiện có gần 2 triệu lượt xem với nhiều đánh giá tích cực từ rap fan. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng ca từ của Ganh tị có phần ngông cuồng và sẽ cản trở con đường của Tage ở thị trường mainstream.
Tage nổi tiếng trong cộng đồng trước khi đến với Rap Việt. Hồi tháng 6 năm ngoái, nam rapper giới thiệu Lớp 13 và đã trở thành một bản rap hit trên thị trường. Trước đó, Tage còn quá xa lạ với cộng đồng underground nhưng từ Lớp 13, anh đã mang đến cá tính riêng biệt, trở thành một gương mặt đáng được chú ý của thế giới ngầm.
Rhymatic khi đó đã chia sẻ bài Lớp 13 của Tage trên trang cá nhân kèm đánh giá: “Chơi vần bá cháy”. Sau này, giám khảo của Rap Việt nhận định: "Tage thuộc nhóm thí sinh mạnh của Rap Việt, trong đó nổi bật nhất là khả năng gieo vần".
Xuất hiện ở vòng Chinh phục của Rap Việt với bản rap Lớp 12 dựa trên ca khúc gốc Mình cùng nhau đóng băng, Tage được cả bốn huấn luyện viên đạp nút. Khi Karik do dự chuyện chọn lựa, Rhymastic thậm chí đã rời ghế nóng để giục rapper Người lạ ơi.
Trong phần đánh giá, Rhymastic cho rằng Tage phù hợp với Karik, người có thể góp ý về ngôn từ, kỹ năng và cách truyền tải cho nam thí sinh. Trong khi JustaTee nhận định Tage cần tiết chế cách rap và Suboi sẽ khắc phục được điểm yếu này.
Kết quả, sau khi được hai giám khảo Rhymastic và JustaTee nhường quyền, Tage chủ động chọn về đội của nữ huấn luyện viên duy nhất trong chương trình: Suboi.
Trong đội Suboi, Tage có cách đan vần nổi bật, thậm chí thuộc nhóm thí sinh có khả năng tạo vần tốt nhất của Rap Việt. Ngoài ra, Tage cũng được đánh giá là có ngoại hình sáng sân khấu, kỹ năng biểu diễn, xứng đáng là nhân tố nổi bật.
Ở vòng Đối đầu, Tage được chọn đối đấu với Gừng - một gương mặt khá thiện chiến. Với bản rap Thế giới tam giác dựa trên bài hát gốc Đi để trở về, cả hai cùng mang đến năng lượng của tuổi trẻ. Cuối cùng, Tage được chọn đi tiếp.
Tage từng được coi là “át chủ bài” của Suboi, được dự đoán là thí sinh đi đến đêm chung kết cuối cùng. Tuy nhiên, đến vòng Bứt phá, nam rapper đã bại trận đầy đáng tiếc trước RPT Gonzo của đội Binz trong bảng đấu E.
Sự bại trận nhận từng gây không ít lăn tăn vì xét về kỹ thuật rap Tage và RPT Gonzo được đánh giá là ngang tài ngang sức. Trong bảng điểm chuyên gia trước vòng Bứt phá với sự tham gia của hai ca sĩ, rapper là Hà Lê và Young Uno, Tage thậm chí được đánh giá nhỉnh hơn Gonzo 4/5 kỹ năng rap. Vần, flow, punchline của Tage đều hơn Gonzo, trong khi điểm trình diễn bằng nhau.
Đến vòng Bứt phá, không thể phủ nhận là Gonzo đã có bước tiến về kỹ thuật. Học trò Binz nhỉnh hơn Tage về kỹ thuật punchline. Trong khi, Tage vẫn hơn Gonzo về điểm gieo vần. Ba tiêu chí khác là flow, chất giọng và trình diễn, cả hai bằng điểm trong đánh giá của chuyên gia. Tuy nhiên, Gonzo được xướng tên đi tiếp vì số phiếu áp đảo từ đội ngũ “cầm cân nảy mực”.
Việc Tage dừng chân từng là một tiếc nuối của Rap Việt. Tuy vậy, so với thị trường rap, Tage vẫn là người may mắn, nổi tiếng nhanh, được kỳ vọng là một rapper gen Z triển vọng của cộng đồng.
Tage ở Rap Việt là một chàng trai tiết chế tối đa sự nổi loạn và ngông cuồng. Thậm chí, trong Tage, nhiều người vẫn nhìn thấy hình ảnh của một cậu học trò ngay cả trong màn trình diễn cá tính ở bảng đấu E vòng Bứt phá. Nhưng với Ganh tị vừa ra mắt, Tage cho thấy một con người khác.
Đó là một Tage liều lĩnh, thậm chí bất chấp chưa từng có. Sản phẩm âm nhạc được Tage ra đúng ngày mùng 1 Tết – điều rất hiếm các ca sĩ thực hiện. Và Ganh tị cũng chứa đựng hình ảnh một rapper đường phố tự do và kiêu ngạo. MV có sự xuất hiện của nhiều rapper trẻ khác như RPT Gonzo, MCK, Tlinh hay RPT Orijin.
Tage sáng tác và thể hiện bản rap của mình trên một nền nhạc khá tốt. Beat là điểm cộng cho sản phẩm lần này. Phần beat của Sony Tran tương đối thời thượng và cũng không giống với những bản rap trước đó của Tage. Nền nhạc trau chuốt và tempo phù hợp giúp Tage có thể thi triển nhiều kỹ năng hơn thay vì chỉ chuyện dựng vần.
Tuy nhiên, phần nội dung của Ganh tị là điểm đáng gây tranh cãi. Ganh tị có phần lời ngang tàng, thậm chí có phần nặng nề không cần thiết. Tage công kích người ghét mình, rap fan “nửa mùa”, thậm chí cả truyền thông lẫn rap quảng cáo, thương mại.
Tage dường như muốn đối đầu với tất cả theo cách ngạo nghễ nhất. Nhưng sự nặng nề của Gạnh tị cũng đặt anh vào một thế khó khi chọn bước chân vào thị trường mainstream.
Sự thượng đẳng và ngông cuồng đôi khi chỉ lấy mất đi những thiện cảm của số đông công chúng dành cho một rapper trẻ. Và rõ ràng, những câu chuyện công kích, đối tượng công kích của Tage đặt ra trong bản rap này cũng đã quá cũ kỹ.
Cá tính là cần có, song, cũng như một giám khảo từng nói ở Rap Việt, Tage vẫn cần tiết chế cách rap của mình. Bởi lẽ, không phải cứ phô bày và thể hiện mới chứng tỏ được bản thân khác biệt.
Ngoài thế khó của phần lyrics, không thể phủ nhận ở Ganh tị, Tage đã cải thiện đáng kể về kỹ thuật xây dựng flow (nhịp rap). Nhịp rap vẫn được ví von là biến hóa như nước, với Ganh tị, người nghe đã bắt đầu thấy được sự biến hóa đó của Tage. Flow của Tage trong sản phẩm này mượt mà, linh hoạt và uyển chuyển, không cứng và một màu như trước.
Ganh tị không nhắc đến Suboi nhưng flow của bản rap này có dáng dấp Suboi. Bàn tay tạo flow của Suboi và cách cô đào tạo học trò ở Rap Việt đã ảnh hưởng trực tiếp đến Tage trong sản phẩm này. Cách chảy flow trong Gạnh tị có nhiều điểm giống với phong cách đặc trưng của Suboi.
Với Ganh tị, Tage đã khắc phục được yếu điểm về flow mà vẫn phát huy được thế mạnh về đan vần. Nhưng có lẽ, Tage còn cần học hỏi ở người thầy Suboi một điểm nữa, đó là sự sâu sắc trong cá tính hơn là "hổ báo" bên ngoài.
Theo: Zing.vn