Blind là bộ phim hình sự do đạo diễn Ahn Sang-hoon thực hiện, có kịch bản do biên kịch Choi Min-seok chấp bút, ra mắt tại Hàn Quốc vào năm 2011. Trong phim, nữ diễn viên Kim Ha-neul vào vai Min Soo-ah - cô gái khiếm thị trở thành nhân chứng duy nhất của một vụ tai nạn chết người nhiều uẩn khúc.
Nhờ ý tưởng mới lạ tại thời điểm ra mắt, cùng câu chuyện hấp dẫn và diễn xuất nổi bật của nữ chính Kim Ha-neul, Blind giành được nhiều đánh giá tích cực và thu hút gần 2,5 triệu lượt khán giả theo dõi. Màn trình diễn của minh tinh cũng đem về cho cô giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại hai giải thưởng điện ảnh lớn của Hàn Quốc là Rồng Xanh và Đại Chung.
Blind từng được các nhà làm phim Trung Quốc và Nhật Bản làm lại vào các năm 2015 và 2019, cũng như dự kiến có thêm phiên bản Ấn Độ. Phiên bản Việt hóa năm nay do đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh thực hiện với tựa đề Bằng chứng vô hình, có vai chính do Phương Anh Đào đảm nhận.
Giống như hầu hết tác phẩm làm lại (remake), nội dung Bằng chứng vô hình trung thành với nguyên tác. Phương Anh Đào sắm vai Thu - một nữ cảnh sát do bất cẩn đã gây ra vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của em trai. Đôi mắt của Thu đồng thời vĩnh viễn mất đi ánh sáng kể từ bi kịch ấy.
Ba năm sau, Thu tình cờ trở thành nhân chứng duy nhất của một vụ tai nạn chết người mà tên lái xe đã chủ đích phi tang thi thể nạn nhân nhằm xóa bỏ dấu vết. Tuy nhiên, do là người khiếm thị, cô gặp không ít khó khăn trong việc hỗ trợ lực lượng điều tra phá án, đồng thời trở thành mục tiêu mà kẻ thủ ác nhắm đến nhằm diệt khẩu.
Bằng chứng vô hình thừa hưởng ý tưởng độc đáo sẵn có từ nguyên tác, nên bộ phim không gặp nhiều khó khăn trong việc lôi cuốn khán giả ngay từ những giây phút đầu tiên. Kịch bản phim về cơ bản lặp lại sát phim gốc, thể hiện tương đối đầy đủ các tiền đề mà ý tưởng có thể gợi mở.
Nửa đầu phim tập trung đem đến cho khán giả câu chuyện điều tra phá án theo hướng truyền thống với các dữ kiện mới thú vị khi nhân chứng là một người khiếm thị, không thể cung cấp bằng chứng thị giác. Bù lại, khả năng tập trung và các giác quan khác của Thu lại giúp đem đến nhiều thông tin bất ngờ ngoài dự kiến cho cảnh sát.
Đến nửa sau, Bằng chứng vô hình chuyển hướng và trở nên giật gân hơn khi câu chuyện không chỉ là hành trình điều tra phá án một chiều của lực lượng cảnh sát nữa. Âm mưu của kẻ thủ ác nhắm đến Thu và Hải (Otis) - một nhân chứng tình cờ khác của vụ án - khiến bộ phim trở thành trò chơi mèo vờn chuột kịch tính.
Cái ác vẫn ở trong bóng tối và không thể xác định, dù hắn có ở ngay bên cạnh đối tượng. Nhờ đó, cũng giống như nguyên tác, Bằng chứng vô hình hấp dẫn khán giả không chỉ phụ thuộc vào yếu tố điều tra hình sự đơn thuần.
Tất nhiên, Bằng chứng vô hình vẫn đưa ra một vài cải biên để làm mới nguyên tác, hoặc hạn chế những khuyết điểm đã tồn tại từ trước. Thay đổi rõ ràng nhất là nhân vật thanh tra Jo (Jo Hee-bong) của bản gốc được thay thế bằng nữ cảnh sát Hòa (Ái Phương) cùng người cộng sự đàn em do Anh Tú thể hiện.
Đây là sự thay đổi tích cực, khi biên kịch có thể xây dựng hình tượng lực lượng cảnh sát trong phim chân thực, đa sắc thái hơn. Nếu Anh Tú thể hiện nhân vật chàng cảnh sát trẻ tuổi có phần ngông ngênh, không tin tưởng nữ chính, thì nhân vật Hòa của Ái Phương là sự bổ trợ hợp lý. Cô từng trải hơn, cùng là nữ giới nên đồng cảm và dễ dàng gắn kết với Thu.
Nhờ đó, sự phối hợp giữ lực lượng cảnh sát với nhân chứng đặc biệt của bộ phim trở nên tự nhiên và đáng tin cậy hơn. Tính tương tác giữa các nhân vật nhờ đó cũng trở nên chân thực và có điểm nhấn hơn là những câu thoại hài hước qua lại khá đơn điệu của hai nhân vật chính trong nguyên tác.
Một số chi tiết trong phim cũng được thay đổi nhằm phù hợp với bối cảnh và văn hóa Việt Nam. Bối cảnh một trại trẻ mồ côi trong bản gốc được thay thế bằng căn nhà cũ của hai chị em Thu ở ngoại ô. Còn cuộc truy đuổi nghẹt thở giữa phim diễn ra trên đường phố và trong tầng hầm khu chung cư, thay vì một ga tàu điện ngầm.
Nhìn chung, các thay đổi kể trên của Bằng chứng vô hình so với nguyên tác là tích cực, giúp bộ phim trở nên gần gũi hơn, phù hợp hơn với khán giả bản địa, thậm chí vượt qua bản gốc ở một số yếu tố.
Màn trình diễn của Kim Ha-neul trong Blind từng được cả khán giả lẫn giới phê bình đánh giá cao. Do đó, thử thách đặt ra đối với Phương Anh Đào khi sắm vai chính trong bản Việt hóa là không hề đơn giản.
May mắn thay, nữ diễn viên Chàng vợ của em đã hoàn thành trọn vẹn vai diễn trọng điểm của bộ phim. Thậm chí, đây có lẽ là vai diễn nặng ký nhất trong sự nghiệp diễn xuất của cô từ trước đến nay. Nhờ gương mặt sở hữu ngũ quan giàu biểu cảm sẵn có, cùng khả năng diễn xuất bằng đài từ chất lượng, Phương Anh Đào có thể diễn mà không cần đến ánh mắt.
Đặc biệt, nhân vật Thu của Phương Anh Đào sở hữu hình tượng hoàn toàn khác biệt so với nhân vật Min Soo-ah của Kim Ha-neul. Nếu như Min Soo-ah là một cô gái có phần nào đó trầm lặng, yếu đuối, thì Thu lại có phần mạnh mẽ, cá tính hơn.
Nhờ đó, Thu tỏ ra phù hợp với nhân vật được xây dựng và giới thiệu từ ban đầu hơn so với Min Soo-ah: một nữ cảnh sát tập sự độc lập, mạnh mẽ, và có chút vô nguyên tắc. Nét cá tính của Phương Anh Đào có thể không thể hiện được sự u uất của một nhân vật sở hữu nội tâm phức tạp với vết thương lòng trong quá khứ như Kim Ha-neul. Nhưng đó là sự khác biệt cần thiết nhằm tránh lặp lại một cách máy móc những yếu tố đã tạo nên thành công của nguyên tác.
Các diễn viên khác như Ái Phương, Anh Tú hay Otis đều đóng tròn vai. Họ không quá nổi bật, nhưng thể hiện hình tượng nhân vật của mình hợp lý. Riêng Quang Tuấn tiếp tục lặp lại nét diễn của anh trong Thất Sơn tâm linh khi vào vai nhân vật phản diện. Song, tài tử đôi lúc diễn xuất còn cường điệu thái quá, khiến nhân vật trở nên “nguy hiểm” một cách nửa vời, bất hợp lý.
Dù sở hữu ý tưởng mới lạ, trên thực tế, Blind vẫn có những điểm trừ trong việc các tiền đề của bộ phim và quá trình điều tra phá án còn tương đối sơ sài, thiếu chiều sâu, hay phần tiết tấu thiếu ổn định.
Phiên bản Việt hóa được kỳ vọng sẽ khắc phục được những nhược điểm nói trên. Tiếc rằng, bên cạnh một số điều được cải thiện, vẫn có những điểm trừ bị giữ nguyên không thay đổi, thậm chí còn phát sinh thêm khuyết điểm không đáng có. Hậu quả là chất lượng tổng thể của Bằng chứng vô hình có phần thua sút bản gốc.
Bộ phim chưa đào sâu khai thác hết tiền đề mà ý tưởng ban đầu mở ra, khiến quá trình điều tra phá án tưởng chừng mới mẻ, thú vị ban đầu vẫn tỏ ra sơ sài. Bản thân những khó khăn mà nhân vật chính cùng cảnh sát phải trải qua chưa phải là thử thách thực sự. Do đó, quá trình phá án lẫn chống lại kẻ thủ ác không tạo được điểm nhấn đáng kể.
Để bù đắp cho sự thiếu vắng thử thách kể trên, bộ phim không thiếu các chi tiết phi logic và thiếu thực tế bị áp đặt trong diễn biến kịch bản. Chuỗi tình tiết này khiến trí tuệ của các nhân vật giảm sút và họ nhiều lúc hành xử một cách bất hợp lý, khiến quá trình điều tra trong phim vô tình trở nên “khó khăn” hơn một cách thiếu thuyết phục.
Khó có thể tin được hai nhân chứng quan trọng của một vụ án mạng từng bị thủ phạm truy sát lại không có được bất cứ một sự bảo vệ trực tiếp nào từ phía cảnh sát. Hay như việc truy xuất ra hành tung của kẻ thủ ác mang tính ăn may nhiều hơn là từ xâu chuỗi dữ liệu, bằng chứng thực tế và quá trình suy luận logic.
Bản thân nhân vật chính Thu là người mù, nhưng lại được biên kịch và đạo diễn ưu ái cho khả năng vận động không thua kém gì người bình thường trong trường đoạn cao trào cuối phim. Điều này khiến sự kịch tính của bộ phim sụt giảm một cách đáng tiếc.
Nhân vật phản diện của Quang Tuấn trong phim được xây dựng thua kém hơn hẳn so với tên sát nhân hàng loạt do Yang Young-jo thể hiện trong nguyên tác. Dù luôn cố gắng thể hiện sự bí ẩn, nguy hiểm mỗi khi xuất hiện, bản thân nhân vật có quá ít đất diễn để thể hiện rõ điều đó, ngoại trừ những câu thoại văn vẻ nhưng sáo rỗng.
Hành động của nhân vật thể hiện sự bất hợp lý trong kịch bản. Bộ phim hé lộ hung thủ là một kẻ ranh ma, xảo quyệt, nhưng gã lại liều lĩnh truy sát nhân vật Hải giữa khu vực dân cư như chốn không người, thậm chí còn
Tất cả khiến nhân vật phản diện của bộ phim trở nên nhạt nhòa, có tiếng chứ không có miếng. Cũng bởi không có đối trọng xứng tầm, tuyến nhân vật chính bị giảm IQ một cách đầy áp đặt như trên, để quá trình điều tra phá án có thêm chút thử thách.
Các yếu tố kỹ thuật sản xuất cũng tồn tại những điểm trừ không đáng có. Bằng chứng vô hình cố gắng duy trì tiết tấu ổn định bằng cách cắt giảm nhiều chi tiết tâm lý thừa thãi so với bản gốc, giúp nhịp điệu của phim hấp dẫn và dễ theo dõi hơn. Song, một số phân đoạn lại thể hiện sự cắt dựng quá đà, khiến diễn biến hoặc bị vụn, thiếu chi tiết; hoặc rời rạc thiếu độ liên kết và mượt mà cần thiết khi chuyển cảnh.
Các bối cảnh nội tại khu vực văn phòng của lực lượng điều tra được xử lý ánh sáng bất thường khi thường xuyên trong tình trạng tù mù thiếu sáng như không bật đèn, hay trong cảnh đêm tối mà ánh sáng ngoại cảnh lại giống như trời có nắng. Đây là lỗi kỹ thuật hoàn toàn không đáng có trong một tác phẩm được đầu tư sản xuất tương đối chỉn chu từ đầu đến cuối.
Nhìn chung, Bằng chứng vô hình thừa hưởng ý tưởng độc đáo từ nguyên tác với một số cải biên thú vị, giúp bộ phim gần gũi và dễ tiếp cận khán giả Việt. Tuy nhiên, diễn xuất chất lượng của nữ chính Phương Anh Đào là chưa đủ để khỏa lấp những điểm yếu về mặt kịch bản và kỹ thuật còn tồn tại. Dẫu sao, đây vẫn là một tác phẩm đáng xem của điện ảnh Việt trong bối cảnh thiếu hụt phim chất lượng, và có thể đáp ứng tốt nhu cầu giải tri cơ bản của khán giả.
Theo: Zing.vn