Ca sĩ Bích Phương có hát nhép không?

By dvvn thg 11 04, 2019
Nhiều ca sĩ, nhạc sĩ trẻ cho rằng Bích Phương hát đè. Tuy nhiên, giới thanh nhạc lại khẳng định nữ ca sĩ hát nhép, hát đè là cách gọi không chính thống.

Mới đây, Bích Phương bị khán giả giật micro để tìm con khi đang biểu diễn ở Hạ Long, Quảng Ninh. Đáng nói, khi micro rời khỏi tay Bích Phương, tiếng hát vẫn tiếp tục vang lên. Từ sự cố này, nhiều người cho rằng cô hát nhép, trong khi cũng có ý kiến bênh vực nữ ca sĩ hát đè.

Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh ngay lập tức ra văn bản yêu cầu Bích Phương giải trích nghi vấn hát nhép.

Bích Phương sau đó khẳng định trên trang cá nhân: “Tôi không hát nhép. Tôi nghĩ với những ai hiểu tôi, họ đã hiểu rồi, còn với những người không hiểu, tôi có nói gì cũng không làm hài lòng họ được".


Đạo diễn Hoàng Trọng Thanh khẳng định trường hợp của Bích Phương là hát đè bởi nếu hát nhép thì micro sẽ tắt, đồng nghĩa với việc người đàn ông tìm con sẽ không thể nói qua micro.

“Hát đè thường thấy trong các show diễn ngoài trời, có đặc thù thiên về biểu diễn. Những trường hợp ca sĩ hát đè, thường vì khả năng hát live không cao, thiếu tự tin. Cũng có phần vì chất lượng âm thanh của show không tốt, nên ảnh hưởng đến chất lượng hát live của ca sĩ, và họ chọn giải pháp live cho an toàn hơn”, nam đạo diễn bày tỏ.

Đồng tình với quan điểm này, S.T Sơn Thạch nhận định nghệ sĩ khi hát nhạc dance thường chọn giải pháp an toàn đó là hát đè, tức sẽ có một lớp nhạc nhẹ ở bên dưới. Bích Phương là trường hợp bình thường.


Nhạc sĩ trẻ Nguyễn Minh Cường cũng cho rằng Bích Phương không nhép mà là hát đè. Hát đè thì ca sĩ sẽ vẫn bật micro của mình và hát cùng beat playback.

Hình thức này vẫn là hát thật nhưng sẽ đỡ mệt hơn cho nhưng đoạn nhảy, động tác khó hay lên cao. Đặc biệt với trường hợp diễn nhiều bài trong một chương trình và thời nay âm nhạc điện tử phổ biến.

Nguyễn Minh Cường cho rằng nên phân biết rõ hát nhép và hét đè.

“Hát nhép là một hình thức biểu diễn không thể chấp nhận ở thời điểm hiện tại vì làm ảnh hưởng đến sự chuyên nghiệp và văn minh của cả nền âm nhạc nước nhà. Còn hát đè hay gọi là hát chồng là một hình thức khá quen thuộc của các ca sĩ khi đi biểu diễn, điều này có thể chấp nhận được”, anh nói.

Ý kiến của Nguyễn Minh Cường, Hoàng Trọng Thanh hay S.T Sơn Thạch được một bộ phận khán giả đồng tình. Tuy nhiên, giới thanh nhạc lại có góc nhìn khác.

Ca sĩ Hiền Anh, giải Nhì Sao mai 2007, cho biết thanh nhạc không có thuật ngữ nào là hát đè. Đó chỉ là cách gọi “tiểu xảo”, không chính thống.

“Giới thanh nhạc chỉ có hát sống và hát chết, hát live và hát nhép, không có thuật ngữ nào là hát đè. Trường hợp của Bích Phương nếu gọi đúng thì chính là hát nhép”, nữ ca sĩ bày tỏ.

Đồng tình với quan điểm này, “Sao mai” Tân Phương, giảng viên thanh nhạc Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương, cho biết trường hợp của Bích Phương trong đêm diễn tối 30/10 tại Hạ Long, Quảng Ninh là hát nhép.

“Đó là hát nhép. Hôm trước tôi cũng ngồi một số đồng nghiệp giảng dạy về thanh nhạc, mọi người cùng mở ra xem và đều đồng tình đó là hát nhép. Hát đè chỉ là tên gọi, đó vẫn là hát nhép. Trường hợp này hát nhép là rõ rồi, ai trong giới âm nhạc cũng dễ dàng nhận ra”, nữ ca sĩ kiêm giảng viên thanh nhạc nêu quan điểm.


Đồng tình với Hiền Anh và Tân Phương, một ca sĩ giấu tên khẳng định âm nhạc chỉ có hát thật và hát nhép, sau này mới phát sinh ra hát đè. Đôi khi bị một số ca sĩ lợi dụng, mập mờ giữa hát đè và hát nhép.

“Ngay kể cả công nhận thuật ngữ hát đè thì cũng không thể lấy đó để khẳng định bản thân là không hát nhép được. Không hát live thì là hát nhép, chuyện đó rất đơn giản. Trường hợp của Bích Phương rõ ràng là hát nhép, không có gì phải bàn cãi”, ca sĩ này nói.

Dù khẳng định Bích Phương hát nhép nhưng cả hai giọng ca trưởng thành từ Sao mai là Hiền Anh và Tân Phương đều cho rằng trường hợp này là bình thường, nên được thông cảm.

“Chúng ta chỉ cần gọi đúng tên sự vật, không nên bao biện. Việc hát nhép ở sự kiện như vậy không cần lên án, phải hết sức thông cảm. Chất lượng âm nhạc ở sân khấu lớn như vậy rất khó hát live, Bích Phương thậm chí còn nhảy, vũ đạo, do vậy, đòi hỏi hát live là bất khả thi”, giải Nhì Sao mai 2007 Hiền Anh nêu quan điểm.

Hiền Anh cũng cho rằng trường hợp của Bích Phương hiện nay là xu thế chung, thế giới cũng rất phổ biến. Do vậy, khán giả cần thông cảm.

Chung chia sẻ, nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường khẳng định không phải sân khấu nào cũng đảm bảo được chất lượng âm thanh tốt, loa monitor kiểm âm chuẩn để ca sĩ có thể kiểm soát được giọng hát.

Do vậy, hát đè là một hình thức để các ca sĩ có thể kiểm soát được phần trình diễn của mình một cách tốt tốt nhất.


Ca sĩ Ngọc Lâm, á quân Giọng hát hay Hà Nội 2016, cũng chung quan điểm với Hiền Anh và Nguyễn Minh Cường. Nam ca sĩ cho rằng việc hát đè hiện nay là phổ biến, nhất là với những ca sĩ sôi động, nhạc dance, nhạc điện tử.

“Hát đè hay hát nhép thực ra là không xấu nếu phù hợp với hoàn cảnh. Các chương trình truyền hình trực tiếp, các ca sĩ nổi tiếng, NSND, NSƯT cũng hát nhép suốt vì đó là yêu cầu của nhà đài. Các chương trình sân vận động, việc ca sĩ hát đè là bình thường”, anh nói thêm.

Tuy vậy, với riêng trường hợp của Bích Phương mới đây, giọng ca xuất thân từ Học viện Âm nhạc Việt Nam cho rằng nữ ca sĩ “hát đè không khéo”. Bích Phương đã để âm nhạc của bản thu sẵn tương đối lớn nếu so với các ca sĩ khác.

Do vậy, khán giả rất dễ phản ứng vì khi người đàn ông kia cầm micro, lượng âm của nhạc nền không khác khi Bích Phương đang hát.

"Tôi đi hát chỉ dám để nhạc nền cao nhất là 75%, và giọng hát của mình vào 25% nữa là 100%. Nhưng Bích Phương dường như đã để cao hơn 75%", á quân Giọng hát hay Hà Nội nói.

S.T Sơn Thạch cũng đồng quan điểm với nhận định Bích Phương đã mở nhạc nền hơi dày. “Bích Phương chọn lớp nhạc nền dày hơn một chút. Bình thường, ca sĩ chọn khoảng 30-50%. Bích Phương có thể chọn cao hơn”, nam ca sĩ bày tỏ.

Theo: Zing.vn

© Copyright 2017 Dien Vien Viet Nam. All rights reserved.
Powered by Nilead
Hotline: 0338 179 168
Website hiện đang trong quá trình chờ cấp phép.