Trong chương trình, bố ruột Cát Tường có dịp tiết lộ nhiều biến cố trong cuộc đời của mình. Cụ thể, vào năm 1979, khi diễn viên Đồng tiền xương máu chỉ mới 2 tuổi, ông làm mọi công việc để chăm lo gia đình như đi rừng, sửa xe... Ông kể: “Hồi thanh niên, việc đó nằm trong kỹ năng sống nên mình có thể mò được. Thời đó xe honda cấm chạy, xe đạp là cả gia tài. Tôi để bảng sửa xe bên đường với một bộ đồ vá. Mỗi chiếc xe vá là 5 hào. Nhưng hồi đó, xe người ta lủng, nếu làm được thì cũng tự làm chứ không ai mang ra tiệm đâu. Hay khi trở sên tôi có thể ăn được 2 đồng. Cực lắm nhưng có còn hơn không”.
Ba Cát Tường kể thêm trong một lần, có người dắt xe đạp của bạn gái đến sửa. Tuy nhiên sau khi xong, người này mang xe đến chửi, cho rằng ông đổi phụ tùng của xe. “Tôi biện hộ thì họ không tin, la tôi quá trời. Mấy người hàng xóm chạy ra can thiệp nhiều, bảo rằng: “Mấy em đừng nói nặng quá. Anh này vì hoàn cảnh mà sửa xe chứ hiền lắm, không làm chuyện bậy bạ đâu". Người này nghe khuyên can thì nguôi ngoai và bỏ đi. Nhưng đó là dấu ấn trong tôi thời đó", khách mời tâm sự.
Kể thêm về cuộc sống của mình, ba Cát Tường tiết lộ từng có một vị khách đến báo rằng đã trúng vé số và muốn ông mua lại. “Họ trúng 50 đồng, bán lại cho tôi là 48 đồng thôi. Nhưng họ trúng hai tờ, tức là 100 đồng, trong khi gia tài của tôi không tới 50 đồng", ông nói. Vì vậy, ba Cát Tường phải xoay sở nhiều nơi để có tiền mua lại hai tờ vé số với mục đích kiếm thêm. Nhưng khi mang xuống chỗ đổi tiền, ông bất ngờ khi biết đó là tờ vé đã được sửa số.
“Tôi nghĩ vốn mình mất rồi, nợ không trả nổi, tôi khổ và muốn khóc. Sau đó, tôi mới nghĩ ra rằng phải cầm vé đi tìm chỗ khác để đổi. Nói chung lúc đó tôi bần cùng rồi. Giữa đạo đức và mưu sinh, vợ con sẽ chết đói nên tôi phải làm. Mờ sáng, tôi không sửa xe, lấy xe đạp đi khắp Huế để lừa đảo. Tôi đạp cách mười mấy cây số, cứ tới nơi thắng lại, nhìn người ta tội quá tôi lại đi. Cuối cùng tôi cũng đổi được ở một chỗ nhà rất giàu. Đổi được nhưng trong lòng tôi vừa sướng, cũng vừa khổ. Chuyện này 40 năm rồi tôi vẫn còn cắn rứt", ông nói.
Tuy nhiên, biến cố lớn nhất khiến ba của diễn viên Đồng tiền xương máu nhớ mãi là khi có hai vị khách đến bán xe đạp. Theo ông, thời điểm đó, chiếc xe này có giá trị lớn hơn chiếc SH bây giờ. Dù khá cẩn thận khi yêu cầu hai người viết giấy xác nhận, song bản thân ông vẫn một lần nữa bị lừa đảo. Cụ thể, sau khi mua xong, ông bán lại cho một người bạn với giá 4 chỉ vàng. Tuy nhiên sau đó, người mua báo lại về việc chiếc xe bị công an tịch thu trả lại cho chủ. “Sau đó tôi còn biết được rằng chủ là một trong hai người tới bán xe cho tôi. Tôi phải lấy hết gia tài dồn bao nhiêu lâu để trả lại cho khách. Sau đó tôi không phục, đi tìm người bán xe cho tôi để năn nỉ nhưng mặt người đó tỉnh bơ. Tôi làm đơn gửi nhưng công an không giải quyết. Tôi tán gia bại sản, đành phải vào Nam tìm đường sống. Nhưng hai năm sau, tôi nghe được thông tin hai người đó bị đuổi học”, khách mời kể thêm.
Lắng nghe chia sẻ của đấng sinh thành, Cát Tường nhiều lần không kìm được nước mắt. Bà mối cho biết đó cũng là lý do gia đình cô thường xuyên đi về Huế vì ba có tình yêu rất lớn dành cho quê hương. “Thật ra bây giờ tôi hiểu người già chỉ muốn ôn lại chuyện cũ, gặp gỡ những người bạn chí cốt. Cả một đời lăn lộn, mưu sinh rồi nên không biết còn sống được bao nhiêu ngày. Tôi hay nghĩ trong lòng bây giờ thích làm gì thì làm, mình có điều kiện cho ba mẹ đi chơi thoải mái, ăn ngon mặc đẹp. Nhưng cái cốt của ba mẹ vậy rồi, không có ăn sang mà rất tiết kiệm. Đôi lúc tôi học được tính đó từ ba mẹ của mình để lại. Đây cũng chỉ mới là những câu chuyện khó khăn phải rời bỏ quê hương thôi, khi đến Vĩnh Long còn nhiều khó khăn nữa", cô giải bày.
Theo: thanhnien.vn