Việc Quỳnh búp bê bị cấm chiếu vì nhiều cảnh bạo lực được cho là điều đáng tiếc đối với phim truyền hình Việt. Không chỉ vì đây là bộ phim được thực hiện, sản xuất công phu, mà còn vì đây là trường hợp điển hình đòi hỏi phải có hệ thống phân loại theo độ tuổi phim truyền hình Việt Nam.
Không nên lấy lý do "trẻ con không xem được" để cấm đoán những phim rõ ràng là dành cho người lớn trên 18 tuổi, mà nên dán nhãn, khuyến cáo và có khung giờ chiếu hợp lý cho những khán giả phù hợp có cơ hội theo dõi bộ phim.
16 cấp độ phân loại tuổi
Là một trong những hệ thống phát hành phim có lượng khán giả đông đảo nhất hiện nay, từ lâu Netflix đã lập ra hệ thống cấp độ tuổi rất chi tiết đến từng lứa tuổi một. Không chỉ đơn giản là trẻ con - thiếu niên - người lớn, mà mỗi nhóm tuổi này cũng được chia nhỏ ra.
Cụ thể, hệ thống phân loại ở Mỹ của Netflix bao gồm 16 cấp độ. Trong nhóm Trẻ em nhỏ nhất có G, TV-Y, TV-G. Nhóm Trẻ em lớn hơn có PG, TV-Y7, TV-Y7-FV, TV-PG, một vài phim thuộc nhóm PG-13 và TV-14. Nhóm Thiếu niên có PG-13, TV-14. Nhóm Người lớn có R, NC-17, TV-MA, UR, NR.
Các cấp độ khá phức tạp nhưng có thể hiểu là dao động từ G (bất cứ ai đều có thể xem) đến NR (không được xếp hạng, hay "ngoại hạng", và là bản không hề cắt gọt của một phim và không phù hợp với trẻ em hay thiếu niên). Các từ viết tắt trong xếp hạng trông khá rối rắm nhưng có thể căn cứ vào các con số để hiểu giới hạn độ tuổi, hoặc phức tạp hơn thì cũng đều có quy luật.
13 Reasons Why, một series nổi tiếng trên Netflix, được dán nhãn PG-13. Ảnh: Netflix.
Đơn cử, TV-Y7-FV là dành cho khán giả bằng hoặc trên 7 tuổi và có chứa nội dung "bạo lực tưởng tượng". Còn TV-MA là dành cho những phim có nội dung thiết kế dành riêng cho người lớn, không phù hợp với trẻ em hay thiếu niên.
Để nhận diện sự "không phù hợp" này, người ta căn cứ dựa trên những chi tiết trong phim thuộc dạng: hài đen, thường xuyên dùng ngôn từ tục, bạo lực dữ dội (có hình ảnh máu me), ngôn từ mạnh bạo về tình dục và mô tả khá rõ hành vi tình dục...
Còn bên ngoài biên giới nước Mỹ, Netflix cũng xây dựng hệ thống phân loại chi tiết cho từng quốc gia như Canada, Brazil, Anh, Ireland, Thụy Điển, Đan Mạch, Nauy, Phần Lan, Hà Lan, Pháp, Bỉ, Nhật, Singapore... và thêm một hệ thống "Dành cho mọi quốc gia khác" với độ phức tạp hoặc đơn giản tùy theo quốc gia.
Điều đó có nghĩa là, với cách phân loại chi tiết của kênh truyền hình nước ngoài, sẽ không có khái niệm "bạo lực" hay "khiêu dâm" chung chung, mà phải đi vào chi tiết như bạo lực ở cấp độ nào, hay cách đề cập đến tình dục, mô tả tình dục này phù hợp với lứa tuổi tối thiểu nào. Như ví dụ ở trên, FV là bạo lực tưởng tượng còn TV-MA là khi bạo lực được tả thực và dữ dội.
Từ đó, có thể thấy nhược điểm của cách phân loại ở Việt Nam là sự mơ hồ, không cụ thể về nấc thang đánh giá khiến các bộ phim 18+ như Quỳnh búp bê bị phản đối một cách chung chung, lại khá oan ức vì bị chiếu sai khung giờ, sai đối tượng.
Nhiệm vụ đánh giá này được giacho các nhóm chuyên gia về truyền hình, những người nắm rõ nhu cầu của nhiều lứa khán giả và cũng hiểu rõ yêu cầu phải bảo vệ trẻ em trước những nội dung chưa phù hợp với lứa tuổi.
Cha mẹ và trẻ em không nên bị động
Cho cả phim truyền hình và điện ảnh, ở Mỹ có hệ thống phân loại với tên gọi chung "Parental Guidelines" hay "Parents Guide" (Hướng dẫn cho cha mẹ). Hệ thống đánh giá này xuất phát từ góc nhìn của cha mẹ với ưu tiên hàng đầu là định hướng và bảo vệ con cái mình trước những nội dung chưa phù hợp trên truyền hình.
Các gia đình cũng có thể lựa chọn khóa những nội dung không phù hợp cho con trẻ. Với hiểu biết rằng "hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ thế giới bên ngoài trong quá trình nuôi dạy con trẻ là một cuộc chiến thực sự đối với các bậc phụ huynh", các hệ thống phân loại được đưa ra để các gia đình chủ động lựa chọn nội dung phù hợp, chứ không phải hoàn toàn cấm đoán.
Những tranh luận như "Trẻ em có nên xem phim dành cho người lớn không" là khá vô nghĩa. Ảnh: VTV.
Tại Việt Nam, vẫn tồn tại những tranh luận kiểu như "Trẻ em nên biết về những góc tối của xã hội, chẳng hạn tệ nạn mại dâm, để không bỡ ngỡ trước cuộc đời" khi Quỳnh búp bê bị một phần dư luận phản đối vì bạo lực. Trẻ em nên biết, nhưng theo cách thể hiện nào? Rõ ràng không thể theo cùng một cách mà người lớn thể hiện và tiếp nhận được.
Tại một xã hội có pháp luật đặt mục tiêu "bảo vệ trẻ em" lên cao như ở Mỹ, người ta phân loại độ tuổi cho phim ảnh để giải quyết các tranh luận kiểu này ngay từ đầu. Trẻ em đơn giản là sẽ không xem những bộ phim dành cho người lớn. Đến khi đủ 17, 18 tuổi, chúng sẽ tự mình tiếp cận các nội dung này.
Phân loại tuổi cũng không phải kim chỉ nam duy nhất
Ngày nay, với sự phát triển của ngành công nghiệp phim ảnh, số lượng phim ngày càng nhiều và phải đối mặt với đòi hỏi đổi mới, nếu không sẽ đi vào lối mòn cũ kỹ. Quỳnh búp bê cũng là một phim có nỗ lực thoát khỏi lối mòn, đi vào chủ đề táo bạo là gái mại dâm với sự mô tả trần trụi.
Tại nhiều quốc gia khác, cũng tồn tại xu hướng phim truyền hình ngày càng được nâng cao chất lượng nhưng cũng táo bạo hơn về mặt bạo lực hay tình dục. Theo một nghiên cứu của Tiến sĩ Joy Gabrielli ở Mỹ năm 2016, tỷ lệ này tăng cao so với những năm trước khi họ khảo sát 300 tập phim truyền hình năm đó.
Cha mẹ nên đồng hành cùng con cái trong việc chọn lựa chứ không nên bị động. Ảnh: Gta Parent.
Nhưng vấn đề là, hệ thống phân loại tuổi lại chưa theo kịp. Theo Tiến sĩ Gabrielli, về mặt bạo lực, các cấp độ này vẫn làm tốt nhiệm vụ của mình. Nhưng về mặt tình dục, các hệ thống có dấu hiệu không cập nhật và để lọt nhiều nội dung người lớn hơn cho các cấp độ của trẻ em và thiếu niên.
Theo đó, bên cạnh việc hệ thống phân loại phải cập nhật dần theo xu hướng làm phim của từng thời đại, các bậc cha mẹ cũng được khuyên hãy làm bạn với con cái và hiểu nhu cầu xem của chúng.
Theo trang Very Well Family, kể cả khi đang cùng con xem một nội dung hơi quá bạo lực trên TV, hãy lấy đó làm cơ hội trò chuyện với con, thảo luận cùng con chứ đừng lờ đi.
Thêm một lời khuyên hữu ích nữa là đừng để cuộc sống của cả trẻ em và cha mẹ chỉ xoay quanh những màn hình TV hay máy tính.
Theo Zing