Cover bùng nổ ở nhạc Việt: Kế thừa hay ‘há miệng chờ sung'?

By dvvn thg 5 14, 2020
Cover đã trở thành một thực tế của đời sống âm nhạc. Nhiều ý kiến cho rằng đó là cách giúp các bản hit lan tỏa hơn nhưng cũng có quan điểm không đồng thuận.

Tuấn Hưng mới đây nêu quan điểm về thực trạng cover ngày càng phổ biến ở nhạc Việt. Nam ca sĩ cảnh tỉnh các giọng ca trẻ nên có hướng đi và bài hát của riêng mình thay vì chỉ cover.

Trước khi giọng ca Nắm lấy tay anh nêu quan điểm, vấn đề cover hay còn được hiểu là hát lại bản hit của ca sĩ khác cũng đã nhiều lần gây tranh cãi trong đời sống âm nhạc.

Nhiều ý kiến bênh vực cho rằng đó là kế thừa, làm mới ca khúc cũ. Việc ca sĩ này hát lại hit của ca sĩ khác cũng giúp ca khúc lan tỏa hơn. Song, nhiều quan điểm lại có góc nhìn hoàn toàn trái ngược khi nhận định cover là “ăn sẵn”, không có giá trị phát triển đời sống âm nhạc.


Vài năm trở lại đây, cover bùng nổ trên nhiều mặt trận. Không chỉ còn là những clip vui, tự đàn tự hát của khán giả đăng tải trên mạng xã hội, cover đã trở thành một phần của đời sống âm nhạc với sự tham gia của nhiều giọng ca thực lực.

Nhiều giọng ca nổi lên như “hiện tượng cover” với những video “làm mưa làm gió” trên mạng, thậm chí nổi hơn cả bản gốc của ca sĩ chính. Có ca sĩ nổi lên chỉ sau một bản cover.

Do đó, cover trở thành bước đệm để nhiều giọng ca tiến vào đời sống âm nhạc. Trường hợp của Jang Mi có thể được coi là một ví dụ. Hay trường hợp của Dương Edward dù không thành công khi dự thi game show âm nhạc nhưng lại được nhiều người biết đến nhờ cover Phai dấu cuộc tình.

Nhưng đáng nói, không chỉ những giọng ca trẻ mà có cả những ca sĩ tên tuổi cũng thành công hơn nhờ hát lại ca khúc nổi tiếng của đồng nghiệp. Trong đó, Hà Anh Tuấn được xem là một ví dụ tiêu biểu.

Với việc “cover” lại các bản hit “làm mưa làm gió” một thời như Tình thôi xót xa, Mưa phi trường (Lam Trường), Chưa bao giờ (Thu Phương) hay Người tình mùa đông (Như Quỳnh), See Sing Share của Hà Anh Tuấn đã trở thành hiện tượng của đời sống âm nhạc.

Từ thành công của See Sing Share, Hà Anh Tuấn liên tiếp tổ chức các live show hát lại các ca khúc thanh xuân một thuở như Romance: Người đàn ông và bông hoa trên ngực trái vào năm 2018 và ngay sau đó là Gấu cũng vào tháng 12 cùng năm.

Cover đã đưa Hà Anh Tuấn đến một vị trí nổi tiếng hơn nhiều so với thời anh theo đuổi R&B với Cafe Sáng, Saigon Radio hay Streets Rhythm dù đó mới là thời giới chuyên môn đánh giá cao tư duy âm nhạc sáng tạo của giọng ca 8X.


Không chỉ Hà Anh Tuấn mà nhiều giọng ca thành danh khác những năm gần đây cũng thường xuyên cover, thậm chí là cover bản hit của những người trẻ.

Bằng Kiều gọi Thu Phương là “thánh cover” vì nữ nghệ sĩ hát lại không ít ca khúc của đàn em. Trong một cuộc họp báo có cả Thu Phương, Bằng Kiều trêu đồng nghiệp: “Chị Thu Phương cứ thấy bài nào hot trên thị trường là hát”.

Giọng ca gốc Hải Phòng từng hát nhạc của Sơn Tùng M-TP, Bích Phương, Erik hay Nguyễn Trọng Tài. Cũng có đôi lần, nữ ca sĩ gây tranh cãi vì vượt qua những rào cản của thế hệ để hát nhạc trẻ.

“Tôi tự cho mình cơ hội thể hiện để vượt qua những giới hạn của bản thân, bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Nhưng quan trọng là mỗi bài hát luôn có một câu chuyện riêng. Nên mỗi người nghệ sĩ lại có một cách nhìn nhận và truyền tải riêng”, nữ ca sĩ lý giải.

Ngoài Thu Phương, đến các diva như Hồng Nhung, Hà Trần cũng có lần hát nhạc của người trẻ và nhận những ý kiến tranh luận.

Cả hai lần hát nhạc của Sơn Tùng M-TP và Bích Phương, Hồng Nhung đều gây tranh cãi. Ở cả hai lần, diva đều nói rằng chị không có chủ đích hát mà hoàn toàn là đề nghị của ban tổ chức và chị chấp thuận.

Trong khi đó, Hà Trần từng gây lăn tăn khi hát Anh cứ đi đi của Hari Won. Trong số các diva, chỉ còn Thanh Lam và Mỹ Linh là chưa gây bàn tán về chuyện cover hit của các giọng ca trẻ.

Tùng Dương mới đây cũng hát Anh ơi ở lại của Chi Pu trong một sự kiện âm nhạc.

Những dẫn chứng cho thấy, cover đã không chỉ dừng ở câu chuyện của những hiện tượng mới.


Trong một cuộc phỏng vấn, vớicâu hỏi: “Việc các diva hát hit của người trẻ, liệu có thể tạo ra những thay đổi gì không, theo chị?”, Hồng Nhung trả lời: “Hoàn toàn có”.

“Giá trị tôi nghĩ là có. Bây giờ là thời đại mới rồi, khi nhìn âm nhạc tự do hơn, chúng ta mở lòng ra thì sự kết hợp giữa các nghệ sĩ là điều hay, làm phong phú cho nghệ thuật. Tôi nghĩ nên ủng hộ, đó là cách làm mới và làm đẹp cho âm nhạc”, diva nói.

Tuy cho rằng có giá trị nhưng Hồng Nhung cũng khẳng định rằng việc hát lại rất khó để mang đến những đóng góp đột phá.

“Thực ra thì cũng chẳng mới gì đâu vì trên thế giới cũng rất nhiều rồi, giọng ca như Madonna cũng từng hát ca khúc của đồng nghiệp trẻ. Việc nghệ sĩ chung tay làm tác phẩm mới từ bài hát quen thuộc là thường tình, không đột phá gì”, nữ ca sĩ nói thêm.

Tương tự như Hồng Nhung, nhiều ý kiến đồng thuận rằng việc cover bản chất không có gì xấu, miễn là đảm bảo yếu tố về bản quyền tác giả. Bởi lẽ, nhạc Việt không ít lần gây tranh cãi về chuyện bản quyền hoặc tính độc quyền của ca khúc mà ồn ào Vy OanhMinh Tuyết năm 2019 là dẫn chứng điển hình.

Song, về góc độ âm nhạc, giới quan sát nhận định, cover không thể là cách để phát triển nền âm nhạc. Một nhạc sĩ có tiếng ở Hà Nội nói rằng cover cũng có nhiều kiểu. Có những sản phẩm đầu tư bài bản, dù ca khúc cũ nhưng bản phối mới, chất liệu mới, cách xử lý mới, cách hát mới. Nhưng, cũng có những bản cover thuần túy chỉ là nhái lại đơn thuần, không có sáng tạo.

"Kể cả ca sĩ trẻ hát nhạc của ca sĩ đi trước hay ca sĩ thành danh hát hit của đàn em đều không thể là nhân tố phát triển đời sống âm nhạc. Âm nhạc chỉ phát triển khi mỗi giọng ca là một phong cách, một cá tính, góp phần vào sự sinh động của thị trường. Đặc biệt với người trẻ thì không nên lạm dụng cover, lạm dụng sẽ thành lười biếng trong âm nhạc, khó xây dựng tên tuổi về sau”, vị nhạc sĩ này nói thêm.

Theo: Zing.vn

© Copyright 2017 Dien Vien Viet Nam. All rights reserved.
Powered by Nilead
Hotline: 0338 179 168
Website hiện đang trong quá trình chờ cấp phép.