Cuộc đua MV: Bích Phương thắng lợi, Chi Pu vẫn gây lăn tăn

By dvvn thg 6 14, 2020
Sau thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, thị trường nhạc Việt trở lại đầy sôi động với nhiều sản phẩm mới. Phủ sóng nhiều hơn cả vẫn là loại hình music video.

Trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, thị trường nhạc Việt trở nên sôi động với những sản phẩm gửi gắm thông điệp lạc quan, tích cực, hy vọng vào tương lai tương sáng khi dịch bệnh được đẩy lùi.

Hàng loạt ca khúc, MV đã vượt qua khó khăn của giai đoạn giãn cách xã hội để đến với công chúng. Trong đó, Ghen Cô Vy (Khắc Hưng) thậm chí đã vượt qua những lời khen ngợi trong nước, tạo ra hiệu ứng ở tầm quốc tế.

Tiếp tục đà sôi động ấy, sau thời gian giãn cách xã hội, thị trường nhạc Việt trở nên đầy màu sắc với những cuộc trở lại. Sự sôi động thậm chí được ví von như một trận chiến, trong đó loại hình music video (MV) tiếp tục đóng vai trò chủ đạo.


Không thể cùng nhau suốt kiếp (Hòa Minzy) là một trong những MV nổi bật trên thị trường trong thời gian qua. Thành phẩm do Kawaii Tuấn Anh làm đạo diễn, tái hiện một phần câu chuyện lịch sử của hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại. Toàn bộ phần hình ảnh được quay ở những địa danh nổi tiếng tại Huế như Đại Nội, Cung An Định, sông Hương…

Ngoài ra, MV cũng được khen ngợi vì trang phục đẹp, thuần Việt. Ê-kíp thể hiện rõ những kỳ công sáng tạo, từ cách bày biện bánh trái, tái hiện mỹ thuật nhà Nguyễn, thậm chí đến cách vấn khăn, đội đầu của người xưa.

Tâm sức trong việc tái hiện lịch sử và nhân vật lịch sử của ê-kíp Hòa Minzy nhận được phản hồi tích cực từ cả phía báo giới lẫn khán giả. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sau đó cũng nhắn tin cảm ơn phía nữ ca sĩ.

Sau Không thể cùng nhau suốt kiếp, Cung đàn vỡ đôi của Chi Pu cũng nhận được lời khen về mặt hình ảnh. Ngoài việc giới thiệu nhiều địa danh đẹp, yên bình của miền Tây sông nước, MV còn phần nào tái hiện một đoàn hát của thế kỷ trước. Ngay mở đầu MV còn là trích đoạn của Tình anh bán chiếu - tác phẩm của soạn giả NSND Viễn Châu qua tiếng hát của NSND Út Trà Ôn.

Vốn là đạo diễn có thế mạnh trong việc xây dựng những MV mang chất liệu văn hóa truyền thống, Vũ Hồng Thắng cho thấy những tỉ mỉ trong thiết kế đạo cụ, bối cảnh, trang phục. Anh và cộng sự thể hiện những tìm tòi trong việc tái hiện bầu không khí cải lương ở Nam Bộ nhiều năm về trước.

Sự ghi nhận đối với Không thể cùng nhau suốt kiếp hay Cung đàn vỡ đôi nối dài thành công của loạt MV sử dụng chất liệu văn hóa, dân gian Việt. Trước đó, những sản phẩm như Hết thương cạn nhớ, Để Mị nói cho mà nghe, Anh ơi ở lại... cũng gặt hái thành công khi chứa đựng những hình ảnh, thông điệp văn hóa.


Ngoài chất liệu văn hóa Việt, nhiều MV sau dịch cũng đạt thành công về lượt xem và hiệu ứng nhờ những ý tưởng mới lạ, dù có thể không phải là những sản phẩm được đầu tư tiền tỷ. Em bỏ thuốc chưa? của Bích Phương là một ví dụ.

Sản phẩm của Bích Phương không giống một MV với những câu chuyện về hình ảnh, nhưng cũng không phải một bản audio lyrics. Thay vào đó, nó giống một sự kết hợp của cả hai loại hình trong một phiên bản đặc biệt “tiết kiệm” chi phí.

Toàn bộ câu chuyện hình ảnh chỉ là quay lại một cuộc trò chuyện trên mạng Internet của tài khoản mang tên traitimtrongvang và nữ chính Bích Phương. Và cuộc trò chuyện trở thành phần lời cho ca khúc theo cách dàn dựng "ngẫu nhiên".

Đó là một đoạn hội thoại thông thường. Song, tác giả khéo lồng ghép vần điệu ở mỗi cuối câu, giúp ca khúc trở nên bắt tai, hấp dẫn. Em bỏ thuốc chưa? đã giúp Bích Phương có một “cú comeback” thành công. Ngay sau đó, nữ ca sĩ tiếp tục tung ra Một cú lừa và gây hiệu ứng nhất định.

Một ý tưởng mới lạ khác phải kể đến là MV Cơn mưa tháng 5 của Tùng Dương. Với sản phẩm này, cố nhạc sĩ - ca sĩ Trần Lập đã “trở lại” như một ca sĩ, song ca với đồng nghiệp.

Ê-kíp của Tùng Dương đã nhờ đến sự hỗ trợ của công nghệ 3D mapping để tái hiện hình ảnh của Trần Lập. Đây là công nghệ từng được sử dụng ở nhiều chương trình quốc tế nhằm dựng lại hình ảnh người đã khuất. Song, với loại hình MV ở Việt Nam, Cơn mưa tháng 5 là sản phẩm đầu tiên áp dụng mapping.

Sản phẩm gây xúc động với những người yêu mến nhóm nhạc Bức Tường nói chung, và Trần Lập nói riêng. Đây cũng là MV cân bằng được sự sáng tạo của hình ảnh với chất lượng âm nhạc - điều không phải sản phẩm nào trong thời gian qua cũng làm được.


Trong khoảng 15 MV ra mắt sau thời gian cách ly xã hội, nhiều sản phẩm nhận được đánh giá tích cực cả về âm nhạc lẫn hình ảnh. Những MV có thể kể đến như Got You (Mỹ Anh), Gói xôi vội (Đạt G, Du Uyên), Fever (Wren Evans), Em không sai chúng ta sai (Erik), Một cú lừa (Bích Phương) hay Đã từng là (Vũ.)...

Tuy nhiên, cũng có những sản phẩm chỉ gây ấn tượng về hình ảnh, trong khi chất lượng âm nhạc nhận phản ứng trái chiều. Không thể cùng nhau suốt kiếp của Hòa Minzy là một dẫn chứng. Đây là ca khúc do Mr. Siro sáng tác, thuộc thể loại pop ballad. Pop ballad thực tế không làm khó Hòa Minzy. Song, trong ca khúc này, giọng hát của nữ ca sĩ và âm nhạc của Mr. Siro lộ rõ những khoảng cách.

Giọng của Hòa Minzy tương đối yếu, không thể tạo ra những âm trầm ấm, bỏ nhỏ, thủ thỉ như nhạc Mr. Siro cần có. Cô hát hời hợt, chông chênh, và nhạt nhòa trong xử lý.

Ngoài ra, xét về nội dung, ca khúc cũng thua xa những diễn giải về hình ảnh trong MV. Ca khúc không đủ day dứt như câu chuyện của hình ảnh, dẫn đến cảnh nhạc một kiểu, câu chuyện MV một kiểu, không hòa hợp và ăn ý với nhau.

Cung đàn vỡ đôi cũng là một MV được khen về mặt hình ảnh nhưng bị chê về âm nhạc. Khả năng âm nhạc của Chi Pu trong ca khúc của Kiên đã có nhiều tiến bộ so với thời kỳ trước, nhưng giọng hát lẫn khả năng rung ngân, luyến láy vẫn rất kém. Cô đồng thời bị cho là hát thiếu cảm xúc vì cách nhấn nhá rất lạ.

Ca khúc của Kiên cũng mang nặng hơi hướm nhạc Hoa lời Việt vốn phổ biến từ nhiều năm trước nên gây bàn tán về yếu tố sáng tạo.

Việc chất lượng âm nhạc thua kém những sáng tạo hình ảnh cũng đang được xem là một thực tế ở thị trường MV nhạc Việt.

Theo: Zing.vn

© Copyright 2017 Dien Vien Viet Nam. All rights reserved.
Powered by Nilead
Hotline: 0338 179 168
Website hiện đang trong quá trình chờ cấp phép.