Ồn ào đạo nhạc liên quan đến ca khúc Chúng ta của hiện tại của Sơn Tùng M-TP đã khép lại theo cách ít ai ngờ. Producer GC - người đã khiếu nại Chúng ta của hiện tại vi phạm bản quyền - dừng mọi động thái, thậm chí còn bày tỏ mong muốn được hợp tác với giọng ca gốc Thái Bình trong tương lại. Về phía MTP Entertainment, bài đăng trên fanpage của công ty này gọi GC là người bạn mới.
MV Chúng ta của hiện tại đã được khôi phục trở lại sau chỉ một ngày bị ẩn. So với những lùm xùm âm nhạc khác, vụ việc này kết thúc nhanh một cách chóng vánh. Sơn Tùng M-TP vẫn chọn cách im lặng như ứng xử thường thấy của mình. Và câu hỏi Chúng ta của hiện tại có thực sự đạo nhạc hay không cũng khó đi đến kết luận. Vấn đề còn lại chỉ là đạo nhạc ở showbiz vẫn luôn là chủ đề nóng hổi, dễ thành tâm điểm của dư luận.
Trong những năm gần đây, thị trường nhạc Việt thường xuyên ồn ào liên quan đến chuyện đạo nhạc hay vay mượn ý tưởng. Năm 2020, nhạc Việt có bốn sự vụ xoay quanh vấn đề này. Đầu năm là Châu Đăng Khoa bị tố đạo nhạc trong ca khúc Chân ái do Orange thể hiện. Cụ thể, khi kiểm tra beat Chân ái (đã được công ty của Châu Đăng Khoa đăng tải trên kênh riêng) trên một ứng dụng tìm kiếm âm nhạc, kết quả cho ra Lier của tài khoản Elem3ntz được đăng tải vào tháng 6/2019.
Tuy nhiên, Addy Trần - producer tham gia sản xuất ca khúc Chân ái sau đó khẳng định sáng tác của Châu Đăng Khoa cùng một beat với Lier của Elem3ntz. Thực tế, Châu Đăng Khoa đã dành 600 USD để mua độc quyền bản beat để tránh rắc rối bản quyền về sau.
Ồn ào thứ hai là Phạm Hồng Phước bị tố đạo nhạc Hàn. Cụ thể, giai điệu của Mọi người che mặt sống bị cho là giống Apple is A của nhóm nhạc nữ T-ara đã phát hành 11 năm trước. Phạm Hồng Phước sau đó phải dẫn chứng về kết cấu giai điệu nhằm chứng minh ca khúc của mình không sao chép.
Vụ thứ ba là Bức bình phong của Trịnh Thăng Bình vướng ồn ào đạo nhái ca khúc Sứ thanh hoa của Châu Kiệt Luân. Trịnh Thăng Bình phản hồi hai ca khúc cùng một tông nhưng hoàn toàn khác nhau về giai điệu và nốt nhạc. Nam ca sĩ kiêm nhạc sĩ cho biết nói anh đạo nhạc là không có căn cứ.
K-ICM năm qua cùng vướng ồn ào đạo nhạc. Ca khúc Một chiều mưa bất ngờ do Ryo thể hiện bị nhận xét là giống với Don’t Leave của nhóm T-ara. Nam producer sau đó đưa ra những phân tích để khẳng định ca khúc không đạo.
Nếu năm 2020 chỉ có 4 sự vụ liên quan đến chủ đề đạo nhạc thì năm 2019 con số là 6. Đầu năm là Châu Đăng Khoa với Tình nhân ơi dù vụ này sau đó thực tế là Châu Đăng Khoa tự tung để PR bẩn. Tiếp đến là việc Min dính nghi án vay mượn And One (TaeYeon) cho Đừng yêu nữa em mệt rồi và Impossible của nữ ca sĩ Shontelle cho Vì yêu cứ đâm đầu. Cần Xa của Hiền Hồ bị nhận xét là giống Gashina (Sunmi). Ai rồi cũng sẽ khác (Quang Hà) giống Day By Day (T-ara) đến 90% theo ý kiến của nhiều người. Cuối cùng là Em là kẻ nói dối bị tố sao chép điệp khúc If (TaeYeon).
Rất nhiều nghệ sĩ Việt đã vướng vào ồn ào đạo nhạc theo những cách khác nhau, với những ứng xử khác nhau. Không ít nghệ sĩ nổi tiếng, có những bản hit vướng vào đạo nhạc và cũng có cả những nghệ sĩ underground, những rapper vướng vào lùm xùm vay mượn.
Tuy nhiên, nhìn vào lịch sử nhạc Việt, điều dễ nhận thấy nhất là dù đạo nhạc dễ thành chủ đề lùm xùm, nghệ sĩ dễ bị dư luận chỉ trích nhưng mức độ ảnh hưởng đến nghề nghiệp không còn mạnh mẽ như trước. Cách đây 17 năm, một nhạc sĩ Việt gần như “thân bại danh liệt” khi vướng vào ồn ào đạo nhái.
Nhưng đó là câu chuyện của 17 năm trước. Những năm gần đây, lùm xùm đạo nhạc xuất hiện nhiều hơn nhưng nghịch lý là chỉ tạo ra những cuộc tranh cãi không hồi kết, rất khó đi đến một kết luận cụ thể. Mặt khác, gần như không ai nhận mình đạo nhạc.
Về vấn đề đạo nhạc, SlimV từng có những phân tích rất xác đáng. Đầu tiên phải khẳng định việc sử dụng chung một vòng hòa âm hay dùng một beat trên mạng để làm điểm tựa viết ca khúc của mình là việc làm không sai trái.
Thực tế, có nhiều bài hát nổi tiếng trên thế giới cùng sử dụng vòng hòa âm giống nhau. Ví dụ Numb - Linkin Park (rock), Apologize (R&B), Love the way you lie (Hiphop), Đừng yêu - Thu Minh (Vpop - ballad).
Câu hỏi đặt ra là tại sao mỗi người không viết ra một vòng hòa thanh mới? SlimV trả lời rằng: “Bởi vì mỗi điệu thức thành lập được 7 hợp âm trong hệ thống, 7 hợp âm này cũng có quy luật di chuyển, và trong âm nhạc thì từ đúng luật đến hay là cả một khoảng cách rất lớn. Beautiful girl (Sean Kingston) và Stand by me beat giống nhau nhưng hai bài hát khác nhau”.
Người được xếp vào nhóm “phù thủy nhạc Việt” cũng chỉ ra rằng trí nhớ của con người hoạt động theo pattern (khuôn mẫu). Âm nhạc hiện đại sử dụng lối viết chu kỳ ngắn lặp đi lặp lại để khiến bài hát dễ nhớ (catchy - dễ nắm bắt).
Và chính lối viết nhạc này cộng với việc sử dụng chung một vòng hòa âm (giai điệu khi viết ra phải dựa vào hòa âm) khiến cho các sản phẩm âm nhạc ngày nay rất dễ bị giống nhau. Nếu chẳng may giống nhau 1 chu kỳ 4 nhịp thì đồng nghĩa với việc cả đoạn giống nhau do chu kỳ đó được lặp đi lặp lại.
“Vì vậy để phân tích có hay không sự ‘cố tình’ cần phải xem xét và phân tích thật kỹ cả giai điệu lẫn hòa âm. Những trường hợp nhạc không viết theo lối chu kỳ mà lại có sự giống nhau liên tiếp, dễ dàng thấy được sự cố ý, thì có thể khẳng định việc đạo nhạc”, SlimV kết luận.
Nhiều chuyên gia đồng tình rằng chỉ có 7 nốt nhạc cơ bản, ảnh hưởng và học hỏi từ người đi trước là cần thiết và khó tránh, không vì thấy một chút giống là kết luận đạo nhạc theo cách nặng nề. Tuy nhiên, một nhạc sĩ tài năng cần phải tạo ra những sản phẩm riêng biệt. Đồng nghĩa, người sáng tác luôn phải chủ động tránh đạo nhạc hoặc vô tình để sáng tác của mình giống với các sáng tác đã có trước đó.
Về vấn đề này, nhạc sĩ Đỗ Hiếu đã chia sẻ rằng anh cũng là một người tạo beat và có nhiều ca khúc viết trên beat cùng vòng hòa thanh nhạc ngoại.
“Tôi luôn nghe và cập nhật thật nhiều, so sánh từng chi tiết giữa các bài hát mà mình biết và cố gắng làm sao để không có bất kỳ lỗi nhỏ xảy ra. Tôi cũng nghiên cứu về kỹ thuật họ ra sound (chất liệu âm thanh), kết cấu bài hát, tiết tấu, cách hình thành chuyển biến giai điệu. Và nếu có sự trùng hợp quá nhiều, tôi buộc lòng phải bỏ sản phẩm đó và làm lại melody hoặc bản phối”, anh khẳng định.
Có một thực tế là ngoài vấn đề đạo nhạc hoặc vay mượn, ảnh hưởng, hiện nay nhạc Việt cũng tồn tại việc mua beat ngoại để sáng tác. Trường hợp Chân ái của Châu Đăng Khoa thuộc về nhóm này.
Nhiều nhạc sĩ, chuyên gia cũng đồng tình mua beat là việc làm không sai trái, phổ biến ở nhiều thị trường âm nhạc. Đó cũng là cách làm nhằm chuyên biệt hóa trên thị trường khi mỗi người có năng khiếu, thế mạnh khác nhau.
Song, như nhạc sĩ Đỗ Hiếu từng nói, anh vẫn đánh giá cao sự mới mẻ sáng tạo hơn. “Thật ra mua beat để làm thành hit, theo luật là chấp nhận được, không bị cấm nếu đã mua hợp pháp. Nhưng đối với bản thân tôi thì tôi vẫn thích những gì mới mẻ và sáng tạo dù có học hỏi âm nhạc nước bạn. Và tôi cũng mong tất cả các nhạc sĩ khác cũng có cùng suy nghĩ này để tạo nên một nền âm nhạc Việt Nam văn minh đẳng cấp nhưng ít sao chép nhất có thể”, anh nói.
Theo: Zing.vn