Điện ảnh Việt thay đổi ra sao trong một thập kỷ qua?

By dvvn thg 1 06, 2020
Trong 10 năm qua, điện ảnh nước nhà đã có nhiều bước phát triển và thay đổi, đặc biệt về mặt doanh thu phòng vé.

Phát triển cả về số lượng lẫn doanh thu: Năm 2010 chính là bước khởi đầu cho sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh nước nhà. Lúc ấy, số lượng phim Việt vẫn chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nhưng đã có một số tác phẩm được đầu tư cả về nội dung lẫn chất lượng như Cánh đồng bất tận, Giao lộ định mệnh hay Để Mai tính. Các bộ phim kể trên đều được khán giả đón nhận và đạt doanh thu tốt.


Từ đây, số lượng phim Việt tăng đều qua từng năm và vượt mốc 40 tác phẩm vào năm 2019. Doanh thu phòng vé theo đó cũng có sự phát triển mạnh mẽ. Từ hơn 18 tỷ đồng của Để Mai tính, Để Mai tính 2 (2014) xác lập kỷ lục khi lần đầu tiên điện ảnh nước nhà có phim cán mốc 100 tỷ đồng. Danh hiệu phim Việt ăn khách nhất liên tục bị phá vỡ trong năm 2019 khi Cua lại vợ bầu đạt 191,8 tỷ đồng trong dịp Tết Nguyên đán, còn Hai Phượng thu 200 tỷ đồng từ cả trong và ngoài nước.


Những thế hệ “ông hoàng phòng vé”: Trong suốt một thập kỷ qua, dòng phim hài luôn là “mỏ vàng” của các nhà sản xuất. Theo đó, hai “ông hoàng phòng vé” một thời chính là Thái Hòa và Hoài Linh. Ghi dấu ấn từ Để Mai tính, Thái Hòa được đôn lên đóng chính trong Để Mai tính 2 và giúp phim thành công vang dội. Anh còn góp mặt trong hàng loạt tác phẩm ăn khách như Long Ruồi (2011), Tèo Em (2013) hay Quả tim máu. Song, thất bại của Fan cuồng (2016) và Vệ sĩ Sài Gòn (2016) khiến tên tuổi nam diễn viên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Năm 2018, Thái Hòa trở lại trong Chàng vợ của emHồn papa, da con gái. Song, không có phim nào đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng.


Vốn nổi tiếng từ những chương trình hài hải ngoại, Hoài Linh nhanh chóng trở thành cái tên hàng đầu của điện ảnh Việt những năm đầu thập niên 2010. Anh góp mặt từ 3-5 phim mỗi năm, đặc biệt là dịp Tết. Có những lúc tác phẩm nào có mặt danh hài là sẽ bội thu, bất chấp chất lượng. Nhưng cũng vì phủ sóng quá dày nên Hoài Linh dần không còn đặc biệt nữa. Đồng thời, người xem cũng tiếp cận với phim ngoại nhiều hơn nên sẵn sàng tẩy chay những tác phẩm thuộc hàng “thảm họa”. Gần nhất, Đích tôn độc đắc (2018) thất bại thảm hại. Danh hiệu “ông hoàng phòng vé” nay như được chuyển giao cho Trấn Thành và Trường Giang.


Phim hành động có dấu hiệu hồi sinh: Kể từ khi bộ ba Charlie Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn và Dustin Nguyễn về nước, điện ảnh Việt mới có những tác phẩm hành động đúng nghĩa với Dòng máu anh hùng (2007) hay Bẫy rồng (2009). Nhưng với việc Bụi đời Chợ Lớn (2013) bị cấm ra rạp, cộng thêm thất bại phòng vé của Lửa Phật (2013), thể loại bắt đầu chùng xuống.

Những bộ phim như Hương Ga (2014), Truy sát (2015) hay Găng tay đỏ (2016) không đủ sức nặng khi có chất lượng chỉ ở mức trung bình. Tuy nhiên, Hai Phượng (2019) của Ngô Thanh Vân chính là cái tên đã giúp phim hành động Việt hồi sinh. Những cảnh chiến đấu chất lượng giúp bộ phim phá vỡ hàng loạt kỷ lục phòng vé. Dự kiến, phần phim ngoại truyện của Hai Phượng sẽ ra rạp vào năm sau với tựa đề Thanh Sói.


Sự bùng nổ rồi lụi tàn của dòng phim remake: Em là bà nội của anh (2015) là tác phẩm gây tiếng vang cho dòng phim remake ở Việt Nam. Nhờ kịch bản gốc Miss Granny (2014) nổi tiếng của Hàn Quốc, phim thành công vang dội tại phòng vé và nhanh chóng thu hơn 100 tỷ đồng.


Chiến thắng ấy giúp dòng phim remake bùng nổ mạnh mẽ và đạt tới cực điểm vào năm 2018 với 8 tác phẩm gồm Tháng năm rực rỡ, Ông ngoại tuổi 30, Yêu em bất chấp, 100 ngày bên em, Hồn papa da con gái, Kế hoạch đổi chồngTìm vợ cho bà. Tuy nhiên, đa số lại kém chất lượng hoặc thất thu khiến đội ngũ nhà sản xuất trở nên e dè hơn. Trong năm 2019, khán giả chỉ còn thấy hai phim remake là Vô gian đạoAnh trai yêu quái.


Phim chuyển thể ngày càng được ưa chuộng: Dòng phim chuyển thể của Việt Nam thực tế đã manh nha từ năm 2010 với Cánh đồng bất tận dựa trên truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư. Nhưng ở thời điểm này, các tác phẩm thường bị gán mác nghệ thuật hoặc khó xem với khán giả đại chúng. Lần lượt Thiên mệnh anh hùng (2012), Dịu dàng (2014) hay Quyên (2015) đều không đạt doanh thu như kỳ vọng.


Nhưng Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015) đã thay đổi tất cả khi kiếm về hơn 77 tỷ đồng. Từ đây, các tác phẩm chuyển thể văn học của Việt Nam bắt đầu được ưa chuộng hơn. Bằng chứng là Cô gái đến từ hôm qua đạt doanh thu 70 tỷ đồng, còn Mắt biếc cũng mới vượt qua cột mốc 100 tỷ đồng. Sắp tới, bộ truyện tranh nổi tiếng Thần đồng đất Việt sẽ bước lên màn ảnh rộng với tựa đề Trạng Tí (2020).


Hình ảnh người đồng tính dần trở nên văn minh hơn: Nhân vật má mì do Anh Vũ thủ vai trong Gái nhảy (2003) đã đặt ra mô-típ chung cho người đồng tính trên màn ảnh Việt là đanh đá, đồng bóng, lòe loẹt và mê trai một cách ngu muội. Từ Để Mai tính cho đến Âm mưu giày gót nhọn (2013) hay Xóm trọ 3D (2017) đều đi theo công thức trên. Bên cạnh đó, người đồng tính cũng gắn liền với hình ảnh bi kịch, gợi dục và lệch lạc như trong Cảm ứng hoàn hảo (2011), loạt Hot boy nổi loạn, Nàng men chàng bóng (2014)…


Sau thời gian dài bị đem ra để “mua vui”, hình ảnh cộng đồng LGBT cuối cùng cũng trở nên văn minh hơn trong năm cuối cùng của thập kỷ với Ngôi nhà bươm bướmThưa mẹ con đi. Hay như năm 2018, Song Lang cũng nhận được nhiều lời khen ngợi từ báo chí, dù vất vả thu hút khán giả tại phòng vé.


Đề tài ngày một đa dạng, nhưng chất lượng vẫn là điều đáng bàn: 10 năm qua, các nhà làm phim Việt không ngừng tìm tòi và khai thác những đề tài mới lạ. Về mặt trái của showbiz có hàng loạt tác phẩm như Scandal: Bí mật thảm đỏ, Ở đây có nắng (2018) hay Hoa hậu giang hồ (2019). Phim về dòng nhạc underground có Yolo - Bạn chỉ sống một lần (2019). Song lang (2018) tôn vinh giá trị nghệ thuật cải lượng. Thể loại siêu anh hùng có Siêu nhân X (2015), Lôi Báo (2017). Cô ba Sài Gòn (2017) là phim du hành thời gian. Tấm Cám: Chuyện chưa kể (2016) và Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh Kungfu (2017) làm mới cổ tích Việt…


Tuy nhiên, chất lượng điện ảnh vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi. Nhìn vào danh sách những tác phẩm Việt vượt mốc 100 tỷ đồng, có thể thấy Trạng QuỳnhCua lại vợ bầu chỉ có nội dung ở mức trung bình, hay Siêu sao siêu ngố (2018) là chiếc áo “quá khổ” của Trường Giang với nhiều mảng miếng hài cũ kỹ. Có thể thấy, kịch bản vẫn là điểm yếu cố hữu của điện ảnh Việt trước thềm thập kỷ mới.


Theo: Zing.vn


© Copyright 2017 Dien Vien Viet Nam. All rights reserved.
Powered by Nilead
Hotline: 0338 179 168
Website hiện đang trong quá trình chờ cấp phép.