Hai năm qua là quãng thời gian khó khăn đối với sân khấu kịch. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sân khấu nhiều lần đóng cửa, diễn viên trẻ thất nghiệp.
Để trang trải cuộc sống, nhiều người trong số họ phải xoay xở bằng việc chạy xe ôm công nghệ, bán hàng online. Thậm chí, có diễn viên không chịu nổi áp lực cơm, áo, gạo, tiền tại TP.HCM đã chấp nhận bỏ nghề, về quê kiếm việc làm.
Bùi Quang Hòa từng là diễn viên tại sân khấu Superbowl của nghệ sĩ Hồng Vân. Năm 2019, sân khấu chính thức đóng cửa sau 14 năm. Sau đó, anh chuyển sang hoạt động một thời gian ngắn ở sân khấu Phú Nhuận. Song song với đó, anh chạy xe ôm công nghệ để mưu sinh qua ngày.
Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, Quang Hòa quyết định bỏ nghề, về quê tìm việc làm. Thời gian qua, anh kinh doanh cửa hàng đồ ăn với gia đình tại quê nhà An Giang.
“Dịch Covid-19 kéo đến khiến cuộc sống của tôi lâm vào bế tắc. Cuối cùng, tôi về quê kiếm việc làm. Dù nhớ sân khấu và các đồng nghiệp, tôi cũng khó có thể quay lại sàn diễn được nữa. Bây giờ các diễn viên của Superbowl cũng chỉ còn lại vài người theo đuổi nghề”, Quang Hòa nói.
Sân khấu đóng cửa vì dịch bệnh, diễn viên Thanh Tuấn (hoạt động ở sân khấu kịch 5B) cho biết anh chuyển sang chạy xe ôm công nghệ. Trước đó, anh còn làm nhân viên tại một nhà hàng.
Hàng ngày, anh bắt đầu công việc từ lúc 6h sáng đến 14h. Sau đó, Thanh Tuấn về nhà trọ nghỉ ngơi và chạy xe ôm ca tối từ 17h đến 22h.
“Dịch bệnh bùng phát nên số lượng người thất nghiệp ngày càng gia tăng. Họ đổ xô đi làm xe ôm công nghệ. Vì thế, các cuốc xe của tôi giảm dần. Mỗi ngày, nếu chạy hết mức, thu nhập của tôi vào khoảng 300.000 đồng, trừ các khoản xăng, phụ phí khác”, Thanh Tuấn cho biết.
Nam diễn viên cho biết công việc tài xế xe ôm rất vất vả, phải dãi nắng dầm mưa và nguy hiểm giữa thời dịch. Tuy nhiên, để trang trải cuộc sống, anh chấp nhận tất cả. Nam diễn viên kể hoàn cảnh gia đình anh khó khăn. Vì thế, hơn một năm qua, anh không nhận trợ cấp từ cha mẹ mà tự xoay xở.
“Tôi đang thuê nhà trọ, ở chung với một người bạn tại quận 7. Hàng tháng, hai đứa chia nhau tiền thuê trọ khoảng 4 triệu đồng. Tôi cũng tự kiếm tiền để trả học phí tại Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM”, anh nói.
Nam sinh quê Tiền Giang trải lòng việc theo nghề diễn ở sân khấu giúp anh nuôi dưỡng đam mê. Mong muốn lớn nhất của Thanh Tuấn là sau khi kết thúc việc học ở trường, anh tiếp tục được theo đuổi nghề diễn và thu nhập đủ sống.
Đồng cảnh ngộ, diễn viên Kim Đào cho biết thời gian qua, chị bán hàng online để mưu sinh. Các mặt hàng của Kim Đào chủ yếu là đồ ăn như cơm cháy, bún chả giò, khô cá sặc…
“Trước đây, mỗi tháng tôi bán được khoảng 6-7 triệu đồng. Ngoài việc diễn ở sân khấu, tôi đi quay show, tham gia phim truyền hình để tăng thêm thu nhập. Cuộc sống hai mẹ con cũng tạm ổn”, chị kể.
Khi dịch bùng phát, doanh thu bán hàng của chị sụt giảm. “Trải qua nhiều đợt dịch, tâm lý của mọi người cũng thay đổi. Họ gói ghém, tằn tiện hơn để tiết kiệm tiền. Có ngày, tôi chỉ bán được 10 đơn hàng, thậm chí ít hơn”, diễn viên 30 tuổi cho biết.
Hiện, Kim Đào sống chung với con trong căn nhà trọ tại quận Bình Thạnh. Ngoài ra, chị phải dành dụm tiền, gửi về nuôi dưỡng mẹ già ở quê.
“Nếu chỉ trông chờ vào thu nhập từ sân khấu, sẽ không bao giờ đủ để tôi trang trải cuộc sống. Một đêm diễn ở sân khấu, cát-xê khoảng 400.000 đồng. Tiền quần áo tôi mua chuẩn bị cho vai diễn nhiều khi gấp 3-4 lần cát-xê. Nhưng mình vẫn đi diễn ở sân khấu vì muốn gặp gỡ đồng nghiệp và thỏa đam mê bản thân”, Kim Đào tâm sự.
Diễn viên Hải Triều chia sẻ từ khi sân khấu đóng cửa vì dịch bệnh, anh hầu như ở nhà, không ra ngoài. Thu nhập của nam diễn viên bị giảm sút. Để trang trải cuộc sống và chi trả tiền thuê nhà, anh nhận livestream bán hàng.
Thời gian rảnh trong ngày, anh vào bếp nấu các món ăn, tập thể dục để giữ sức khỏe. "Hàng tháng, cha mẹ tôi cũng gửi đồ ăn từ dưới quê lên. Nói chung ở thời điểm này, tôi cố gắng tiết kiệm hết mức có thể. Một số đồng nghiệp cũng hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi cần. Bây giờ tôi chỉ mong hết dịch Covid-19 để đi làm trở lại", Hải Triều bày tỏ.
Trước thực trạng diễn viên sân khấu chật vật mưu sinh giữa thời dịch, nghệ sĩ Trịnh Kim Chi – Phó chủ tịch hội Sân khấu TP.HCM – cho biết chị buồn và thương cho đàn em nhưng chưa tìm ra phương cách giúp đỡ.
“Các sân khấu ở phía Bắc hoạt động theo cơ chế Nhà nước, có thể tạm ứng kinh phí để giúp đỡ diễn viên. Còn sân khấu tại TP.HCM đều tự thu, tự chi. Diễn viên sân khấu chỉ nhận cát-xê cho từng đêm diễn. Vì thế, cuộc sống của họ khó khăn khi sân khấu đóng cửa”, diễn viên Trịnh Kim Chi cho hay.
Theo Phó chủ tịch hội Sân khấu TP.HCM, hàng năm hội thường trích kinh phí giúp đỡ 7 sân khấu xã hội hóa, mỗi nơi 20 triệu đồng. Ban Ái hữu của hội cũng vận động mạnh thường quân để giúp đỡ các nghệ sĩ già neo đơn vào dịp lễ Tết.
“Để giải quyết ngay và luôn tình trạng các diễn viên sân khấu khó khăn vì dịch thì chưa có giải pháp nào. Hội Sân khấu cũng không có nguồn thu hàng năm. Bản thân tôi là người đứng đầu của một sân khấu kịch tại TP.HCM cũng rất thương các diễn viên, học viên. Tôi chỉ giúp được một số em quá khó khăn chứ không thể cưu mang hết”, Trịnh Kim Chi cho hay.
Theo: Zing.vn