Khi tập 351 của Vợ chồng son bị phản ứng vì cặp đôi chênh lệch 20 tuổi thản nhiên chia sẻ chuyện giường chiếu và hành trình từ bố con nuôi trở thành vợ chồng, trên mạng, một khán giả bình luận: “Tại sao những nội dung như vậy có thể lên sóng truyền hình? Không chấp nhận được”.
Nhưng thực tế, toàn bộ những chia sẻ bị cho là phản cảm, không thích hợp để công khai của cặp đôi này khi lên sóng truyền hình đã bị cắt bỏ. Nội dung khiến dư luận phản ứng thực tế đến từ bản đầy đủ được nhà sản xuất đăng trên mạng.
Trong sự bùng nổ kéo dài của game show suốt nhiều năm, không ít chương trình truyền hình Việt được mua bản quyền từ format từ nước ngoài. Nhưng trong khi Mỹ, Nhật, Hàn rất hạn chế, thậm chí không đăng full show (bản trọn vẹn) trên YouTube sau khi phát trên truyền hình, phần lớn game show Việt lại có cách làm ngược lại.
Phần lớn game show hiện nay vừa phát truyền hình vừa đăng trên mạng như Gương mặt thân quen, Chạy đi chờ chi, Người ấy là ai, Vợ chồng son, Bạn muốn hẹn hò, Nhanh như chớp… Đồng nghĩa, khán giả có thể dễ dàng xem full mà không cần phải nhờ đến truyền hình hay truy cập website riêng của nhà sản xuất.
Đáng nói, bản trên YouTube của nhiều game show thậm chí còn có thời lượng dài hơn bản truyền hình, với những nội dung mà trên sóng truyền hình không có. Tập 351 của Vợ chồng son chỉ là một ví dụ, gần như mọi số của chương trình này đều có bản trên mạng dài hơn bản truyền hình.
Thực tế này trở thành tiền đề cho những tranh cãi. Bởi lẽ, nhiều nội dung vốn nhạy cảm, quá đà đã bị nhà đài cắt đi hoặc biên tập nhưng lại được các nhà sản xuất đăng tải trọn vẹn trên mạng, dẫn đến lổ hổng nội dung.
Talk show Giải mã kỳ tài tập 4 mùa 2 mới đây là một ví dụ khác. Nếu phiên bản truyền hình chỉ kéo dài 26 phút, bản được đăng tải trên kênh riêng của nhà sản xuất lại dài tới hơn 37 phút. Như vậy, nội dung chênh lệnh của hai bản là 11 phút.
Cũng ở bản trên mạng của tập 4 Giải mã kỳ tài, phát ngôn của Trang Trần trong cuộc “khẩu chiến” với tiến sĩ Lê Thẩm Dương gây tranh cãi trên mạng. Nhiều ý kiến cho rằng phát ngôn của Trang Trần không phù hợp, thô và mang tính chất “chợ búa”. Đáng nói, bản lên sóng truyền hình trước đó, những từ ngữ quá đà này đã bị cắt.
Không thể phủ nhận trong cuộc chiến rating, game show truyền hình cũng có không ít scandal, chiêu trò bị khán giả phản ứng. Song, nói như ngôn ngữ của dân trong nghề, với thực trạng phát truyền hình một đằng, đăng trên mạng một nẻo, nhiều khi “truyền hình cũng bị oan”.
Nếu vừa phát truyền hình vừa đăng trên mạng là thực tế của hầu hết game show hiện nay, thì lại có một thực tế khác là những năm gần đây nhiều game show thậm chí chỉ được nhà sản xuất đăng trên mạng thay vì kết hợp với các nhà đài để phát sóng.
Cách đây 2 năm, Dare Pong là một trong những chương trình nhận nhiều tai tiếng. Chương trình này được Việt hóa từ phiên bản Fear Pong của Mỹ. Game show này chỉ đăng trên kênh riêng của nhà sản xuất thay vì phát truyền hình.
Song ngay từ khi đăng tải những tập đầu tiên, chương trình đã nhận phản ứng của dư luận vì nhiều hình ảnh, hành động bị cho là phản cảm.
Trong đó, đáng kể nhất là trong một tập của Dare Pong có diễn viên tự do Yến Hana và chàng trai tên Kin. Nhân vật nữ chấp nhận thử thách “để đối phương lột đồ của bạn bằng răng, chỉ chừa lại đồ lót”. Toàn bộ quá trình lột đồ diễn ra trước ống kính và Yến Hana phải mặc đồ lót đến hết tập.
Trong một tập khác, hot girl Sơn Ca để bạn chơi cởi áo, sau đó dùng bông tắm lau khắp cơ thể, không trừ chỗ nhạy cảm. Ngoài ra, hai người chơi còn thực hiện ăn kem trên bàn chân đối phương, ôm nhau trên ghế một phút... cùng nhiều hành động phản cảm khác.
Chương trình này còn nhiều số khác khai thác câu chuyện giới tính, quan hệ tình dục, ăn thức ăn trên người… Người chơi không ngại chấp nhận những thử thách đụng chạm.
Một chương trình khác cũng từng được đăng tải trên mạng thay vì phát sóng truyền hình là Date & Kiss. Thay vì chuyện trò, người chơi tìm hiểu bằng cách hôn nhau. Cảnh hôn được máy quay bắt cận táo bạo.
Cả hai vòng trong mỗi tập của chương trình này đều có những cảnh hôn. Cùng với hôn, thậm chí có cả những động chạm cơ thể nhạy cảm. Trong một tập, người chơi được dùng rượu để tăng sự kích thích trong thử thách phòng tối.
Dù cả Dare Pong lẫn Date & Kiss đều đã dừng sản xuất sau khi nhận chỉ trích từ dư luận. Nhưng những hình thức kiểu như Dare Pong vẫn đang tồn tại ở một số chương trình, thử thách trên mạng.
Trong khi, những game show chỉ đăng trên mạng thay vì phát sóng truyền hình để tránh bị cắt và biên tập, tiếp tục nối dài.
Sau Dare Pong, Date & Kiss (Hẹn hò và hôn), Love Game (Trò chơi tình yêu), Vitamin Girl - Rút gạch xây tổ ấm… nhiều game show, talk show khác nở rộ trên mạng và không lên sóng truyền hình. Trong đó, ưu thế hơn cả là các game show về tình yêu, giới tính.
Một trong những chương trình có thể kể đến là Come out - Bước ra ánh sáng. Chương trình truyền tải những câu chuyện về quá trình bộc lộ bản thân của người đồng tính để gia đình, người thân chấp nhận. Đó cũng là nơi để họ chia sẻ về những khoảnh khắc, kỷ niệm đẹp trong tình yêu của mình. Chương trình định kỳ 1 số/tuần và đã có gần 90 tập.
Chương trình được nhiều khán giả đánh giá là ý nghĩa. Song, do không phải trải qua khâu biên tập, kiểm duyệt như các talk show trên truyền hình, nhiều số của chương trình cũng có những chia sẻ quá đà, nhạy cảm.
Đơn cử như một tập đăng tải cách đây không lâu MC của Come out về thăm cửa hàng của nhân vật trong cộng đồng LGBT. Nhân vật hướng dẫn MC cách làm gỏi. Một trong những công đoạn của món là giã đu đủ. Nhân vật liên tục nói với MC: “Anh phải * mạnh lên, phải * như này này, nhát nào ra nhát đấy”.
Nhiều game show khác dành cho cộng đồng LGBT như Just Love, Sống thật... cũng được đăng tải trên mạng. Nhưng đôi khi những giá trị truyền cảm hứng, gây xúc động lại ít hơn những tình huống gây cười, chia sẻ suồng sã, thiếu văn minh.
Một số chương trình thậm chí khiến chính người những người đấu tranh cho quyền của cộng đồng LGBT cảm thấy lăn tăn, rằng họ có đang bị lợi dụng trong cuộc chiến về lượt xem trên mạng hay không.
Theo: Zing.vn