Dàn giám khảo gameshow Gương mặt thân quen 2018.
Gương mặt thân quen từng là một gameshow đình đám trên sóng VTV với giá quảng cáo lên đến 370 triệu đồng/30s (2014) và 350 triệu đồng/30s (2016). Tuy nhiên, từ năm 2017, giá quảng cáo của chương trình chỉ còn 250 triệu đồng/30s và đến 2018 là 200 triệu đồng/30s.
Đây được cho là mức giảm sút lớn nhất của một gameshow. Đối với "Gương mặt thân quen", việc rơi giá từ 370 triệu đồng xuống còn 200 triệu đồng được ví như “đỉnh cao” và “vực sâu”.
Vì sao một gameshow vàng lại có thể rớt giá thảm hại như vậy? Việc cố giữ một chương trình hết thời, VTV có đang vô tình xả rác trên sóng truyền hình?
Không phải cứ cãi nhau là hay
Có lẽ sau 6 mùa phát sóng và việc thay đổi dàn giám khảo cũ buộc nhà sản xuất chương trình phải đưa ra kịch bản là buộc các giám khảo phải cãi nhau.
Dù đã cố gắng lựa chọn dàn nghệ sĩ hot, "Gương mặt thân quen" vẫn không tránh được cơn thoái trào.
Giám khảo của bất cứ một chương trình nào cũng bị giao vai. Có người sắc sảo thì phải có người hiền lành, người thẳng thắn phải được đặt bên cạnh người tinh tế. Nói tóm lại, để một chương trình hấp dẫn, dàn giám khảo phải đưa ra được các tình huống kịch tính. Và vì thế, việc cãi nhau bỗng trở nên bị họ lạm dụng. Nhưng không phải ai cãi nhau cũng hay được. Nếu kém duyên, việc cãi nhau chỉ mang lại cảm giác khó chịu, phản cảm trên sóng truyền hình.
Chưa kể đến, những bất đồng kéo dài triền miên của dàn giám khảo đã gây nên sự hoang mang của cả thí sinh lẫn khán giả. Một người khen hết lời và một người chê hết lời khiến người xem không hiểu tiết mục đó có thực sự thành công hay không.
Năm 2014, ở thời điểm đỉnh cao, giá quảng cáo trên "Gương mặt thân quen" là 350 triệu đồng/30s, cao nhất trên sóng VTV, vượt qua cả báo giá trước đó của World Cup 2014
Khác với những gameshow khác, chỉ nóng được mỗi mùa đầu, "Gương mặt thân quen" đã giữ được phong độ trong vòng nhiều năm.
Tuy nhiên năm nay, "Gương mặt thân quen" cũng rớt giá thảm hại.
Thời của bão hòa gameshow
Câu hỏi dồn về phía dàn giám khảo dù họ đều là những người rất thành công trong lĩnh vực của mình. Đàm Vĩnh Hưng, Quang Linh hay Kim Oanh, họ đều là những nghệ sĩ rất được yêu mến.
Khi những cái tên này được công bố thay thế Hoài Linh, Đức Huy, Mỹ Linh, không ít người nghi ngại khả năng bùng nổ của họ. Sự quen thuộc của bộ ba này đã trở thành “gương mặt thân quen” và là một phần biểu tượng của chương trình.
Cuối cùng, những nỗ lực khuấy động của Mr Đàm vẫn không khỏa lấp hết được sự già nua, thâm trầm quá đỗi của Quang Linh hay những màn nhận xét gây quá nhiều bất đồng của Kim Oanh.
Thế nhưng, công bằng mà nói, giám khảo và thí sinh không phải là tất cả nguyên nhân. Việc "Gương mặt thân quen" giảm sức hút còn được cho là xuất phát từ việc game show này đã có tới 6 mùa lên sóng liên tiếp.
Khan hiếm thí sinh xuất chúng cũng là lí do khiến sức hấp dẫn của "Gương mặt thân quen" bị giảm sút.
Trong bối cảnh truyền hình thực tế đã bão hòa như hiện nay, một gameshow có tuổi đời khó có thể duy trì được sức nóng như những mùa đầu tiên.
Cũng giống như việc các nhà sản xuất từng lạm dụng sức nóng của bolero để ồ ạt tung ra các chương trình về dòng nhạc này. Đến mức, công chúng bị đẩy vào cơn bội thực.
Gameshow về bolero cũng phải đi đến hồi kết.
Theo các chuyên gia truyền thông, gameshow của VTV và các nhà đài nói chung hiện đều rơi vào một bi kịch giống nhau. Đó là sự khan hiếm thí sinh tài năng, giám khảo không thú vị, format không có nhiều thay đổi. Nếu những yếu tố đó vẫn còn tồn tại thì khó có thể tạo nên một game show hấp dẫn.
Theo Lao Động