Giá quảng cáo game show tụt dốc vì đăng tràn lan trên mạng?

By dvvn thg 5 30, 2020
Game show Việt vẫn phủ sóng truyền hình, đặc biệt là sóng giờ vàng cuối tuần. Song, giá quảng cáo của nhiều game show có xu hướng giảm, thậm chí “tụt dốc không phanh”.

Vừa phát truyền hình vừa đăng tràn lan trên mạng đã trở thành thực tế, không chỉ của Vợ chồng son vốn đang gây tranh cãi, mà còn với phần lớn game show, chương trình thực tế Việt, từ ca nhạc, hài kịch đến tình yêu, hẹn hò.

Giới chuyên gia truyền hình, quảng cáo gọi thực trạng này là một hình thức “kiếm thêm” của nhà sản xuất. Nhưng cũng cảnh báo về “lỗ hổng” nội dung khi bản truyền hình lại khác bản trên mạng.

Cùng với đó, việc đa số game show đều được đăng tải lên mạng, thậm chí với bản đầy đủ hơn khi phát trên TV, cũng được cho là làm mất tính độc quyền của truyền hình và vô tình “tự giết” chính game show trên sóng giờ vàng.

Sự thay đổi của giá quảng cáo trên truyền hình những năm gần đây là những "con số biết nói" cho nhận định trên.


Ơn giời, cậu đây rồi là một trong những game show còn giữ được sức nóng hiện nay. Tập 1 mùa 7 của chương trình này được phát sóng trên VTV vào ngày 24/5 vừa qua, tức chủ nhật với giá quảng cáo niêm yết công khai là 200 triệu đồng cho TVC 30 giây ở mã giờ C16X. Với mức 10 giây, giá là 100 triệu đồng, trong khi mức 20 giây là 150 triệu đồng.

Như vậy, với 10 phút quảng cáo trong thời gian phát sóng chương trình, các doanh nghiệp, nhãn hàng phải trả cho nhà đài và nhà sản xuất khoảng 4 tỷ đồng. Đây cũng là mức giá của Ơn giời, cậu đây rồi mùa trước - 2019.

Nhưng nếu so với năm 2018, hai năm gần đây, giá quảng cáo của Ơn giời, cậu đây rồi giảm mạnh. Năm 2018, báo giá quảng cáo những tập đầu của Ơn giời, cậu đây rồi là 220 triệu đồng/30s trong thời gian phát sóng chương trình. Những tập cuối của mùa thứ 5, giá quảng cáo nhỉnh lên và đạt mức 280 triệu đồng/30s.

Như vậy, nếu so với cuối mùa năm 2018, báo giá quảng cáo của Ơn giời, cậu đây rồi năm nay đã giảm 80 triệu đồng/30s. Còn nếu so với những mùa đầu tiên từng gây bão mạng, giá quảng cáo của Ơn giời, cậu đây rồi 2019 và 2020 đang ở mức thấp nhất trong lịch sử chương trình này.

Cụ thể, ở mùa đầu tiên, Ơn giời, cậu đây rồi từng có giá quảng cáo lên tới 175 triệu đồng cho 10 giây, 210 triệu đồng cho 15 giây, 262 triệu đồng cho 20 giây và 350 triệu đồng cho 30 giây.

Như vậy mỗi phút quảng cáo trong chương trình Ơn giời, cậu đây rồi, nhà đài thu về khoảng 700 triệu đồng. Với 10 phút quảng cáo, chương trình thu được khoảng 7 tỷ đồng.

Những năm sau, Ơn giời, cậu đây rồi vẫn có giá quảng cáo ở mức cao. Đỉnh điểm là cuối năm 2016, VTV chào bán giá quảng cáo lên tới 370 triệu đồng cho 30 giây, tương đương với 740 triệu đồng cho một phút.

Mức giá này thậm chí còn cao hơn mùa đầu tiên.


Ơn giời, cậu đây rồi không phải là game show duy nhất giảm giá quảng cáo. Đây là thực trạng chung của hàng loạt game show truyền hình, trên nhiều kênh sóng, không riêng VTV.

Trời sinh một cặp mùa 4 lên sóng đầu năm nay, vào lúc 21h15, thứ bảy hàng tuần trên kênh VTV3. Đây cũng là khung giờ vàng đắt giá không kém tối chủ nhật.

Theo báo giá của Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam, giá quảng cáo ở khung C16.9 cho TVC 30 giây trong thời gian phát sóng Trời sinh một cặp là 180 triệu đồng. Mức 10 giây là 90 triệu đồng, còn mức 20 giây là 135 triệu đồng.

Mức giá này tương đương năm 2019, tức mùa 3 của Trời sinh một cặp nhưng thấp hơn nhiều những mùa trước đó. Đơn cử như Trời sinh một cặp năm 2018, khi đó giá quảng cáo chương trình này từng lên tới 210 triệu đồng cho TVC 30 giây.

Như vậy, chỉ sau 2 năm, giá quảng cáo của Trời sinh một cặp giảm 30 triệu đồng ở TVC 30 giây.

Nhiều game show khác trên Đài Truyền hình Vĩnh Long hay Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) cũng có xu hướng giảm giá quảng cáo qua các năm.

Các game show trên Vĩnh Long hiện nay Tình Bolero 2020, Người kể chuyện tình, Lò võ Tiếu Lâm hay Hãy kể tôi nghe - Nhạc sĩ chủ đề đều có mức giá niêm yết là 100 triệu đồng cho 30 giây quảng cáo trong chương trình.

Cũng theo báo giá công khai trên trang của Đài Truyền hình Vĩnh Long, đây là mức giá chung của các game show giờ vàng trên sóng, ở trong tuần lẫn cuối tuần.

Tuy nhiên, những năm trước, nhiều chương trình cuối tuần của Vĩnh Long có giá quảng cáo là 120 triệu đồng cho TVC 30 giây, thậm chí cao hơn.


Gương mặt thân quen lên sóng truyền hình mùa đầu tiên vào năm 2013. Ở mùa giải này, Khởi My dành ngôi vị quán quân cùng với giải Thí sinh được yêu thích nhất.

Đến năm 2014, Gương mặt thân quen gây bão màn ảnh và trở thành một trong những game show có lượng rating cao nhất trên sóng VTV. Những màn hóa thân của Hoài Lâm thành nghệ nhân Hà Thị Cầu hay Sơn Tùng M-TP nhận được lượt xem lớn.

Theo báo giá của Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình thuộc VTV vào tháng 6/2014, giá quảng cáo trong thời gian phát sóng Gương mặt thân quen lên tới 370 triệu đồng dành cho một TVC quảng cáo thời lượng 30 giây, trong khung thời gian từ 21h-23h thứ bảy.

Ở thời điểm đó, Gương mặt thân quen trở thành chương trình có mức giá quảng cáo cao nhất trên sóng VTV, vượt qua cả báo giá trước đó của World Cup 2014 (Đêm chung kết của World Cup 2014 có báo giá là 350 triệu/ 30s).

Mức 370 triệu/30s của Gương mặt thân quen cũng vượt xa với kỷ lục từng thuộc về giá quảng cáo đêm chung kết The Voice Kids mùa đầu tiên (2013).

Đến năm 2016, Gương mặt thân quen có giá quảng cáo là 350 triệu/30s, giảm 20 triệu/30s so với năm 2014. Song, đây vẫn là mức giá được đánh giá là rất cao trên sóng giờ vàng của VTV và cao hơn nhiều game show ca nhạc khác.

Nhưng, đến mùa thứ 5, năm 2017, giá quảng cáo Gương mặt thân quen giảm mạnh. Từ 350 triệu/30s vào năm trước, game show này chỉ còn giá 250 triệu/30s, giảm tới 100 triệu/30s. 2017 là năm Jun Phạm đăng quang.

Đến năm 2018, mức giá Gương mặt thân quen giảm thêm 50 triệu/30s.

Đến mùa giải gần nhất, lên sóng cuối năm 2019, giá quảng cáo Gương mặt thân quen là 200 triệu đồng cho TVC 30 giây trong thời gian phát sóng chương trình. Trước thời gian phát sóng chương trình là 190 triệu đồng cho 30 giây quảng cáo.

Bên cạnh đó, ở TVC 20 giây, doanh nghiệp, nhãn hàng, đơn vị muốn quảng cáo phải bỏ mức chi phí 150 triệu đồng. Ở TVC 10 giây là 100 triệu đồng trong thời gian phát sóng chương trình. Báo giá được niêm yết trước thời điểm mùa thứ 7 lên sóng và không thay đổi sau 5 tuần.

Mức giá này tương đương với Gương mặt thân quen 2018. Nếu so với những mùa giải đầu tiên, giá quảng cáo Gương mặt thân quen đang ở mức đáy và không có dấu hiệu đi lên.

Câu chuyện của Gương mặt thân quen cho thấy một chương trình từng "làm mưa làm gió" trên truyền hình nhưng trong bối cảnh bùng nổ game show, giá quảng cáo đang tụt dốc và rất khó lấy lại vị trí như lúc ban đầu.

Giới trong nghề chỉ ra nhiều nguyên nhân, từ format cũ kỹ, giám khảo "nhẵn mặt", khan hiếm tài năng và đặc biệt là việc vừa phát truyền hình vừa đăng tràn lên trên mạng... dẫn đến việc nhiều game show giảm giá quảng cáo.

Những khung giờ vàng trên truyền hình không hề thay đổi và các nhà sản xuất cũng đã tìm đủ mọi cách để chương trình của mình... được chú ý. Nhưng, đã từ lâu không có một game show, chương trình truyền hình thực tế Việt có thể cán mốc giá quảng cáo 370 triệu đồng cho một TVC 30 giây như Gương mặt thân quen 2014.

Theo: Zing.vn

© Copyright 2017 Dien Vien Viet Nam. All rights reserved.
Powered by Nilead
Hotline: 0338 179 168
Website hiện đang trong quá trình chờ cấp phép.