Quỳnh búp bê chính thức bị dừng phát sóng trên VTV từ 12/7. Quyết định này được Đài truyền hình Việt Nam đưa ra sau khi phim gây tranh cãi vì có nhiều cảnh nóng, bạo lực dã man phụ nữ.
Nhiều ý kiến cho rằng Quỳnh búp bê được phát sóng vào thời điểm 20h45 trên kênh VTV1 là không phù hợp vì nằm trong khoảng thời gian từ 18-21h - khung giờ quen thuộc của nhiều gia đình Việt với không ít khán giả là trẻ em.
Quỳnh búp bê vẫn hoàn thiện những cảnh quay cuối khi bị tạm dừng lên sóng.
Giờ vàng cho phim Việt được định nghĩa thế nào?
Thực ra, có nhiều quan niệm về khung giờ vàng trên sóng truyền hình. Nhiều người cho rằng từ 18-21h là 3 tiếng giờ vàng. Số khác lại hiểu giờ vàng trên truyền hình bắt đầu từ chương trình Thời sự 19h và kết thúc vào lúc 22h hàng ngày.
Nhưng, theo hệ thống đo lường định lượng khán giả truyền hình Việt Nam VietNam-Tam, 20-22h mới là khung giờ vàng đúng nghĩa. Đây là khoảng thời gian các chương trình trên đài thu hút lượng khán giả lớn nhất, đông đảo nhất và tập trung mang lại cho đài nguồn thu chính.
Hiểu theo cách định nghĩa này, giờ vàng hiện tại trên VTV gần như dành trọn cho phim truyền hình Việt. Điều này một phần chứng tỏ phim "made in Vietnam" đang được nhà đài tạo điều kiện, và ngược lại cũng cho thấy phim truyền hình đang mang lại lợi nhuận cho VTV.
Mới đây, VTV có chủ trương phim Việt chất lượng cao trên sóng giờ vàng. Theo đó, phim truyền hình thương hiệu Việt sẽ được phát sóng từ thứ 2 đến thứ 6 trong khung giờ 20h45-21h45 trên VTV1, và từ thứ 2 đến thứ 5 trong khung giờ 21h45-22h45 trên VTV3 (thứ 6 trên VTV3 dành cho game show, hiện tại là The Debut).
Với khung giờ như vậy, trên hai kênh có lượng người xem lớn nhất của VTV, 4 phim Việt sẽ lần lượt thay phiên nhau lên sóng trong tuần. Trên mỗi kênh, mỗi tuần đều phát sóng 2 phim.
Khung giờ 20h45-21h45 trên VTV1, từ thứ 2 đến thứ 4 hiện phát phim Mỹ nhân Sài thành, thứ 5 và thứ 6 phát phim Hạnh phúc không có ở cuối con đường (trước đó là Quỳnh búp bê).
Tương tự, khung giờ 21h45-22h45 trên VTV3 cũng phát 2 phim Việt trong một tuần. Ngày ấy mình đã yêu lên sóng thứ 2, thứ 3. Trong khi, Cả một đời ân oán được phát sóng hai ngày còn lại là thứ 4 và thứ 5 trước khi giờ vàng nhường chỗ cho truyền hình thực tế vào cuối tuần.
Ngày ấy mình đã yêu là một trong những bộ phim đang lên sóng giờ Vàng của VTV
.Ai xếp lịch phát sóng cho phim Việt giờ Vàng?
Có hai nguồn cung cấp phim cho VTV là Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài truyền hình Việt Nam (VFC) và Ban biên tập phim. Trong đó, VFC là đơn vị chủ lực, những bộ phim do VFC thực hiện là VTV đầu tư và cũng nắm giữ bản quyền.
Ngược lại, Ban biên tập phim là đơn vị tham mưu, quản lý trong việc phát sóng những phim truyền hình do các đơn vị tư nhân, đơn vị không thuộc VTV sản xuất.
Dù là phim của VFC hay phim tư nhân, vấn đề về lịch phát sóng đều do ban Thư ký biên tập phụ trách. Trao đổi với Zing.vn, bà Nguyễn Thị Thu Huệ - Phó ban thư ký biên tập của VTV cho biết ban có 3 phó ban, phụ trách 3 mảng khác nhau.
"Một người phụ trách việc phát sóng game show, một người phụ trách phim nước ngoài. Tôi phụ trách phim Việt Nam và chương trình văn hóa. Thế nhưng, các phó ban chỉ nằm trong hội đồng duyệt, còn lịch phát sóng sẽ do trưởng ban là ông Nguyễn Hà Nam phụ trách", bà Huệ cho hay.
Trở lại với việc phim Quỳnh búp bê bị dừng phát sóng. Nhiều ý kiến cho rằng phim nên dán nhãn ngay từ đầu và có khung giờ phát sóng muộn hơn.
Nhưng thực tế, phim truyền hình Việt mới chưa từng có tiền lệ phát sóng ở những khung giờ muộn như 11h. Khung giờ này thường dành cho phim nước ngoài, Chuyện đêm khuya hoặc phát lại chương trình trong ngày.
Đây cũng được cho là một "lúng túng" của nhà đài trong việc sắp xếp lịch phim. Việc mặc định phim Việt là phát khung giờ vàng dẫn đến trường hợp như Quỳnh búp bê - khi bị dừng sóng cũng chưa có khung giờ thích hợp khác để thay thế.
Trên mạng xã hội, một số ý kiến cho rằng Quỳnh búp bê có thể chuyển sang phát sóng ở khung giờ 21h45-22h45 trên VTV. Thực tế, phim ở khung giờ này luôn phát chậm hơn khoảng 10-15 phút, tức gần 22h mới bắt đầu. Đó là khoảng thời gian tương đối muộn và trẻ em cũng đã đi ngủ (trước đây chương trình Chúc bé ngủ ngon phát vào khoảng 21-21h30).
Giá quảng cáo trong phim Cả một đời ân oán cao hơn trong phim Quỳnh búp bê.
Sự chênh lệch trong giá quảng cáo phim giờ vàng?
Dù cùng là phim Việt được phát sóng trên khung giờ vàng của VTV nhưng giá quảng cáo lại có sự chênh lệch. Ngoài Sống chung với mẹ chồng (phát trên VTV1) - bộ phim gây bão năm 2017, giá quảng cáo trong phim phát trên VTV1 thường thấp hơn VTV3.
Theo báo giá của Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình của VTV, quảng cáo trong thời gian phát sóng phim Ngày ấy mình đã yêu trên VTV3 là 140 triệu đồng/30s, trong khi Quỳnh búp bê là 100 triệu đồng/30s, thấp hơn 40 triệu đồng. 100 triệu đồng/30s cũng là mức giá quảng cáo trong thời gian lên sóng phim Hạnh phúc không có ở cuối con đường.
Không chỉ chênh lệch ở hai kênh khác nhau mà trong cùng một kênh, cùng khung giờ cũng có sự chênh lệch. Trong khi Quỳnh búp bê và Hạnh phúc không có ở cuối con đường là 100 triệu đồng/30s, Mỹ nhân Sài thành (phát thứ 2,3,4) lại chỉ có 75 triệu đồng/30s, thấp hơn 25 triệu đồng.
Thực tế, 100 triệu/30s không phải mức giá quảng cáo cao so với một số phim khác từng phát sóng trên VTV. Năm 2017, giá quảng cáo trong thời gian phát sóng Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử từng lên tới 180 triệu đồng, thậm chí 200 triệu đồng/30s.
Phim truyền hình Việt những năm gần đây được đánh giá là có bước chuyển mình rõ rệt, kéo khán giả trở lại với màn ảnh nhỏ. Đề tài phim ngày càng đa dạng, và mới mẻ, sẵn sàng đề cập đến những vấn đề gai góc.
Nhờ chuyển mình, phim truyền hình cũng được cho đã mang lại lợi nhuận không nhỏ cho VTV nhờ vào nguồn thu từ quảng cáo.
Theo Zing