Ẩn sau những màn trình diễn đỉnh cao và nhiều hoạt động vui chơi giải trí hấp dẫn, lễ hội âm nhạc còn là nơi để nhiều người ăn chơi trác táng
Không gian lý tưởng để dùng chất gây nghiện
Từ lâu, các lễ hội này vốn được xem là nơi lý tưởng để người trẻ tha hồ hò reo, nhảy nhót, tận hưởng âm nhạc sôi động cùng bạn bè và tham gia các hoạt động cảm giác mạnh… Trong đó, thực trạng được biết đến nhiều nhất là việc sử dụng rượu, ma túy hay các chất kích thích khác để tìm kiếm cảm giác được cho là thăng hoa. Sự hiện diện của những chất độc hại trên trở thành điều nghiễm nhiên tại các sự kiện và là một phần không thể thiếu khi tham gia những bữa tiệc âm nhạc hoành tráng.
Rượu bia, ma túy trở thành “món ăn” không thể thiếu của một bộ phận giới trẻ tại nhiều lễ hội âm nhạc đông người
Chỉ trong hai ngày 15 và 16.9, đã có ít nhất 11 người tử vong tại 3 lễ hội âm nhạc khác nhau. Hai người đàn ông vừa qua đời trong bệnh viện địa phương sau khi quậy tưng bừng tại Lost lands music festival được tổ chức tại Ohio (Mỹ) từ ngày 14 đến 16.9. Ngày 15.9, thêm hai thanh niên chết tại lễ hội lễ hội âm nhạc Defqon.1 diễn ra ở Sydney (Úc). Nhận được sự chú ý của truyền thông trong nước và quốc tế những ngày qua còn có vụ 7 người thiệt mạng tại lễ hội âm nhạc Trip to the moon tổ chức ở Hà Nội. Ngoài những người thiệt mạng, rất nhiều khán giả tham gia sự kiện đã bị điều tra về hành vi sử dụng và buôn bán ma túy, số khác phải nhờ đến sự hỗ trợ y tế sau khi đã dùng thuốc kích thích quá liều.
Số liệu thống kê gần đây nhất từ Cơ quan Lạm dụng chất gây nghiện và Dịch vụ sức khỏe tâm thần (Mỹ) phát hiện rằng các trường hợp cấp cứu do chất gây nghiện đã tăng 128% trong giai đoạn 2005 - 2011. Rượu cũng là một yếu tố phổ biến khiến họ phải cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Theo thời báo Los Angeles, đã có ít nhất 29 ca tử vong liên quan đến ma túy được xác nhận kể từ năm 2006 trong số những người tham gia các lễ hội âm nhạc được tổ chức ở Los Angeles. Tại Hard summer music festival năm 2015, hai sinh viên đại học đã chết do dùng thuốc quá liều. Vào năm 2016, ba thanh niên đã chết vì sốc ma túy trong cùng một lễ hội. Năm 2013, Electric zoo festival tổ chức ở New York đã cướp đi sinh mạng của hai thiếu niên. Tất cả đều được chẩn đoán sốc thuốc do lạm dụng chất kích thích.
Một nghiên cứu gần đây của National Institutes of Health, cơ quan thuộc chính phủ Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về y sinh và sức khỏe cộng đồng đã cho thấy một thực trạng rõ ràng tại các lễ hội âm nhạc. Cuộc thăm dò ý kiến trên đã yêu cầu 2.000 người tham dự lễ hội âm nhạc cho biết lý do họ tham dự và cách thức họ trải nghiệm. Theo đó, 47% thú nhận rằng các lễ hội âm nhạc khiến họ tự do, thoải mái và buông thả hơn. Đặc biêt, những người này có thể làm những điều mà họ không bao giờ dám làm ở đời thường. Thậm chí, có tới 21% người tham gia khảo sát thẳng thắn tiết lộ rằng họ thường xuyên sử dụng ma túy bất hợp pháp trong các sự kiện nêu trên.
Những lễ hội âm nhạc trở thành những cuộc ăn chơi trác táng, biến thành nơi để giới trẻ “đốt tiền” vào rượu, bia, thuốc lá, ma túy và là không gian lý tưởng cho những cuộc chơi ''đá'' tập thể. Điển hình như tại Defqon.1 diễn ra ở Sydney (Úc) hôm 15.9, ngoài hai người chết, có tới 700 người tham gia phải nhờ đến các biện pháp hỗ trợ y tế sau khi đã trót dùng ma túy để cuộc vui trở nên thăng hoa, hưng phấn hơn. Chưa hết, lễ hội âm nhạc vừa diễn ra ở Hà Nội cuối tuần qua không chỉ chứng kiến 7 trường hợp tử vong mà còn có một số người được đưa đi cấp cứu nghi do sốc thuốc hàng loạt. Không chỉ là nơi "tiếp tay" cho những hành vi sử dụng chất gây nghiện, lễ hội âm nhạc còn có sự xuất hiện của những tay buôn ma túy từ nhỏ lẻ đến quy mô. Sau cái chết của hai người đàn ông tại Lost lands music festival vào hai ngày cuối tuần qua, cảnh sát Ohio bắt giữ 4 nghi can liên quan đến hoạt động buôn bán ma túy tại lễ hội.
Vụ xả súng ở Las Vegas (Mỹ) hồi năm 2017 là một trong những thảm kịch đáng sợ nhất với những ai từng tham gia lễ hội âm nhạc tại đây
Sự rình rập của nhiều tai nạn chết người
Lễ hội âm nhạc từ lâu đã không còn đơn thuần là nơi để người ta có thể tận hưởng một không gian âm nhạc và thư giãn đúng nghĩa. Bên cạnh việc là tụ điểm ăn chơi khét tiếng, những đêm hội quy mô hoành tráng này còn ẩn chứa nhiều nguy cơ khác như: khủng bố, giẫm đạp, sự cố sân khấu...
Ngày 30.6.2000, lễ hội âm nhạc Roskilde tại Đan Mạch đã chứng kiến những cái chết thương tâm của 9 người tham gia cùng với 26 người khác bị thương. Nguyên nhân của sự cố trên được cho là mưa lớn, số lượng người tham gia quá đông dẫn đến tình trạng tắc nghẽn, giẫm đạp. Đặc biệt việc nâng và di chuyển người tham gia bằng tay của biển người cũng là nguyên nhân chính dẫn đến bi kịch trên.
Giẫm đạp cũng là nguyên do gây ra những sự cố chết người tại các sự kiện âm nhạc thu hút từ hàng chục ngàn đến hàng triệu người. Với gần 1,5 triệu khách đổ về thành phố Duisburg (Đức) để tham gia nhạc hội Love Parade đã cướp đi sinh mạng của 18 người và khiến hàng trăm người bị thương.
Một tai nạn nghiêm trọng khác xảy ra tại sự kiện The 1st pangyo techno valley festival diễn ra ở Seoul (Hàn Quốc) đã khiến 12 người tử vong tại chỗ, 4 người chết khi đang cấp cứu và 12 người bị thương nặng. Nguyên nhân của thảm kịch này xuất phát từ việc miếng thông gió bất ngờ sập xuống khiến nhiều khán giả trở tay không kịp.
Các lễ hội âm nhạc đông đúc cũng là mục tiêu nổi bật mà nhiều tên khủng bố hướng tới. Tháng 10.2017, thế giới bàng hoàng với vụ xả súng hàng loạt tại một bữa tiệc âm nhạc hoành tráng diễn ra ở Las Vegas (Mỹ). Đây được xem là vụ xả súng hàng loạt nghiêm trọng nhất nước Mỹ khi có tới 59 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương.
Trước khi xảy ra tai nạn chết người, Lost lands music festival cũng từng có thời gian bị ngừng tổ chức do sự cố cháy sân khấu chính. Tuy nhiên sự việc chỉ gây hoang mang cho người tham gia và không có bất kỳ thương vong nào.
Theo Thanh Niên