Kịch Pháp về Sài Gòn - Gạch nối ký ức và hiện tại

By Dvvn thg 9 12, 2018
Gây ấn tượng lớn tại Liên hoan sân khấu quốc tế Avignon (Pháp) vào mùa hè năm 2017, sau đó được chào đón nồng nhiệt khi lưu diễn tại các nhà hát danh giá trên thế giới, vở Sài Gòn sẽ đến với khán giả TP.HCM qua 2 suất diễn vào ngày 21 và 22.9 tại Nhà hát Bến Thành.

Sân khấu được thiết kế giống các nhà hàng Việt ở quận 13 của Paris

Đây là một trong những chương trình nổi bật nhất của chuỗi sự kiện kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Pháp. Vở kịch đưa người xem du hành trong không gian, thời gian, qua câu chuyện của những người Việt và Pháp tại Sài Gòn, Paris ở 2 cột mốc: 1956 - kết thúc chiến tranh, người Pháp rời VN và 1996 - giai đoạn bà con Việt kiều bắt đầu về nước nhiều hơn.

Đạo diễn 37 tuổi Caroline Guiela Nguyễn đã khéo léo kết nối nhà hàng ở Sài Gòn vào giữa thập niên 1950 với nhà hàng Sài Gòn giữa thủ đô Pháp 40 năm sau. Ánh sáng xanh, gạch màu ngọc lam, những bông hoa nhựa đầy màu sắc, tượng Phật, ảnh của vịnh Hạ Long, chú mèo thần tài trên quầy bar và... một dàn karaoke! Không gian rất “đời” mà ghé vào nhà hàng Việt nào trong quận 13 - khu châu Á của Paris, bạn cũng dễ dàng bắt gặp. Quán Sài Gòn là nơi lưu giữ nỗi đau đáu về quê nhà của bà chủ Marie-Antoinette, là góc nhỏ để Hào và Linh thấy lại một trời quá khứ, là những giằng xé của Antoine khi tìm cách hiểu được người mẹ Việt của mình...

Cùng nhau kể chuyện


Nhân vật Antoine và người mẹ Việt vẫn có một khoảng cách vô hình vì khác biệt văn hóa, thế hệ

Diễn viên Nguyễn Phú Hậu (vai Linh năm 1956) kể lại: “Khi được chọn tham gia vở diễn, chúng tôi chỉ biết đề tài có liên quan đến Sài Gòn xưa, chiến tranh, tình yêu, sự chia ly, nhưng không có kịch bản cụ thể”. Đạo diễn Caroline đã cùng các diễn viên “ứng tác” nên câu chuyện. Họ chia thành nhóm, diễn hàng trăm “vở” nhỏ từ 5 - 10 phút, cứ để bản thân “phiêu” hết mức với nhân vật. Tình huống mở, cảm xúc thật tự nhiên để nảy sinh ý tưởng. Từ những đoạn “ứng tác” như thế, ý tưởng được xâu chuỗi lại, chỉnh sửa và thành kịch bản hoàn chỉnh.
TIN LIÊN QUAN
Bolero vào kịch của nữ nghệ sĩ Pháp gốc Việt Caroline Guiela NguyenTrong quá trình cùng nhau xây dựng kịch bản, các diễn viên đã được mang chính câu chuyện của mình vào vở Sài Gòn nên họ thật sự sống cùng nhân vật. Diễn viên Nguyễn Thị Mỵ Châu (vai Linh năm 1996, mẹ của Antoine) chia sẻ: “Tôi sang Pháp từ năm 1969, con tôi cũng sinh ở Pháp như nhân vật Antoine nên tôi biết thế nào là cách biệt về thế hệ, văn hóa”. Còn với những diễn viên trẻ đến từ VN như Phú Hậu hay Lê Hoàng Sơn (vai Hào năm 1956), tham gia xây dựng kịch bản giúp họ dễ cảm hơn với nhân vật sống cách đây hơn nửa thế kỷ. Hậu kể, sau khi nhận vai, trong suốt một tháng, chị đã tìm những bộ phim về VN trước đây để học cách nói năng, ăn mặc. Thậm chí, chị còn “tập luyện” bằng cách thử cư xử nết na, dịu dàng, nói chuyện nhỏ nhẹ như phụ nữ Việt của thập niên 1950 tại nhà mình, làm ba mẹ… không nhận ra con gái. Cũng từng rất lo lắng “không hiểu được người xưa” nhưng nhờ tham gia “ứng tác”, Sơn đã đưa được những nỗi nhớ nhung khi sống xa nhà của bản thân vào nhân vật Hào: “Ngày nay, phương tiện rất nhiều, liên lạc dễ, đi lại cũng thuận tiện mà tôi còn nhớ da diết thì huống gì thời xưa, từ Sài Gòn sang Pháp phải đi tàu mất vài tuần và ra đi là gần như không hẹn ngày gặp lại…”.

11 diễn viên của vở kịch, không ai là vai chính, tất cả đều là người kể chuyện, là một phần trong dấu gạch nối không gian, thời gian của Sài Gòn. Trong số họ, có người mới học tiếng Pháp, có người chỉ biết lõm bõm vài chữ tiếng Việt nhưng vượt qua mọi khác biệt về ngôn ngữ, họ đã cùng nhau chinh phục khán giả ở Paris, Lyon, Berlin, Amsterdam, Thượng Hải, Bắc Kinh, Stockholm… Sự thành công này được ông Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM, giải thích: “Tôi được xem trực tiếp vở Sài Gòn tại Liên hoan Avignon và có những phân đoạn thật sự khiến tôi xúc động, như cảnh người con trai cãi nhau với mẹ, con cứ nói tiếng Pháp, còn mẹ thì trả lời bằng tiếng Việt! Vở kịch đã có cách dàn dựng rất hiện đại, không phải về kỹ thuật mà ở cách biểu hiện cảm xúc”.

“Mẹ tôi truyền cảm hứng cho vở kịch”


Đạo diễn Caroline Guiela NguyễnẢNH: MANUEL BRAUN

Tuy không có mặt tại TP.HCM trong dịp này nhưng được sự hỗ trợ của đại diện truyền thông Viện Pháp tại VN, qua Skype, Caroline Guiela Nguyễn (ảnh) đã chia sẻ với chúng tôi: “Người mẹ Việt của tôi, chính xác là nguồn cội của tôi, đã góp phần truyền cảm hứng để tạo nên tác phẩm này. Tuy nhiên, nói vậy không phải Sài Gòn là câu chuyện di dân của gia đình tôi, không mang tính tự sự mà qua đó, mở rộng hơn về câu chuyện của nước Pháp. Với tính chất đó, tôi đã kể Sài Gòn bằng cái nhìn của người Pháp chứ không phải của người VN”. Nữ đạo diễn 37 tuổi cho biết, những lần đến TP.HCM để tìm kiếm chất liệu cho vở kịch, cô đặc biệt quan tâm, tìm hiểu về ngôn ngữ, cuộc sống con người nơi đây, khám phá những gì như Sài Gòn đang hiện hữu. Vì thế, với cô, vở kịch không mang màu sắc của lịch sử mà là câu chuyện của Sài Gòn hiện tại và Sài Gòn qua ký ức”.

Theo Thanh Niên
© Copyright 2017 Dien Vien Viet Nam. All rights reserved.
Powered by Nilead
Hotline: 0338 179 168
Website hiện đang trong quá trình chờ cấp phép.