Tuấn Hưng mới đây bày tỏ thái độ không hài lòng khi một số ca sĩ trẻ xin cover (hát lại) nhạc của anh. Anh cũng khuyên các ca sĩ trẻ nên tự tìm hướng đi và có bài hát của riêng mình.
"Các bạn chỉ cover, không có bài riêng, không có album, chưa đóng thuế cho nhà nước, vậy thử hỏi những nhạc sĩ sẽ sống như thế nào? Đó là một dấu chấm hỏi. Tôi nghĩ nhiều đồng nghiệp, anh chị em nghệ sĩ cũng có quan điểm giống tôi", Tuấn Hưng nói thêm.
Có một thực tế ở nhạc Việt hiện nay là không ít giọng ca trẻ nổi tiếng nhờ cover bản hit của những ca sĩ khác. Thậm chí nghịch lý ở chỗ clip cover còn có lượt xem/nghe vượt trội hơn hẳn bản gốc.
Một trong những giọng ca thậm chí được coi như “hiện tượng cover” là Hương Ly. Nhiều clip cover của giọng ca này đạt hàng triệu, thậm chí chục triệu lượt xem. Bản cover Thích thì đến mới đây là dẫn chứng điển hình, khi đạt tới gần 10 triệu lượt xem, cao hơn nhiều MV đầu tư tiền tỷ của các ca sĩ khác.
Ngoài Hương Ly, nhạc Việt cũng chứng kiến nhiều giọng ca trẻ được biết đến nhờ cover như Jang Mi, Edward Dương, Quân A.P hay gần đây là trường hợp của Tăng Phúc.
Đáng nói, những giọng ca kể trên đôi khi ra sản phẩm độc lập nhưng vẫn không thành công bằng clip cover trước đó. Trường hợp của Edward là dẫn chứng điển hình.
Bản cover Tình đơn phương của giọng ca trẻ có tới 77 triệu lượt nghe trên Zing MP3. Trong khi, Ai là em – một sản phẩm độc lập của nam ca sĩ - lại có lượt xem/nghe rất khiêm tốn.
Thực tế trước khi Edward Dương cover, Tình đơn phương đã là bản hit được nhiều người yêu thích. Nhưng, quan sát đời sống âm nhạc có một sự thật là nhiều khi nhờ sự lan tỏa của bản cover, khán giả mới tìm đến bản chính. Trường hợp Ngắm hoa lệ rơi của Hoa Vinh là một ví dụ.
Sau khi bản cover của Hoa Vinh “làm mưa làm gió” trên mạng, khán giả mới tìm đến bản gốc của Châu Khải Phong, giúp bản gốc của Châu Khải Phong đạt tới hơn 300 triệu lượt xem nghe Zing MP3 và gần 200 triệu lượt nghe trên mạng.
Tuấn Hưng nói rằng không phải anh chưa từng đồng ý cho ca sĩ trẻ sử dụng lại ca khúc của mình bởi cũng như các nghệ sĩ khác, nam ca sĩ cũng muốn bài hát của mình được lan tỏa rộng rãi.
“Nhưng có nhiều người hoạt động trên mạng, mình không biết là ai, họ cũng nhắn tin, gọi điện hỏi. Là người đi trước, tôi nghĩ điều đó không nên. Mọi thứ đều phải được đầu tư nghiêm túc", anh nói.
Thực tế không phải đến lời cảnh tỉnh của Tuấn Hưng, mà từ lâu cover đã là một chủ đề dễ gây tranh cãi ở nhạc Việt.
Năm ngoái, sau vụ việc Hương Ly hát Bước qua đời nhau không xin phép, đại diện Khắc Việt nghiêm cấm hiện tượng cover sử dụng ca khúc này biểu diễn và kinh doanh. Sau khi bị phía Khắc Việt phản ứng, video của Hương Ly đã bị xóa bỏ. Giọng ca chuyên cover sau đó cũng lên tiếng xin lỗi Khắc Việt.
Ngoài câu chuyện của những “hiện tượng cover”, năm 2019, thị trường âm nhạc cũng ồn ào với sự vụ liên quan đến bản quyền và việc hát lại ca khúc của người khác.
Chi Pu từng đăng tải bài viết thể hiện sự bức xúc khi phát hiện hai ca sĩ hát Anh ơi ở lại trong chương trình mang tính thương mại.
“Việc sử dụng hay biểu diễn một ca khúc mà chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu đều là hành vi vi phạm Luật sở hữu trí tuệ, đồng thời thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với tác giả và ca sĩ”, nữ ca sĩ nhấn mạnh.
Cũng trong năm, Vy Oanh lên trang cá nhân tố một đàn chị cover ca khúc của cô như hành vi “giành” hit. Sau đó, chính giọng ca Đồng xanh xác nhận người mà mình nói đến là Minh Tuyết.
Theo Vy Oanh, ca khúc Để cho em khóc đến tháng 6/2018 mới hết hạn độc quyền nhưng Minh Tuyết đã sử dụng trong một đêm nhạc từ tháng 3/2018. Cô khẳng định đây là hành động sai cả về luật bản quyền lẫn đạo đức làm nghề.
Trong khi đó, đại diện Minh Tuyết phản hồi việc ca sĩ đi trước hát hit của đàn em là chuyện bình thường. Phía nữ ca sĩ hải ngoại cho biết sẵn sàng đưa ngày giờ ký bản quyền và ngày hát để đối chất với đàn em.
Vy Oanh sau đó vẫn tiếp tục "lời qua tiếng lại", trong khi phía Minh Tuyết im lặng. Vụ việc giữa Vy Oanh và Minh Tuyết gây tranh cãi suốt thời gian dài.
Nghịch lý ở chỗ dù chuyện cover thường xuyên trở thành vấn đề gây tranh cãi nhưng không ít ca sĩ kêu gọi cover sau khi sản phẩm gốc được đăng tải. Thậm chí, nhiều ca sĩ tổ chức các cuộc thi cover với những phần thường hấp dẫn.
Ngoài ra, có ca sĩ còn phải bỏ tiền để nhờ hiện tượng cover hát lại ca khúc của mình. Có tất cả nhưng thiếu anh của Erik từng là ồn ào như vậy.
Khi bản cover do Hương Ly thể hiện lại đạt lượng xem lớn hơn bản gốc của Erik, nhiều khán giả không hài lòng và cho rằng Hương Ly đang “cướp” hit của người khác.
Đứng trước chỉ trích, đại diện của Hương Ly lên tiếng thanh minh, tiết lộ chính phía Erik yêu cầu Hương Ly cover và đăng bài sớm để giúp nam ca sĩ gây chú ý. Người này cũng công khai tin nhắn riêng của Erik.
Vô tình, phía Hương Ly hé lộ luôn rằng nhiều bản cover của giọng ca này được chính các ca sĩ sử dụng để quảng bá, tăng độ lan toả cho sản phẩm của họ. Và mức tiền mà Hương Ly nhận được là 20 triệu đồng/bài.
Thông tin được tiết lộ khiến nhiều khán giả bất ngờ vì ít ai nghĩ ca sĩ chính phải trả tiền cho người cover. Và cover thực tế đã là một nghề trong thị trường âm nhạc, với “tiền tươi thóc thật”.
Nhật Phong, chủ nhân của bản hit Sợ phải kết thúc chia sẻ rằng việc Hương Ly cover sẽ giúp lan tỏa hơn, anh thậm chí chấp nhận clip cover có lượt xem/nghe cao hơn bản chính.
“Ai cover ca khúc của tôi mà lượt xem cao hơn, tôi cũng vẫn vui. Với ca khúc của tôi, Hương Ly là màu giọng khác nên có những thú vị nhất định. Tôi và Hương Ly đều không tính toán trong chuyện này”, anh nói thêm.
Song, Nhật Phong cũng cho biết anh không trả tiền cho Hương Ly do hai bên có quan hệ bạn bè.
Cover rõ ràng đã là một thực tế, thậm chí có cả những quan hệ mua bán, thân tình thay vì ngẫu hứng, tự nhiên như trước. Nhưng nhiều nghệ sĩ có tiếng cũng cho rằng đó là con đường không bền.
Tuấn Hưng cho rằng chỉ nên coi việc cover, đặc biệt cover ca khúc của anh chị đi trước là bài tập cho mình, chứ không nên sử dụng để mong nó mang lại tên tuổi.
"Một ca sĩ chính là sự nỗ lực không ngừng của bản thân, kèm theo sự chăm chỉ và quan trọng đó là định hướng từng bước”, anh nhấn mạnh.
Theo: Zing.vn