Nghệ sĩ Việt lười xin lỗi

By dvvn thg 5 21, 2021
Một chuyên gia truyền thông nhận định nghệ sĩ Việt mắc bệnh lười xin lỗi. Họ thường chọn cách im lặng, đợi khán giả lãng quên và hy vọng mọi chuyện sẽ lắng xuống.

Tối 11/5, trên trang cá nhân, Kiều Minh Tuấn, Nam Thư, Khả Như... quảng cáo cho tiền mã hóa, sau đó nhanh chóng xóa bài. Chuyên gia tài chính khẳng định đây là dự án lừa đảo, hoạt động theo mô hình đa cấp.

Một tuần trôi qua, không ai trong số những người đã kêu gọi khán giả "chơi" tiền mã hóa lên tiếng về hành động của bản thân, không giải thích, không xin lỗi, cũng không đính chính.

van hoa xin loi cua nghe si anh 2

Không khó để nhận ra tại các nền công nghiệp giải trí phát triển mạnh như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, nghệ sĩ và ê-kíp đứng sau họ luôn sẵn sàng lên tiếng trong bất kỳ trường hợp nào, khi ồn ào xảy ra. Khi mắc lỗi, bị hiểu nhầm, vướng tin đồn sai lệch... đại diện ê-kíp hoặc đích thân nghệ sĩ sẽ đăng bài đính chính vấn đề hoặc xin lỗi khán giả.

Nhưng ở showbiz Việt, nghệ sĩ thường chọn cách im lặng, né tránh trách nhiệm lên tiếng.

Khi bị cuốn vào tranh cãi thị phi, nghệ sĩ né tránh truyền thông. Khi quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, nghệ sĩ im lặng. Khi kêu gọi khán giả tham gia hình thức tiền mã hóa lừa đảo, nghệ sĩ xóa bài và coi như không có chuyện gì xảy ra.

Anh Lương Trọng Nghĩa - chuyên gia truyền thông có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực giải trí - nhận định nghệ sĩ Việt lười xin lỗi.

"Có hai lý do nghệ sĩ Việt lười xin lỗi. Thứ nhất, họ lớn lên và bị nhiễm thói quen tiết kiệm lời xin lỗi từ xã hội. Họ làm sai, nhưng không dám đối diện với sự thực bẽ bàng. Hơn nữa, nghệ sĩ sợ rằng xin lỗi đồng nghĩa việc thừa nhận bản thân đã sai, và có thể họ sẽ phải chịu trách nhiệm, nhẹ là với khán giả, và nặng là với pháp luật.

Thứ hai, một số nghệ sĩ đã quen với việc phụ thuộc vào ê-kíp truyền thông, có thể ê-kíp sẽ tư vấn từng đường đi nước bước. Nhưng nhiều người làm truyền thông lại không có chuyên môn, họ thậm chí tung hô nghệ sĩ quá đà, khiến nghệ sĩ như bước trên mây, đưa họ vào thế giới ảo diệu. Khi gặp vấn đề, những người chưa vững chuyên môn và yếu về mặt kinh nghiệm sẽ lúng túng, không biết cách xử lý khủng hoảng. Và thường họ sẽ chọn cách im lặng - là cách dễ nhất có thể tư vấn cho người nổi tiếng", anh Lương Trọng Nghĩa chia sẻ.

van hoa xin loi cua nghe si anh 3

Cùng quan điểm trên, nhà báo, chuyên gia truyền thông Nguyễn Phong Việt cho rằng phần lớn nghệ sĩ chọn cách im lặng để mọi chuyện xảy ra với bản thân lắng xuống, và hy vọng khán giả sẽ quên. Nhưng anh khẳng định ở thời buổi mạng xã hội phát triển, bất kỳ câu chuyện nào cũng sẽ được nhắc lại nhiều lần, không có cách nào chôn vùi một câu chuyện mãi mãi.

Anh Nguyễn Phong Việt khẳng định vẫn có những nghệ sĩ có ý thức xin lỗi, nhưng không nhiều.

Anh nói: "Nghệ sĩ như bao người, có thể mắc lỗi hoặc họ không biết chắc chắn hậu quả có thể xảy ra với hành động của mình. Nhưng trong trường hợp nào đi chăng nữa, không xin lỗi là không văn minh. Nghệ sĩ có được danh tiếng phần lớn nhờ sự hỗ trợ của khán giả. Do đó, nếu vô tình tạo ra tác động xấu đến ai đó, họ phải xin lỗi, như một hành động công bằng tới những người đã hỗ trợ, yêu mến tin tưởng mình".

Trả lời về văn hóa xin lỗi trong showbiz nói chung và nghệ sĩ nói riêng, chị Minh Hiền - cựu quản lý của một nhóm nhạc nam - cho biết: "Ngay cả những người bình thường sai cũng sẽ xin lỗi, đó là điều tất yếu trong cuộc sống. Huống hồ nghệ sĩ là người của công chúng, nếu nghệ sĩ làm điều gì đó sai, gây ảnh hưởng đến khán giả, họ nhất định phải lên tiếng xin lỗi, như vậy mới là tôn trọng khán giả".

Có kinh nghiệm làm việc tại nhiều môi trường nghệ thuật khác nhau, từng tiếp xúc và học hỏi cách làm của đơn vị quản lý nghệ sĩ của nước ngoài (nay đã chuyển nghề), chị Minh Hiền đưa ra quan điểm nghệ sĩ có thể không trực tiếp phát ngôn, nhưng công ty quản lý hoặc người đứng đầu ê-kíp hỗ trợ của nghệ sĩ nên lên tiếng.

"Khi tôi vẫn còn làm việc với nghệ sĩ, nếu nghệ sĩ có lỗi, tôi hoặc đại diện khác của công ty quản lý sẽ thay mặt lên tiếng, gửi lời xin lỗi khán giả", chị Minh Hiền chia sẻ thêm.

Chị V. - project manager kiêm người phụ trách truyền thông của nhiều nghệ sĩ Gen Z - quan niệm: "Sai ở đâu, nên xin lỗi ở đó".

"Tôi quan niệm cảm ơn và xin lỗi là nền tảng của mọi mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ với công chúng, bởi đây không đơn thuần là tình cảm cá nhân, mà đây là mối quan hệ đòi hỏi nhiều trách nhiệm và sự tôn trọng. Sai ở đâu, xin lỗi ở đó", chị V. nói.

van hoa xin loi cua nghe si anh 4

Với kinh nghiệm làm truyền thông cho nhiều nghệ sĩ, chị cho biết: "Ngay cả khi nghệ sĩ không hẳn sai, nhưng tin tức về họ làm phiền tới người khác, họ vẫn nên xin lỗi những người bị ảnh hưởng. Trong một vài trường hợp, có thể ê-kíp cần thời gian để phân tích vấn đề, dẫn đến phản hồi chậm, nhưng cần thể hiện rõ thái độ lắng nghe, tiếp thu và tôn trọng khán giả".

Anh Lương Trọng Nghĩa khẳng định: "Tôi sẽ khuyên nghệ sĩ phải nhận sai ngay tức thì, với động thái rõ ràng nhất có thể. Ai chẳng có đôi ba lần sai trong đời. Sai thì làm lại, xin lỗi không có gì xấu, bởi ông bà ta vẫn có câu: 'đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại'. Xin lỗi cũng cần phải học, học cách xin lỗi, học cách chịu trách nhiệm và dũng cảm đối diện với cái sai của mình".

Theo: Zing.vn

© Copyright 2017 Dien Vien Viet Nam. All rights reserved.
Powered by Nilead
Hotline: 0338 179 168
Website hiện đang trong quá trình chờ cấp phép.