Song Song là một tác phẩm điện ảnh không hề tệ, thậm chí sở hữu kịch bản tốt, vốn được Việt hóa từ phim Mirage của Tây Ban Nha. Nhưng phim buộc phải rời rạp sớm trong tiếc nuối và chỉ thu về được chưa đầy 3,5 tỷ đồng so với kinh phí 17 tỷ đồng đầu tư. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại này được giới bình luận chỉ ra là diễn xuất của Nhã Phương trong vai nữ chính: nhạt nhòa, một màu, nhiều cảnh không cần thiết phải khóc vẫn khóc.
Ngoài Song Song, tháng 4, Nhã Phương còn tham gia diễn xuất trong Cây táo nở hoa. Đây là phim truyền hình dài tới 70 tập và hiện mới phát sóng tới tập 12. Đáng chú ý là sau loạt chê bai về diễn xuất, Nhã Phương trong phim này đang nhận được phản hồi tích cực. Nghịch lý là trong một vai không còn ủy mỉ, nức nở vốn được coi là “thương hiệu” của Nhã Phương, khán giả lại đón nhận.
Nhã Phương vốn xuất thân là diễn viên được đào tạo bài bản về diễn xuất. Cô tham gia thị trường phim ảnh từ năm 2009, đóng nhiều vai khác nhau nhưng chỉ thực sự nổi tiếng từ phim ngắn Xin lỗi anh chỉ là thằng bán bánh giò (2013). Đóng tự nhiên, chân chất và đặc biệt cũng từ vai cô gái bán bánh tráng trộn trong phim này, Nhã Phương cho thấy cô khóc rất ngọt.
Một năm sau đó, Nhã Phương đóng vai Linh trong phim truyền hình Tuổi thanh xuân. Tuổi thanh xuân đến nay vẫn được coi là bước ngoặt của phim truyền hình miền Bắc. Và Nhã Phương của thời điểm ấy như làn gió mới của sóng giờ vàng VTV, góp phần giúp bộ phim gây bão. Cũng trong tác phẩm này, Nhã Phương tiếp tục chứng tỏ cô không gặp khó với cảnh nhân vật đòi hỏi phải rơi nước mắt.
Sau thành công của Tuổi thanh xuân, Nhã Phương có giai đoạn phủ sóng phim truyền hình (2014-2016), cùng với đó là một số dự án điện ảnh. Nhưng từ những khen ngợi cho diễn xuất tự nhiên, chân thật, khóc tốt ở vai nữ chính gây tiếng vang ban đầu, Nhã Phương ngày càng lặp lại mình, bị chê một màu, thiếu bứt phá.
Đến vai Hạ trong phim truyền hình Ngày ấy mình đã yêu (2018), cô nhận nhiều chỉ trích với biểu cảm lố, lạm dụng nước mắt. Ngay sau đó, vai Điềm trong phim điện ảnh Trạng Quỳnh cũng không nổi bật, nhận ý kiến trái chiều. Chất lượng Trạng Quỳnh bị đánh giá thảm họa dù phim này có doanh thu vượt 100 tỷ đồng.
Khoảng thời gian 2019-2020, Nhã Phương khá im ắng trên thị trường trước khi trở lại quyết liệt vào năm 2021 với Song Song (Nguyễn Hữu Hoàng), 1990 (Nhất Trung) và phim truyền hình Cây táo nở hoa.
Trong đó, Song Song đã ra rạp hồi đầu tháng 4 và Nhã Phương tiếp tục gây thất vọng về diễn xuất. Ở phim này, có thể thấy những nỗ lực của đạo diễn trong việc tiết chế Nhã Phương, song nữ diễn viên không thoát ra được những khuôn mẫu diễn xuất mà cô tự tạo cho mình, vẫn giữ biểu cảm tương tự ở nhiều phim khác và vẫn có những cảnh lạm dụng nước mắt dù không hề mang lại hiệu quả cho phim.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng cho biết anh nhìn thấy những nỗ lực của Nhã Phương, cô đã rất kiên nhẫn để đẩy diễn xuất lên. Song, nam đạo diễn cũng thẳng thắn nhận định Nhã Phương chưa cảm hết nhân vật.
Về nhận định cho rằng ưu điểm của Nhã Phương là khóc nhưng hạn chế cũng là khóc, Nguyễn Hữu Hoàng đồng tình. Nam đạo diễn nhận định mỗi diễn viên đều luôn có những giới hạn nhưng cũng có những vai đinh, bị đóng khung.
“Khóc là biểu cảm rất tốt của Nhã Phương, giúp Phương được biết đến nhưng sau bị quá tải. Làm Song Song, tôi bảo Phương tiết chế, có thể khóc nhưng hãy để dành cho những khoảnh khắc quan trọng. Có một số đoạn Phương nói cần phải khóc ở góc độ tâm lý phụ nữ, tôi thấy cũng không sao cả. Một số cảnh chúng tôi sẽ quay cả cảnh khóc và không khóc, cuối cùng Phương và tôi ngồi lại chọn, nếu không khóc mà hay hơn sẽ chọn không khóc”, Nguyễn Hữu Hoàng phân tích.
Không chỉ Song Song mà với 1990 với những trích đoạn đã được giới thiệu với truyền thông hoặc khán giả, Nhã Phương trong phim này cũng tiếp tục có nhiều cảnh khóc, nức nở.
Nhìn những vai diễn điện ảnh từ trước đến nay của Nhã Phương, dễ thấy diễn xuất điện ảnh không phải thế mạnh của cô. Dù đã tham gia một phim có doanh thu trăm tỷ, đóng chính một vài phim khác, Nhã Phương chưa có vai diễn thực sự nổi bật ở điện ảnh. Trong khi đó, với truyền hình, cô từng có những vai ấn tượng dù cũng mất điểm sau này vì lặp lại quá nhiều về diễn xuất.
Cây táo nở hoa là phim truyền hình lên sóng đúng thời điểm Nhã Phương bị cho là diễn xuất ngày càng tệ. Nhưng sau 12 tập lên sóng, vai Báu của cô đang được ghi nhận về diễn xuất.
Đây cũng là vai diễn khác với những gì Nhã Phương từng thể hiện trên màn ảnh. Báu là nhân vật lố bịch, ích kỷ, hỗn láo, ăn mặc lòe loẹt. Báu thích chưng diện, thích ăn ngon nhưng lại lười biếng, ăn nói chua ngoa đốp chát, không coi anh chị của mình ra gì.
Đài từ từng là điểm yếu của Nhã Phương, với nhân vật này, cô lại rất phù hợp. Nhã Phương thể hiện biểu cảm đa dạng hơn khi diễn xuất. Cô cũng có cảnh khóc như vừa ăn vừa khóc để ăn vạ nhưng đúng mạch của nhân vật.
Ngoài ra, trong diễn biến mới nhất là cảnh cuối của tập 12, nữ diễn viên được khen khóc ngọt. Trên mạng, một số người bình luận đây là cảnh khóc thuyết phục nhất của Nhã Phương trong những vai diễn gần đây.
Nhã Phương có cơ hội đổi mới một phần nhờ đất diễn nằm ở chính kịch bản dành cho nhân vật. Cô cũng được thể hiện cùng dàn diễn viên chất lượng với Thái Hòa, Hồng Ánh. Ngoài ra, không thể phủ nhận nỗ lực của nữ diễn viên sinh năm 1990 khi cô vào một dạng vai mới, khác với vùng an toàn của cô.
Nhã Phương là diễn viên được đào tạo bài bản, cô thực tế cũng đi lên bằng chính năng lực diễn xuất của mình. Nhìn vào cộng đồng diễn viên có thể thấy không phải diễn viên nào cũng có thể làm tốt những cảnh khóc, không ít gương mặt hoàn toàn đơ cứng, vô cảm dù cảnh quay đòi hỏi sự xúc động.
Khóc tốt vẫn là điểm đáng ghi nhận. Nhưng do một thời gian dài không cải thiện khả năng, lạm dụng biểu cảm lố và thế mạnh mau nước mắt của mình, Nhã Phương đã bị phản ứng. Trường hợp của Nhã Phương cũng có thể được lý giải theo một câu nói rất biện chứng: "Khuyết điểm là gì? Khuyết điểm chẳng qua chỉ là ưu điểm kéo dài quá mức cần thiết khi hoàn cảnh thay đổi".
Theo: Zing.vn