Người cần quên phải nhớ đánh dấu cuộc hợp tác giữa đạo diễn Đức Thịnh và nhà sản xuất Charlie Nguyễn. Cả hai đều là những gương mặt nhà làm phim đứng sau không ít bộ phim ăn khách của điện ảnh Việt Nam.
Do đó, dự án chung của hai người, với sự góp mặt của Hoàng Yến Chibi, Trần Ngọc Vàng, và HuyMe, gây không ít tò mò trước giờ ra rạp.
Người cần quên phải nhớ bắt đầu khi một bệnh nhân tâm thần cố gắng gọi điện thoại cho con gái nhưng bất thành. Người đàn ông sau đó không may qua đời.
Con gái ông, Loan (Hoàng Yến Chibi), không tin cha chết do cơn bệnh kịch phát. Nghi ngờ càng được củng cố khi cô nhận được manh mối từ James Bô (Thái Hòa) - một bệnh nhân tâm thần từng là nhà văn trinh thám. Với nhiệt huyết và tham vọng của một nhà báo trẻ gan dạ, Loan quyết tâm điều tra rõ chân tướng sự việc.
Ở phía còn lại của câu chuyện, Bình (Trần Ngọc Vàng) là một thanh niên học đòi thói lưu manh khi làm công việc giao hàng cho “Răng vàng” (Xuân Phúc) - trung gian của một đường dây tội phạm ẩn mình trong viện tâm thần.
Để tiến thân, Bình nhận nhiệm vụ do Răng vàng giao cho. Anh cần hành hung, dọa cho Loan sợ hãi để cô từ bỏ công việc điều tra viện tâm thần. Không ngờ, gã giang hồ giả hiệu bị nữ phóng viên đánh tới mất trí nhớ.
Tương kế tựu kế, Loan vào vai bác sĩ tâm lý, lợi dụng Bình để điều tra về chân tướng cái chết của cha, cũng như những hành vi phi pháp đang diễn ra bên trong trại tâm thần. Giữa cuộc điều tra, một thứ gì đó lớn hơn tình bạn hình thành giữa hai người.
Về tổng thể, Người cần quên phải nhớ là tác phẩm điện ảnh hài hước, dễ xem, dễ chịu. Phim kết hợp yếu tố điều tra phá án với thể loại hài - lãng mạn luôn được lòng khán giả.
Đặc biệt, sự xuất hiện của Đức Hải và Thái Hòa trong vai hai bệnh nhân tâm thần là điểm nhấn thú vị của tác phẩm. Nếu Đức Hải khiến khán giả ngậm ngùi khi hóa thân thành người cha gia trưởng nhưng cô đơn, thì Thái Hòa mang đến tiếng cười đáng mến bằng hình ảnh “điệp viên” James Bô điên khùng nhưng thực ra rất "tỉnh".
Trong dàn diễn viên phụ, Cường của HuyMe cũng là gương mặt đáng nhớ. Chàng vlogger dấn thân vào nghiệp diễn khá hợp với chất hài của Đức Thịnh từ sau vai chính trong Anh thầy ngôi sao (2019).
Xuyên suốt Người cần quên phải nhớ, Cường đóng vai bạn thân, nhưng cũng là tiếng nói lương tâm của Bình. Anh chỉ xuất hiện những lúc nhân vật chính đã “chạm đáy”.
Tương tự James Bô của Thái Hòa, Cường xuất hiện không nhiều, nhưng mỗi màn xuất hiện đều đáng nhớ với loạt thoại “đi thẳng vào vấn đề”. Nhân vật có khả năng tóm tắt chính xác tình huống mà Bình đang gặp phải cũng như giúp cậu bạn thoát thân.
Bộ phim của đạo diễn Đức Thịnh và Charlie Nguyễn mang đến cho khán giả chuyện tình đẹp khi yêu đương khiến con người hướng thiện, một vụ điều tra ly kỳ phanh phui những tội ác phi nhân tính, và rất nhiều tiếng cười.
Khán giả thỏa sức vui cười với hành trình của các nhân vật trên màn ảnh. Nhưng khi ra về, đọng lại trong họ không chỉ là niềm vui, mà còn là chút ưu tư về những điều rất thật. Đó là gánh nặng kỳ vọng và sự áp đặt trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, là tầm quan trọng của việc tỉnh táo nhận ra bản thân cần gì giữa vòng xoáy danh vọng những ngày đầu lập thân, lập nghiệp…
Cùng lúc, Người cần quên phải nhớ mắc phải hai khuyết điểm thường thấy của phim điện ảnh Việt: cấu trúc đầu voi đuôi chuột trong các tác phẩm trinh thám giật gân, và sự lê thê trong cách trình bày vấn đề của thể loại tâm lý tình cảm.
Trong cao trào khi mọi âm mưu đằng sau bệnh viện tâm thần bị phanh phui, kết luận của Loan vẫn để lại nhiều lỗ hổng. Khán giả chưa biết trùm cuối thực sự là ai, hay cụ thể âm mưu khủng khiếp đang diễn ra trong viện là gì, ngoài những từ khóa “buôn bán nội tạng” hay “rửa tiền” rời rạc.
Người cần quên phải nhớ cũng gây khó chịu khi đánh trống lảng nhiều câu hỏi quan trọng, như việc viện trưởng có biển thủ công quỹ hay không bị lấp liếm bằng thông tin ông không ngoại tình, hay việc Bình phát hiện mình tiếp tay cho hành vi buôn bán nội tạng trở thành “họ giao tôi chuyển đi cái gì lạnh lắm”.
Người cần quên phải nhớ có hai khoảnh khắc lắng đọng, đánh dấu sự chuyển biến trong tâm lý Loan. Khoảnh khắc thứ nhất giúp cô giải phóng cảm giác ăn năn vẫn chất chồng khi lạnh nhạt với bố những ngày cuối đời, trong khi giây phút còn lại khiến cô nhận ra tình cảm của bản thân.
Tuy nhiên, cả hai yếu điểm lần lượt trở thành điểm yếu khi nhà làm phim không chiến thắng được nỗi lo lắng khán giả không hiểu mình muốn nói gì. Kết quả, phim sa vào lối thể hiện giáo điều, “cầm tay chỉ việc”.
Cảnh bữa cơm gia đình, khi Loan bóc tôm và khóc nức nở, tác phẩm đã làm tốt khi lồng ghép tình tiết quá khứ mâu thuẫn của hai cha con. Lượng thông tin như vậy là đã đủ, nhưng Loan lại đọc một bản kiểm điểm trên màn ảnh, trình bày những nỗi ân hận, nhớ nhung của cô. Thực ra, khán giả đã hoàn toàn “đọc” được những điều đó qua diễn xuất của Hoàng Yến Chibi.
Tương tự, việc công khai lá thư Loan viết gửi Bình ở cuối phim cũng là chi tiết dài dòng, lợi bất cập hại khi để lộ điểm yếu ở chất giọng của Hoàng Yến Chibi. Đài từ của nữ diễn viên hơi trẻ con so với một người phụ nữ trưởng thành như Loan.
Cuối cùng, không ảnh hưởng quá lớn đến chất lượng bộ phim, nhưng việc lạm dụng các bản hit, cũng như sự xuất hiện của Chillies, khiến Người cần quên phải nhớ đã có khoảnh khắc trở thành như một mini live show của nhóm nhạc.
Lời bài hát, vốn đã mang một câu chuyện và đời sống riêng trước khi lên màn ảnh, gây ra những xao lãng không đáng có. Ca khúc trẻ trung, hiện đại cũng chưa tìm thấy tiếng nói chung với phần nhạc nền mang màu sắc cổ điển của Christopher Wong.
Trong sự kiện ra mắt phim, nhà sản xuất Charlie Nguyễn chia sẻ anh muốn Người cần quên phải nhớ sẽ trở thành một bộ phim khán giả có thể thoải mái thưởng thức trong mùa lễ hội cuối năm. Ít nhiều, tác phẩm của anh và đạo diễn Đức Thịnh đã đạt được mục đích ấy.
Theo: Zing.vn