Nhà đầu tư bất ngờ thoái vốn khỏi Hãng phim truyện Việt Nam

By Dvvn thg 9 21, 2018
Sau nhiều chuyện lùm xùm về 'yêu điện ảnh hay yêu đất vàng' xung quanh việc cổ phần hóa Hãng phim truyện VN, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ nhiều vi phạm trong cổ phần hóa và đưa ra hướng giải quyết khá bất ngờ.

Thời điểm cổ phần hóa, nhiều cơ sở đất đai do VFS quản lý tại Hà Nội và TP.HCM đều ở các vị trí đắc địa, được coi là 'đất vàng'

Ngày 20.9, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ra thông báo kết luận thanh tra “công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện VN”. Đây là cuộc thanh tra đột xuất được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng sau khi nhận được nhiều phản ảnh trái chiều từ Hội Điện ảnh VN, nhiều cán bộ, nhân viên hãng phim.

Nhiều sai phạm

TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ VH-TT-DL tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý đối với Trưởng ban và các thành viên có liên quan của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Bộ VH-TT-DL; Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc cổ phần hóa Công ty VFS theo từng thời kỳ và người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu VFS trong thời kỳ để xảy ra vi phạm.

Theo TTCP, việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện VN (VFS) là phù hợp với chủ trương của nhà nước và cần thiết để huy động vốn, mở rộng quy mô hoạt động của doanh nghiệp cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong tình trạng doanh nghiệp nhiều năm liền thua lỗ triền miên, dẫn đến gần bờ vực phá sản. Tuy nhiên quá trình cổ phần hóa hãng phim đã để xảy ra không ít hạn chế, khuyết điểm. Cụ thể, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa không thực hiện việc lựa chọn đơn vị tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn cổ phần hóa, để công ty lựa chọn là chưa thực hiện đúng pháp luật.

TTCP chỉ rõ việc Hãng phim truyện VN ký các hợp đồng cho thuê nhà, đất sai mục đích sử dụng, trái thẩm quyền theo quy định của luật Đất đai.

Tại phương án cổ phần hóa và chuyển VFS thành công ty cổ phần, Hãng phim truyện VN xây dựng phương án sử dụng đất trong đó bao gồm cả toàn bộ diện tích 1.208 m2 tại khu đất số 6 Thái Văn Lung, Q.1, TP.HCM và toàn bộ khu đất tại số 4 Thụy Khuê, Q.Tây Hồ, Hà Nội khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cũng theo kết luận thanh tra, việc quản lý, theo dõi, hạch toán công nợ phải thu, phải trả tại công ty còn chưa đúng quy định dẫn đến xảy ra một số vi phạm như: quản lý và theo dõi khoản phải thu khác, đối tượng là Cục Điện ảnh chưa đúng; theo dõi khoản trả trước cho chi nhánh Công ty cổ phần điện ảnh truyền hình (TP.Hà Nội) chưa chính xác; việc hạch toán khoản vay nợ dài hạn của Công ty cổ phần quảng cáo Sao thế giới là không đúng; số tiền lương trả thiếu cho người lao động và số tiền lương đã chi thanh toán cho người lao động không đi làm chưa được hạch toán; đơn vị không thực hiện việc thông báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý về phương pháp và thời gian trích khấu hao; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, kết quả kinh doanh các năm đều lỗ liên tiếp...

Nhà đầu tư chiến lược VIVASO xin rút vốn

TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo: “Bộ VH-TT-DL xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ tục theo quy định để cho nhà đầu tư chiến lược (Tổng công ty vận tải thủy - VIVASO) xin rút vốn trước thời hạn”; Chủ trì làm việc với nhà đầu tư mới đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định và các đơn vị có liên quan thực hiện các quy trình, thủ tục tiếp nhận và chuyển giao Hãng phim truyện VN theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất của các đơn vị thuộc Bộ.

Ngoài ra, TTCP cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ VH-TT-DL tổ chức kiểm điểm, chỉ đạo các đơn vị tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý đối với các đơn vị, cá nhân trước những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm như đã nêu, cụ thể: Trưởng ban và các thành viên có liên quan của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Bộ VH-TT-DL; Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc cổ phần hóa Công ty VFS theo từng thời kỳ và người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của VFS trong thời kỳ để xảy ra vi phạm.

Tháng 4.2016, Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện VN (VFS) đã tiến hành cổ phần hóa với một nhà đầu tư duy nhất là Tổng công ty vận tải thủy (VIVASO), vốn chưa từng có hoạt động liên quan đến điện ảnh. Hãng phim được định giá 50 tỉ đồng vốn điều lệ và bán 3,25 triệu cổ phần (tức 65%) tương đương 32,5 tỉ đồng cho VIVASO, nhà nước chỉ giữ 20%, cán bộ công nhân viên nắm giữ 4,5% cổ phần; đấu giá công khai 10,5%. Tháng 7.2017, hoàn tất quá trình cổ phần hóa, VIVASO tiếp nhận điều hành VFS.

Ngày 13.10.2017, TTCP công bố quyết định thanh tra Hãng phim truyện VN.

Theo Thanh Niên
© Copyright 2017 Dien Vien Viet Nam. All rights reserved.
Powered by Nilead
Hotline: 0338 179 168
Website hiện đang trong quá trình chờ cấp phép.