Đêm thi chủ đề Hành trình nghệ thuật của chương trình Siêu thủ lĩnh lên sóng với màn tranh tài của Thành Gia và Mộng Như. Đảm nhận vai trò giám khảo là MC Thanh Bạch, đạo diễn Vũ Thành Vinh và danh hài Minh Nhí.
Mở đầu là phần thi của Thành Gia. Nam thí sinh chia sẻ về kịch nói qua từng cột mốc thời gian. Năm 1921, Chén thuốc độc của Vũ Đình Long được công diễn, đặt dấu mốc cho sự ra đời của loại hình nghệ thuật này. Bước sang thập niên 60 của thế kỷ XX, kịch nói bước vào thời hoàng kim với nhiều vở diễn ăn khách. Một trong số đó không thể không nhắc đến kịch Kim Cương với những vở bi kịch dài lấy đi nước mắt khán giả và trở thành những tác phẩm kinh điển. Đến những năm 80 - 90, hàng loạt tác phẩm thể nghiệm mới, sáng tạo cuốn theo dư luận sôi nổi ra đời, tiêu biểu phải kể đến Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Bước vào thế kỷ XXI, đứng trước sự bùng nổ của mạng xã hội, kịch nói không còn giữ được vị thế độc tôn như trước.
Thí sinh Thành Gia tạo nên một diễn đàn mà ở đó, anh cùng với khách mời là NSƯT Đức Hải và NSƯT Hạnh Thúy chia sẻ về chủ đề này. NSƯT Đức Hải cho biết ông rất lạc quan và tin tưởng rằng một ngày không xa, kịch nói sẽ trở lại thời kỳ hoàng kim: “Có nói thế nào tôi cũng rất lạc quan. Có những người một ngàn khán giả cũng diễn, một khán giả cũng diễn, diễn bằng cả con tim. Tần suất trên truyền hình nhiều ảnh hưởng đến nghệ sĩ nhưng không đáng kể. Cơ bản là chúng ta đã chọn nghề thì phải bằng lòng với nghề”. Nam nghệ sĩ cho rằng tất cả mọi loại hình không riêng gì kịch nói đều phát triển theo biểu đồ hình sin, có lên có xuống.
Cùng quan điểm với đồng nghiệp, NSƯT Hạnh Thúy không muốn mọi người nhìn hiện trạng của kịch nói theo góc nhìn bi quan bởi vì vẫn còn nhiều khán giả vẫn thương và sống chết với kịch. Theo nữ nghệ sĩ, ở cùng một sân khấu có những vở rất ăn khách nhưng cũng có những vở không thu hút được người xem. Thay vì bi quan thì nên nhìn nhận vấn đề thực tế hơn và làm cho khán giả đến với sân khấu mới là điều quan trọng. Đức Hải nói thêm một vở diễn hấp dẫn quy tụ nhiều yếu tố khác nhau từ kịch bản mang chất liệu đời sống đến cách dàn dựng cũng như sự tỏa sáng của diễn viên trên sân khấu. “Tại sao bây giờ cảm giác không hay như ngày xưa, do cách nhìn, đặt vấn đề và giải quyết vấn đề thôi", nam khách mời cho hay.
Đồng thời, khi bàn về sự khác biệt so với điện ảnh, Đức Hải cho rằng kịch nói tiếp cận trực tiếp với khán giả. Vì vậy, nếu diễn viên nói sai một từ là “chết tươi". Trong khi đó, nếu quay điện ảnh, người làm nghề có thể diễn lại được. “Cảm xúc thẩm thấu của người xem trực diện và người diễn trực tiếp nó khác", ông nêu quan điểm. Nếu được chọn một điểm thay đổi để giúp kịch nói quay lại thời hoàng kim, NSƯT Đức Hải chọn lắng nghe khán giả. Khách mời tâm sự: “Khán giả hãy cho chúng tôi biết các bạn cần gì, đòi hỏi gì và chúng tôi sẽ cố gắng làm vì điều đó. Bởi vì không có khán giả, vở có hay cỡ nào, diễn viên có tài năng như thế nào cũng bằng con số 0".
Qua cuộc trò chuyện, Thành Gia đã mang đến góc nhìn khác nhau về kịch nói từ những người trong cuộc. Kết thúc phần thi là trích đoạn của vở kịch Bông hồng cài áo với nhiều cảm xúc cho người xem. MC Thanh Bạch nhận định Thành Gia sở hữu nhiều lợi thế như giọng nói hay, biết ca biết nhảy, điều đó sẽ hỗ trợ rất nhiều cho công việc trên sân khấu. Vũ Thành Vinh gửi lời cảm ơn đến NSND Kim Cương cho phép tái hiện lại vở diễn. Nam giám khảo khen thí sinh làm nổi bật được câu chuyện chủ đề và nhạy bén trong việc bắt vào câu chuyện cùng hai khách mời. Tuy nhiên ứng viên này vẫn bị đánh giá là hiền và thiếu tính chủ động. Tiết mục chạm đến trái tim của danh hài Minh Nhí. Ông thích cách Thành Gia đặt vấn đề và những hoài bão dành cho kịch nói. Kết quả, thí sinh chưa được huy hiệu vì chỉ nhận 2 đồng thuận từ danh hài Minh Nhí và MC Thanh Bạch.
Theo: thanhnien.vn