Sinh năm 1953 tại An Giang, NSƯT Kim Phương có mẹ là nghệ sĩ Kim Phụng, từng nổi danh ở nhiều đoàn cải lương. Do vậy từ bé, bà đã mang trong lòng niềm say mê ca hát, cũng như thừa hưởng được chất giọng cao của đấng sinh thành. Bà theo mẹ đi hát từ năm 14 tuổi, bắt đầu từ các vai đào con, kép con cho đến đào nhì. Năm 17 tuổi, nữ khách mời vụt lên trở thành đào chính. Bà đã để lại trong lòng người xem những dấu ấn đẹp qua các vai diễn như: Doanh Doanh (vở Chín đường tuyệt kiếm), Trưng Nhị (vở Tiếng trống Mê Linh), Dương Vân Nga (vở Thái hậu Dương Vân Nga), cô Lựu (vở Đời cô Lựu), Thị Hến (vở Ngao Sò Ốc Hến), vợ Nguyễn Hữu Tiến (vở Bóng ai trên sông lạnh)...
Tuy nhiên, đến năm 28 tuổi, bà lại chuyển sang vai mụ. Kim Phương kể lúc đó dù nhỏ hơn cố nghệ sĩ Thanh Sang đến 10 tuổi nhưng mà bà lại được giao đóng vai mẹ của ông. Từ đó, nữ nghệ sĩ chuyển luôn tính cách và gần như chuyên trị những vai có tính cách dữ dằn trên sân khấu. Nói về lý do của sự chuyển đổi này, NSƯT Kim Phương khiêm tốn cho biết bà không có được lợi thế về làn hơi đặc biệt giống các nghệ sĩ cùng thời như NSND Ngọc Giàu, NSƯT Thanh Kim Huệ, nghệ sĩ Phượng Liên… nên để có thể gắn bó lâu dài với nghề, diễn viên sinh năm 1953 bắt buộc phải thay đổi.
Nói thêm về hành trình hoạt động nghệ thuật của mình, Kim Phương kể báo chí từng viết về bà như một nghệ sĩ có tài, có tuổi nhưng lại không có tên. Vì người ta ít khi chú ý đến tên của nữ khách mời nên hay gọi nhầm là Kim Phượng, hoặc nhầm với NSND Hồng Vân, NSND Kim Xuân, thậm chí là với Á hậu - NSƯT Trịnh Kim Chi. Bà không chạnh lòng nhưng đôi lúc cũng bị sượng sùng. Tuy nhiên, diễn viên Cổng mặt trời cho rằng quyết định năm xưa của mình có lẽ là đúng vì nó đã tạo cho bà một lối đi riêng, giúp bản thân trở thành một nghệ sĩ chuyên trị vai tính cách và sống trong lòng khán giả. Điều đó được minh chứng thông qua “gia tài" vai diễn đồ sộ mà bản thân nữ nghệ sĩ có được trong suốt hơn 50 năm làm nghề.
Bên cạnh câu chuyện về nghề, NSƯT Kim Phương còn có những chia sẻ xúc động về cuộc đời và những ký ức của bà về vùng đất Sài Gòn - TP.HCM. Nữ khách mời kể, trước năm 1975, khi đó bà và mẹ còn đang đi hát ở tỉnh, nghe tin được về Sài Gòn diễn, cảm xúc của bà như “được đi… nước ngoài vậy”. Song khi được về vùng đất này, bà cũng chỉ quanh quẩn ở rạp chứ không được đi khám phá thành phố. Phần vì cá tính của bà chỉ chuyên tâm vào công việc, phần vì lúc đó bản thân nữ nghệ sĩ cũng quá nghèo.
Năm 1976, Kim Phương về đoàn cải lương Thanh Nga. Lúc này, bà và chồng (cố nghệ sĩ Đặng Vinh Quang) thuê một căn phòng trọ nhỏ trên đường Nguyễn Trãi (Q.1) để gần điểm diễn. Vì quá nghèo, nên mỗi khi chiều xuống, cả hai cùng lót lòng đỡ bằng ổ bánh mì rồi lội bộ ra đường Ngô Tùng Châu để quá giang xe của nghệ sĩ Thanh Nga đến điểm diễn. Sau khi diễn xong, cả hai lại tiếp tục quá giang về và lại ăn bánh mì qua ngày... Cứ thế, cho đến khi vợ chồng bà tích cóp mua được chiếc xe đạp cũ ở chợ Bà Chiểu để đi diễn thì mới thôi đi nhờ xe của đồng nghiệp.
Trong cuộc đời của NSƯT Kim Phương có lẽ không thể không nhắc đến 2 nỗi đau lớn nhất là khi mất chồng, mất con. Bà kể ngay mùng 1 Tết năm 1975, khi đang biểu diễn trên sân khấu thì đứa con trai ba tuổi qua đời vì bệnh. Chồng của bà lẳng lặng đi xin đất của chùa để chôn cất, còn nữ nghệ sĩ vẫn phải hoàn thành vai diễn phục vụ khán giả. Khi bước vào bên trong sân khấu, bà như người mất hồn, mãi cho đến khi xong vở diễn, những giọt nước mắt mà Kim Phương kìm nén mới được dịp tuôn trào. Những tưởng nỗi đau này chỉ đến một lần trong đời nhưng nó lại ập đến với bà một lần nữa vào đúng 42 năm sau. Khi bà và con trai đang quay hình chương trình có chủ đề Tết cho HTV thì nghe tin chồng mất. Dù cả hai đã chia tay nhau nhiều năm trước nhưng giữa bà và cố nghệ sĩ Đặng Vinh Quang vẫn còn tình bạn và tình đồng nghiệp. Bà và con trai lại một lần nữa nén nỗi đau vào lòng, cố quay cho xong rồi vội vàng đến nhìn mặt chồng, mặt cha lần cuối.
Vượt qua những giai đoạn khó khăn, đến hôm nay, ở tuổi gần 70, NSƯT Kim Phương đã có một cuộc sống viên mãn bên con cháu. Tuy nhiên, bà không dừng lại mà vẫn hăng say lao động như một cánh chim không mỏi. Có lẽ vì niềm đam mê nghệ thuật của diễn viên sinh năm 1953 quá lớn, cũng vì bà đã quan niệm: “Trót mang kiếp tằm nên phải vương tơ".
Theo: thanhnien.vn