uy nhiên tại Việt Nam ít phim trường được xây dựng đã ảnh hưởng đến sự phát triển của nghệ thuật thứ bảy nói chung, gây khó khăn, thử thách đối với giới làm nghề nói riêng.
Chạnh lòng khi nhìn ra xứ người
Tại Việt Nam, thực tế cho thấy không có nhiều phim trường quy mô, hiện đại. Phim trường Cổ Loa (Hà Nội) được biết đến là phim trường lớn nhất nước ta, đã ra đời từ hơn 50 năm trước và là nơi thực hiện các bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt như Chung một dòng sông, Chị Tư Hậu... Tuy nhiên trải qua thời gian, dù đã được đầu tư quy hoạch lại với trăm tỉ gần 10 năm nay nhưng phim trường Cổ Loa sau đó rơi vào cảnh hoang phế. Với quy mô hơn 15ha, phim trường Cổ Loa thời gian gần đây mới dùng để quay các bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ, Huyền sử Thiên Đô. Trong khi đó, nhiều hạng mục ngoại cảnh của phim trường này được làm tạm bợ bằng xốp, gỗ dán... nên một thời gian sau vì tác động của nắng mưa, thiếu kinh phí bảo trì nên nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng.
Phối cảnh phim trường cổ trang tại xã Thượng Yên Công (Quảng Ninh).
Ngoài ra, một số phim trường ở phía Nam như phim trường của Công ty BHD (quận 9, TP. Hồ Chí Minh), Hãng phim Chánh Phương (quận 12)... cũng từng được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, trong số các phim trường này cũng đã có phim trường bị xóa sổ vì ít hiệu quả và phải trả lại mặt bằng như phim trường Vision 21. Giới làm nghề cho rằng, sở dĩ các phim trường tại Việt Nam không phát huy được hiệu quả, sứ mệnh bởi thay vì bối cảnh được xây dựng cố định, được quy hoạch và giữ lại cho nhiều đoàn làm phim cùng sử dụng thì phim trường của ta chỉ được dựng tạm bợ bằng gạch mỏng, tre, gỗ ván ép hay xốp mút, quay xong phim nào thì phá bỏ. Việc đầu tư cho các dàn đèn, cách âm, điều hòa nhiệt độ trong nhiều phim trường chưa được đồng bộ, thậm chí chắp vá.
Nếu nhìn ra thế giới và các nền điện ảnh phát triển thì chúng ta không khỏi chạnh lòng. Trung Quốc từ lâu nổi tiếng với phim trường Hoành Điếm; Hàn Quốc có phim trường Suncheon, Namyangju; Nhật Bản với phim trường Kyoto, Universal studio Japan. Tại các phim trường này, nhiều nhà làm phim đã cho ra đời các tác phẩm điện ảnh tạo được tiếng vang và sức hút lớn với khán giả như Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Anh hùng xạ điêu, Bản tình ca mùa đông, Hương mùa hè, Chuyện tình Paris... Với việc đầu tư xây dựng hệ thống phim trường mang nhiều nét văn hóa đặc trưng của dân tộc để kết hợp phục vụ điện ảnh và phát triển du lịch, phim trường của những quốc gia kể trên không chỉ hoành tráng, hiện đại mà còn là địa điểm thu hút đông đảo các đoàn làm phim, du khách đến tham quan góp phần giúp ngành du lịch các nước này phát triển.
Thắp lên hy vọng
Việc không có phim trường đáp ứng đủ những điều kiện cần và đủ để thực hiện một bộ phim khiến giới làm nghề lâm vào khó khăn. Theo đạo diễn Đào Bá Sơn, vì không có phim trường nên khi làm phim Long Thành cầm giả ca, ê-kíp phải đi chọn cảnh thật, sau đó sửa chữa, thêm thắt cho ra bối cảnh phim và đó là một hành trình rất vất vả. Đáng lo ngại hơn, trong một số phim lịch sử, do không có phim trường đạt chuẩn, một số nhà sản xuất chọn đình, chùa để làm bối cảnh nhưng không ít bộ phim bị khán giả đánh giá xúc phạm chốn tôn nghiêm. Thậm chí, phim lịch sử Thái sư Trần Thủ Độ, Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long tốn rất nhiều tiền để thuê phim trường Hoành Điếm (Trung Quốc) để thực hiện, nhưng khi phim về Việt Nam có nhiều bối cảnh, trang phục có yếu tố ngoại lai khiến dư luận dậy sóng.
Nhà sản xuất Nguyễn Hữu Trọng cho rằng, hiện nay chúng ta đang rơi vào tình trạng không có cái để quay và không tiết giảm được chi phí. Việc có một trường quay là nhu cầu cực kỳ bức thiết trong tương lai gần. Đáng mừng, hiện nay, công trình xây dựng trường quay phim cổ trang Việt Nam tại xã Thượng Yên Công gần danh thắng Yên Tử (TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) với diện tích 14,6 ha đang được tiến hành, hứa hẹn là phim trường chuyên nghiệp, hiện đại đầu tiên, lớn nhất tại Việt Nam. Phim trường tại Thượng Yên Công sẽ chia thành các phân khu chức năng khác nhau. Trong đó, ở phim trường 1 bố trí cảnh quan mô phỏng đời sống văn hóa bản địa và nhiều công trình phóng tác như: chợ quê, bãi tập binh lính, đền - miếu dân gian và một số cụm kiến trúc mô phỏng khu sứ quán, trạm ngựa, nơi tiếp sứ thần, cổng thành cổ, lầu gác, nhà sàn. Bên cạnh đó, tại khu phim trường 2 là khu trung tâm của dự án với 6 khu phục dựng cảnh quan theo đặc thù vùng miền, giai cấp, địa vị xã hội thu nhỏ của một kinh đô xưa.
Ngoài ra, phim trường tại xã Thượng Yên Công còn có các khu vực phố thị, làng xã Việt Nam, hồ thiền phục dựng theo đúng lối kiến trúc đặc trưng của từng vùng miền dân tộc. Vì thế nhiều người kỳ vọng, phim trường tại Thượng Yên Công trong tương lai gần hoàn thành sẽ là địa điểm lý tưởng để thực hiện các bộ phim cổ trang, dã sử, lịch sử với không gian đậm chất điện ảnh, giàu bản sắc văn hóa. Đồng thời, phim trường cũng hứa hẹn là điểm đến của du khách, nhất là những người vừa ham thích du lịch lại vừa yêu điện ảnh.
Theo Suckhoedoisong