Phim ảnh, sân khấu hạn chế cảnh hút thuốc: Cần thiết nhưng cần cụ thể

By dvvn thg 10 23, 2018
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã ký ban hành Thông tư số 25 ngày 30-8-2018 quy định việc hạn chế sử dụng hình ảnh diễn viên hút thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh. Thông tư này có hiệu lực từ 15-11, thay thế cho Thông tư số 02 ban hành năm 2014.
Thông tư này quy định nguyên tắc, nội dung việc hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan như tổ chức, cá nhân biểu diễn nghệ thuật, sản xuất, nhập khẩu phim, phát hành phim, phổ biến phim và tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động sân khấu, điện ảnh.
Cụ thể, Thông tư căn cứ Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012, Luật Điện ảnh 2006 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh năm 2008, căn cứ Nghị định 79 và Nghị định sửa đổi bổ sung số 15 trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật biểu diễn.

Theo đó, Thông tư 25 cấm sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong các trường hợp sau: Thể hiện hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 9 và Điều 13 Luật Phòng chống, tác hại của thuốc lá, trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án các hành vi này; Ca ngợi tổ chức, cá nhân thành công từ sản xuất, kinh doanh thuốc lá; Thể hiện trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh dành cho trẻ em; Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Diễn viên chỉ có thể sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt. Đối với trường hợp hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá nhằm mục đích nghệ thuật thì thực hiện theo quy định tại Điều 4, Điều 5 của Thông tư. Điều 4 quy định diễn viên sử dụng thuốc lá nhằm mục đích nghệ thuật trong tác phẩm sân khấu trong các trường hợp: Khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử có thật, tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định, phê phán và lên án hành vi sử dụng thuốc lá, các trường hợp khác được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trên cơ sở đề nghị của Hội đồng nghệ thuật. Khi sử dụng thuốc lá nhằm mục đích nghệ thuật, diễn viên không thực hiện hành vi hút thuốc thật trên sân khấu.


Một cảnh quay hút thuốc trong phim “Người phán xử”. Ảnh: Đoàn làm phim

Đối với lĩnh vực điện ảnh, quy định sử dụng hình ảnh diễn viên hút thuốc lá nhằm mục đích nghệ thuật trong các trường hợp tương tự như tác phẩm sân khấu. Ngoài ra các trường hợp khác được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trên cơ sở đề nghị của Hội đồng thẩm định. Nếu phim có nhiều cảnh diễn viên sử dụng thuốc lá theo đánh giá của Hội đồng thẩm định thì việc phổ biến phim phải đảm bảo một trong các yêu cầu sau: Được phân loại để phổ biến theo lứa tuổi phù hợp dựa trên các tiêu chí theo quy định; Có cảnh báo sức khỏe về tác hại của thuốc lá bằng chữ hoặc hình ảnh.
Ông Lê Thanh Liêm - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch) - cho biết trong quá trình lấy ý kiến của các nghệ sĩ trong lĩnh vực điện ảnh, sân khấu, tất cả đài truyền hình cả nước cho thông tư, ban soạn thảo thậm chí đã nhận được nhiều góp ý của các nghệ sĩ là cấm tuyệt đối luôn.

Về việc ra đời của Thông tư 25 này, giới nghệ sĩ có những quan điểm trái chiều. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết, anh tán đồng quan điểm này, bản thân anh cũng không đưa những cảnh hút thuốc vào phim nếu không thật sự cần thiết. Đạo diễn Phan Đăng Di cũng đồng tình với việc trong phim cho trẻ em thì không có cảnh hút thuốc. Tuy nhiên, theo đạo diễn Phan Đăng Di, việc hút thuốc cũng phản ánh hiện thực cuộc sống. Thông tư đang đưa ra các khái niệm khó định lượng, nên quy định cụ thể, rõ ràng thời gian có cảnh hút thuốc lá là bao nhiêu hoặc chiếm bao nhiêu toàn bộ thời gian phim thì được coi là ít hoặc nhiều. Theo anh, với các phim 18+ thì không nên quy định về việc hút thuốc trong phim.

Đạo diễn Bùi Tiến Huy nói riêng, các đạo diễn Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC) - Đài Truyền hình Việt Nam đã biết đến Thông tư này từ lâu nên trong quá trình làm phim, các đạo diễn đã cố gắng tuân thủ quy định mà Thông tư đề ra. Bản thân đạo diễn Bùi Tiến Huy cho rằng nên có những quy định này để nghệ sĩ ý thức được việc sử dụng thuốc lá như thế nào cho hợp lý trong một tác phẩm phim ảnh hoặc sân khấu. Theo quan điểm của của đạo diễn Bùi Tiến Huy, Thông tư không nên quy định cứng là “diễn viên không thực hiện hành vi hút thuốc thật” mà nên được sử dụng thật đắt trong những hoàn cảnh đặc biệt.

Trái ngược với các ý kiến tán đồng nội dung của Thông tư, đạo diễn Nguyễn Phương Điền cho rằng, Thông tư này sẽ hạn chế sự sáng tạo của người diễn viên lẫn đạo diễn, nó thể hiện sự cứng nhắc và không công bằng. Vì có những dạng nhân vật và tính cách nhân vật mà không được phép sử dụng thuốc lá thật sẽ làm giảm đi màu sắc đời sống của nhân vật. “Có những nhân vật cần phải phải xử lí điếu thuốc trên tay. Quảng cáo hay không quảng cáo là do mình định hướng... Cấm chung chung vậy làm cho phim ảnh mất đi một số màu sắc của phim và của vai diễn”, đạo diễn Nguyễn Phương Điền chia sẻ.

Có thể thấy, đa phần các nhà làm phim, sân khấu đều ủng hộ Thông tư, chỉ có vấn đề thời gian hút thuốc quy định như thế nào là ít, là nhiều thì cần được cụ thể hơn. Đạo diễn Vũ Xuân Hưng - Chủ tịch Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện - cho biết nghệ thuật điện ảnh rất phong phú. Một người cầm điếu thuốc trong phim để giải quyết vấn đề về mặt tâm lý nhưng khán giả cảm thấy ngắn mặc dù thời lượng đốt thuốc có thể dài. Hoặc cũng có cảnh như một nhân vật chỉ ngậm điếu thuốc một chút, thời lượng ngắn nhưng khán giả lại cảm thấy dài. Chính vì vậy, theo đạo diễn Vũ Xuân Hưng, khi áp dụng vào các trường hợp cụ thể, hội đồng sẽ phải thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng.

Phim ảnh là xã hội thu nhỏ của đời sống thực nên trong các tác phẩm phim ảnh, sân khấu, các cảnh hút thuốc đưa vào là cần thiết nhằm làm cho phim, tác phẩm sân khấu chân thực hơn. Tuy nhiên, việc hạn chế cảnh hút thuốc trên sân khấu, phim ảnh sẽ giúp các nhà làm phim, sân khấu hạn chế các cảnh hút thuốc thừa thãi trong phim, chỉ lựa chọn các cảnh quay đắt giá, có sự lựa chọn về số lượng, độ dài các cảnh hút thuốc, cử chỉ hút thuốc như thế nào là phù hợp nhất để tránh gây phản cảm cho khán giả mà vẫn mang lại hiệu quả làm toát lên được thông điệp của tác phẩm, khắc họa được cá tính, con người nhân vật, cũng là để tránh sai sót dẫn đến phim phải cắt dựng lại ảnh hưởng đến mạch phim sau này.

Theo PLXH
© Copyright 2017 Dien Vien Viet Nam. All rights reserved.
Powered by Nilead
Hotline: 0338 179 168
Website hiện đang trong quá trình chờ cấp phép.