Nghệ sĩ Trung Dũng và Hồng Vân trong Gạo nếp gạo tẻ
Đây tiếp tục là phim chuyển thể, từ kịch bản của Hàn Quốc và qua bàn tay “nhào nặn” của biên kịch trẻ đang “hot”: Nguyễn Hoàng Anh (biên kịch Cô Thắm về làng, đạo diễn kiêm biên kịch Về quê ăn tết...). Cùng thực hiện với đạo diễn Võ Thạch Thảo, bộ đôi nữ 8X Hoàng Anh - Thạch Thảo mang đến “món ăn thú vị” cho người xem truyền hình, khi đã “xử lý” hết mùi “kim chi” của Wang’s Family - bộ phim truyền hình đề tài gia đình ăn khách nhất Hàn Quốc năm 2013, chuyển tải được không khí gia đình Việt lẫn những câu chuyện vừa tưởng như vô lý mà lại rất gần gũi trong Gạo nếp gạo tẻ (80 tập, đang phát trên HTV2).
Gần nửa chặng đường phát sóng, người xem không chỉ cảm nhận phong vị đặc trưng của một gia đình gốc Bắc nhiều thế hệ trong nhà bà Mai (NSND Hồng Vân, vai diễn sau nhiều năm vắng bóng trên phim truyền hình của chị), từ mâm cơm cúng giỗ ông bà đến hình ảnh các thành viên quây quần làm làm món bún đậu mắm tôm..., mà có thể chia sẻ những uất ức của con gái lớn bà Mai (qua diễn xuất của Lê Phương) khi bị mẹ đối xử thiên vị hay “sôi máu” với lối sống ích kỷ của cô con gái thứ hai (Hân, do Thúy Ngân đóng)... Mới đây, trước sự bức xúc của khán giả dành cho nhân vật bà Mai, NSND Hồng Vân đã dành gần 30 phút để live stream tâm sự với người xem về vai diễn truyền hình gây sốt của mình.
Thúy Ngân 'Gạo nếp gạo tẻ' ghen với Huyền My, Lan NgọcDiễn viên Trung Dũng (vai chồng của Hân) cho rằng đây là phim anh “mất sức” nhiều nhất dù không thuộc thể loại hình sự, vì “những tranh luận liên tục cùng đạo diễn để đạt được những cảnh quay đúng chất nhất của tâm lý nhân vật”. Còn nghệ sĩ Mai Huỳnh nhìn nhận chưa thấy phim nào ông tham gia lại được nhà sản xuất tạo điều kiện cho đạo diễn hiện thực hóa các ý tưởng, phát triển thêm nội dung và chăm chút từng cảnh quay như vậy. “Điều đó làm cho diễn viên chúng tôi thấy phấn chấn và có niềm tin với mong muốn những người làm phim cố gắng để phim truyền hình Việt có vị trí trở lại trong lòng công chúng”, ông nói.
Bên cạnh Gạo nếp gạo tẻ, thời gian gần đây còn có những bộ phim tạo sự thu hút vì đề tài thú vị, cách thể hiện hấp dẫn như sitcom Bí mật quý ông (về cuộc sống của những người đàn ông hiện đại, đang phát trên THVL1), và các phim phát sóng trên VTV3: Thương nhớ ở ai (đề tài nông thôn xưa, chuyển thể từ tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng), Nếu còn có ngày mai, Cung đường tội lỗi (đều khai thác xung đột gia đình). Bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Công ty Mega GS (đơn vị sản xuất phim Cung đường tội lỗi, Nếu còn có ngày mai), cho biết, tỷ suất người xem Nếu còn có ngày mai luôn nằm trong top những chương trình giải trí của VTV. Bà nói thêm “5, 6 năm trước - giai đoạn sôi động của phim truyền hình, cũng trong vai trò giám đốc sản xuất, có năm chúng tôi thực hiện gần 1.000 tập phim. Trong khi hiện nay, phim truyền hình bị cạnh tranh bởi rất nhiều loại hình, kênh giải trí khác, việc duy trì khoảng 200 tập phim/năm cũng là mừng rồi. Vì thế, các nhà sản xuất, người làm phim phải ra sức trau chuốt cho sản phẩm của mình”.
Theo Thanh Niên