“Mì ăn liền” là một thuật ngữ dùng để chỉ dòng phim đặc trưng ở thị trường trong nước những năm 1990. Thực chất đây là dòng phim thương mại, xuất hiện trong bối cảnh điện ảnh Việt đang khủng hoảng về cả số lượng tác phẩm lẫn người xem.
Dòng phim này dùng chất liệu video, được sản xuất nhanh, quảng bá đơn giản và ra rạp chóng vánh để thu hồi vốn. Do vậy, nhiều người dùng từ “mì ăn liền” để mô tả dòng phim này.
Phim “mì ăn liền” đã thay đổi cuộc chơi phim ảnh thời bấy giờ, tạo nên một thế hệ ngôi sao điện ảnh với những cái tên như Lý Hùng, Diễm Hương, Lê Công Tuấn Anh, Y Phụng… Nhưng cũng không thể phủ nhận những hạn chế cả về nội dung lẫn hình ảnh mà đến nay vẫn gây tranh cãi.
Phim “mì ăn liền” bắt đầu xuất hiện vào cuối thập niên 1980. Đó là thời điểm màn ảnh rộng không được ưa chuộng. Số lượng phim điện ảnh được sản xuất tương đối thấp, không thu hút được khán giả. Dòng phim này như một luồng gió mới và nhanh chóng thống trị thị trường trong suốt 5 năm, từ 1990-1995.
Thời gian đầu, những bộ phim về tình yêu được ưa chuộng, trong đó có tác phẩm sáng giá như Vị đắng tình yêu của Hãng phim Giải phóng do Lê Xuân Hoàng đạo diễn với các diễn viên Thủy Tiên, Lê Công Tuấn Anh, Lê Cung Bắc, Y Phụng, Phước Sang...
Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 10 năm 1993, Vị đắng tình yêu đã giành được nhiều giải thưởng quan trọng như Bông sen vàng, Đạo diễn xuất sắc, Nam diễn viên chính xuất sắc.
Đây được xem là một bộ phim vừa thành công về doanh thu lẫn nghệ thuật. Vai diễn của Lê Công Tuấn Anh được đông đảo khán giả yêu thích, góp phần đưa nam diễn viên trở thành tài tử sáng giá nhất của màn ảnh thời bấy giờ.
Ngoài Vị đắng tình yêu, trước đó, Phạm Công - Cúc Hoa cũng được đánh giá là một điểm sáng của thị trường. Chuyển thể từ cốt truyện dân gian, bộ phim chiếm được tình cảm của nhiều khán giả, lấy nước mắt của không ít người. Cũng từ Phạm Công - Cúc Hoa, Diễm Hương và Lý Hùng trở thành cặp đôi được yêu thích bậc nhất, là minh tinh của màn ảnh.
Phạm Công - Cúc Hoa, Vị đắng tình yêu như vực dậy sinh khí của nền điện ảnh. Hàng trăm phim của dòng “mì ăn liền” sau đó được sản xuất. Riêng Diễm Hương đóng tới 60 phim lớn nhỏ với nhiều vai chính.
Một lứa diễn viên điện ảnh được hình thành, khuynh đảo màn ảnh. Hình ảnh của họ phủ sóng các “mặt trận” từ phim ảnh, ảnh lịch, sổ tay, băng-rôn.
NSND Hồng Vân mới đây mô tả đó là thời mà các diễn viên điện ảnh “ở khách sạn nào gần như khách sạn đó hư vì khán giả đòi vào để gặp nghệ sĩ”. Trong khi, NSND Thu Hà nhớ lại: “Không bao giờ dám đi cổng chính khách sạn vì khán giả vây kín”.
Đến giai đoạn 1994-1996, các nhà làm phim bắt đầu đua nhau khai thác đề tài dã sử, kiếm hiệp với các tác phẩm như Thạch Sanh - Lý Thông, Tráng sĩ Bồ Đề, Thăng Long đệ nhất kiếm, Lửa cháy thành Đại La... Phong cách diễm tình sướt mướt không còn phổ biến thay vào đó là nhiều tác phẩm nhái theo phong cách điện ảnh Hong Kong.
Thời điểm này, dòng phim "mì ăn liền" vẫn được yêu thích, những rạp chiếu vẫn kín đặc khán giả. Nhưng sau đó không lâu, những bộ phim thuộc đề tài dã sử cũng khép lại thời cực thịnh của dòng phim thương mại trước cuộc chấn hưng của điện ảnh nhà nước.
Giai đoạn 1997-1999, nhiều bộ phim của dòng “mì ăn liền” vẫn được sản xuất như Sau những giấc mơ hồng, Em không dối lừa, Sau cơn mưa trời lại sáng, Tóc gió thôi bay, Sao em vội lấy chồng...
Quay trở về với chủ đề tình yêu bi lụy, tuổi trẻ hoang mang nhưng dần dần chất lượng nội dung không còn hấp dẫn được khán giả. Dòng phim “mì ăn liền” chính thức bị khai tử vào cuối thập niên 1990 sau một thập kỷ tồn tại trên thị trường.
Giữa năm nay, Trung tâm hỗ trợ Phát triển tài năng Điện ảnh Việt Nam có tổ chức các buổi chiếu phim, giao lưu, trao đổi nhằm mục đích nhìn lại và đánh giá chính xác thời kỳ thịnh vượng của phim “mì ăn liền” những năm 1990.
Ba bộ phim được chọn để chiếu là Vị đắng tình yêu, Vĩnh biệt mùa hè và Tráng sĩ bồ đề. Vị đắng tình yêu tôn vinh tình yêu cao thượng. Vĩnh biệt mùa Hè đề cập tình yêu đầu đời, những ảo tưởng, vấp ngã của bốn cô gái học trò lớp 12 trước khi thực sự bước vào đời.
Trong khi Tráng sĩ bồ đề là một phim truyện dã sử kiếm hiệp Việt Nam được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Trương Tửu.
Đây là những bộ phim tiêu biểu của dòng phim mì ăn liền, được nhiều khán giả biết đến và yêu thích. Ba phim này cũng có sự góp mặt của nhiều ngôi sao điện ảnh và đại diện cho những phong cách khác nhau của dòng phim thương mại thập niên 90.
Đạo diễn trẻ Đỗ Quốc Trung nhận định: “Nhìn lại thời kỳ này có nhiều phim tốt, được nhiều người yêu thích và dòng phim giải trí đã có chỗ đứng trong lịch sử điện ảnh Việt”.
Ngoài ra, theo nam đạo diễn, thời kỳ này có những ngôi sao điện ảnh thực thụ như: Lý Hùng, Diễm Hương, Lê Tuấn Anh, Việt Trinh, Lê Công Tuấn Anh, Y Phụng, Thu Hà…
“Họ diễn xuất tự nhiên, chân thực, lấy được cảm xúc khán giả và thực sự là những ngôi sao điện ảnh mà cho tới bây giờ cũng khó có được diễn viên nào được mến mộ đến như vậy", anh nhấn mạnh.
Đạo diễn Đỗ Quốc Trung cũng cho rằng thời kỳ phim “mì ăn liền” còn có cả những đạo diễn, nhà làm phim giỏi, học từ nước ngoài về, có nghề và trách nhiệm với công việc.
Tất nhiên, vẫn còn đó những định kiến không thể xóa bỏ nhưng NSND Thu Hà nêu quan điểm: “Tôi cho rằng, dù là dòng phim nào đi chăng nữa thì yếu tố chính vẫn là khán giả. Mọi người có vẻ ác cảm với phim dòng đó, tôi cũng không bênh vực. Thời đó hay hiện giờ thì cũng có những phim rất nhạt nhẽo”.
“Mì ăn liền là những phim làm nhanh, có phim trúng thị hiếu nên được khán giả đón nhận và yêu mến. Một số nhà làm phim có thể không thích nhưng thực sự cách làm phim ngày đó cũng không phải quá tệ”, nữ diễn viên nói thêm.
NSND Thu Hà cũng nhấn mạnh rằng thời đó sự nổi tiếng của các ngôi sao điện ảnh là không thể phủ nhận, và sự yêu thích của khán giả vô cùng lớn. “Lý Hùng còn bị khán giả gần như lột sạch cả áo trên người để làm kỷ niệm”, diễn viên Lá ngọc cành vàng nhớ lại.
Những buổi chiếu phim và giao lưu mang tính nhìn lại "thời xa vắng" đã diễn ra đầy cởi mở. Nhìn chung, số đông đều đồng tình về những đóng góp không thể phủ nhận của dòng phim "mì ăn liền". Nhưng cũng như quy luật tất yếu, khi số lượng quá nhiều mà chất lượng không thay đổi, ắt thị trường phải có sự đào thải. Không chỉ điện ảnh thập niên 1990 mà ngày nay cũng vậy.
Theo: Zing.vn