Mới đây, ca sĩ Trọng Tấn xuất hiện với tư cách khách mời trong chương trình Những mảng màu cuộc sống thu hút sự quan tâm của khán giả.
Đến với chương trình, "ông hoàng nhạc đỏ" thoải mái kể về con đường ca hát, những kỷ niệm đáng nhớ trong suốt hơn 20 năm theo đuổi sự nghiệp ca sĩ.
Đoạt giải nhất Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc năm 1999, Trọng Tấn khiêm tốn nhận anh đã có phần "già hơn" cũng như "lực hát có phần giảm đi".
Nhận được câu hỏi bén duyên với ca hát từ khi nào của MC, Trọng Tấn chia sẻ: "Tôi biết mình thích hát từ khi còn rất nhỏ. Vẫn nhớ đêm Trung thu ai xung phong lên hát thì sẽ được phát kẹo nên tôi cũng thường là người lên đầu tiên. Hồi đó chỉ mới lớp 1, lớp 2 gì đó. Đến năm lớp 6 tôi chính thức tiếp cận âm nhạc, mê tiếng đàn guitar. May mắn tôi gặp được một anh bộ đội và được anh chỉ cho cách chơi vài ngón nghề, hè năm đó tôi thật sự đam mê chơi đàn".
Với Trọng Tấn, anh coi việc thi vào trường Nhạc viện Hà Nội (hiện là Học viện Âm nhạc Quốc gia) là một bước ngoặt cuộc đời. Đây là lần đầu tiên nam ca sĩ tự đi tàu hỏa từ Thanh Hóa tới Hà Nội. Kỷ niệm đầu tiên của anh về ngôi trường mơ ước là một nơi không quá hào nhoáng như suy nghĩ ban đầu của anh. Khi ấy, Nhạc viện chỉ là những khu tập thể cũ, sân bóng ngập cỏ.
Tuy nhiên, anh cho biết điều may mắn là gặp những người cô, người thầy dìu dắt từ ngày đầu tiên: "Rất may mắn là từ bước đường đó đã có những người thầy đã nâng bước cho tôi như cô Minh Huệ, thầy Trần Hiếu. Nếu như không có những người thầy như vậy, có thể tôi đã trượt năm đó".
"Ông hoàng nhạc đỏ" quan điểm rằng "nghề chọn người" và âm nhạc đã chọn anh. Trước khi đến với âm nhạc, anh biết vẽ từ rất sớm và song hành cả nhạc lẫn họa.
"Cơ duyên là có một người anh học ở Nhạc viện về chơi rồi thấy tôi chơi đàn và hát nên khuyên tôi thi vào Nhạc viện. Trong khi các bạn đã luyện tập khoảng 3-5 tháng thì tôi chỉ có 12 ngày để luyện tập. Tôi không biết là phải học những gì để đi thi", Trọng Tấn kể.
Thời gian đầu, nam ca sĩ không biết mình nên học về mảng gì: "Lúc đầu tôi không biết mình học nhạc gì, về sau vào học mới biết được đào tạo bài bản của kỹ thuật âm nhạc phương Tây, đa phần là cổ điển và nhạc cách mạng Việt Nam. Nhưng lúc đi hát tôi hát nhạc Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên".
Trọng Tấn được nhận xét là người có năng khiếu và liên tục nhận được học bổng của trường. Năm thứ hai, nam ca sĩ đi hát ở các sân khấu nhỏ để lấy kinh nghiệm.
"Lần đầu tiên tôi đến sân khấu Cung Việt Xô là khi dự thi vòng Chung kết của Giọng hát hay Hà Nội năm 1997. Thật sự tôi choáng ngợp vì trước đó chỉ đứng ở sân khấu bé xíu, chưa đến 100 người thôi. Giờ tôi đứng ở sân khấu hàng nghìn người, gấp 10 lần, tôi lọt thỏm giữa sân khấu, tự nhiên tay chân cứng đờ, không biết nên làm gì", nam ca sĩ chia sẻ lại.
Nhớ lại quyết định từ bỏ công việc giảng viên ở Học viện Âm nhạc Quốc gia và trở về quê nhà Thanh Hóa vào năm 2013, Trọng Tấn cho hay việc này là lý do cá nhân. "Dù là công chức ở trường hay nghệ sĩ tự do thì tôi vẫn dạy học, kể cả dạy ở nhà. Sẽ không có gì thay đổi cả. Có thể vài năm nữa sắp xếp tốt công việc riêng, cống hiến tốt hơn cho sự nghiệp ca sĩ thì tôi lại quay lại giảng dạy", anh nói.
Hiện tại, "ông hoàng nhạc đỏ" sinh sống trong căn nhà rộng rãi ở Hà Nội. Ngoài thời gian đi hát, tham dự sự kiện, ca sĩ Trọng Tấn còn kinh doanh.
Ngoài ra, nam ca sĩ cũng thường xuyên làm từ thiện. Mới nhất, ngày 14/4, Trọng Tấn thông báo về việc thực hiện chương trình phát ít nhất 10 tấn gạo tặng người nghèo có hoàn cảnh khó khăn mùa dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội.
Anh cho biết: “Tôi mong bạn bè và người hâm mộ hãy cùng chung tay với chương trình. Cá nhân tôi ủng hộ khởi điểm 2 tấn gạo. Giá gạo hiện tại khoảng từ khoảng 13-15 triệu đồng/tấn”. Hành động này của giọng ca Nơi đảo xa nhận được nhiều tình cảm của khán giả.
Theo: Zing.vn