Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, số lượng phim Việt ra rạp giảm sút đáng kể khi chỉ còn 22 tác phẩm. Con số này chỉ bằng khoảng 1/3 so với các năm trước. Cùng với việc giảm số lượng, doanh thu của phim Việt năm 2020 cũng giảm sút nhiều.
Số lượng phim đại thắng doanh thu phòng vé năm nay chỉ gồm một số cái tên lớn, được đầu tư chỉn chu, có chất riêng hoặc phát hành vào thời điểm thuận lợi, như Gái già lắm chiêu 3, Tiệc trăng máu, Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử, Ròm.
Trong số này, Gái già lắm chiêu 3 khởi chiếu trong dịp Tết nguyên đán, không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thu khoảng 165 tỷ đồng. Ròm ra mắt sau làn sóng dịch thứ hai, là cái tên gây tò mò bởi nhiều câu chuyện hậu trường gây tranh cãi và sớm thu 55 tỷ đồng sau 10 ngày trình chiếu.
Tiệc trăng máu của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng gây bất ngờ khi đạt doanh thu hơn 180 tỷ đồng. Còn Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử ra rạp vào dịp cuối năm và đang dần tiến đến cột mốc 100 tỷ đồng.
Cùng lúc, nhiều bộ phim đối diện với thất bại nặng nề, thua lỗ nhiều tỷ đồng như Võ sinh đại chiến, Người cần quên phải nhớ, Đỉnh mù sương, Bằng chứng vô hình...
Hai cú ngã ngựa liên tiếp của Người cần quên phải nhớ và Võ sinh đại chiến gây xôn xao dư luận. Cả hai đều được thực hiện chỉn chu, riêng Võ sinh đại chiến còn được báo chí ủng hộ về mặt chất lượng, nhưng rốt cuộc mang về chưa đầy 2 tỷ đồng tại phòng vé.
Trước đây, một số dự án phim được đầu tư, có sự tham gia của dàn diễn viên tên tuổi, nếu thua lỗ, doanh thu cũng đạt mức 7-8 tỷ đồng. Chẳng hạn, Chú ơi, đừng lấy mẹ con từng bị khán giả tẩy chay do chuyện tình cảm ồn ào giữa Kiều Minh Tuấn, An Nguy thu được 6 tỷ đồng. Fan cuồng có sự kết hợp của bộ đôi Thái Hòa - Charlie Nguyễn bị đánh giá là thất bại phòng vé, có doanh thu khoảng 9 tỷ đồng.
Sự phân cực giữa phim thắng và phim thua tại phòng vé trong năm 2020 rất lớn. Theo anh Nguyễn Phi Long (Poly) - một người nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông phim tại TP.HCM, điều này chứng tỏ sự khắc nghiệt của thị trường điện ảnh. Yếu tố khách quan là dịch bệnh gây ảnh hưởng nhiều tới thói quen xem phim, lựa chọn tác phẩm của khán giả.
Lý giải về cách biệt doanh thu ngày càng tách biệt, anh Long nói: "Khi dịch bệnh được khống chế, khán giả bắt đầu đi xem phim trở lại. Lúc này, rạp không có phim Mỹ, nên khán giả chọn xem phim Việt. Trên báo chí, diễn đàn phim ảnh, người ta nhận xét, đánh giá, bình luận chủ yếu về phim Việt.
Phim được khen hay bị chê đều có số lượng bài viết, nhận xét tăng nhiều. Và đa số khán giả xem phim dựa trên yếu tố truyền miệng. Phim nào bị chê, khán giả sẽ bỏ qua luôn. Còn phim hay, người ta dồn dập đi xem".
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhận định thói quen xem phim của khán giả đã thay đổi so với trước đại dịch. Anh phát biểu: "Những năm trước, một tuần, khán giả có thể đến rạp nhiều lần. Nhưng bây giờ, họ cẩn thận, lựa chọn kỹ hơn. Trước khi quyết định xem phim gì, họ sẽ đọc review để tham khảo".
Theo đạo diễn của Tiệc trăng máu, khoảng cách nới rộng giữa phim thắng và phim thất thu còn bắt nguồn từ cách vận hành mới của các nhà phát hành, cụm rạp.
"Trước đây, nhà phát hành có thể ký với nhà sản xuất cam kết một ngày có mấy suất chiếu, nhưng bây giờ không còn điều khoản đó. Việc xếp suất chiếu hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu khán giả. Phim nào nhiều khách sẽ được đẩy thêm suất. Điều này khiến khoảng cách doanh thu giữa phim đứng đầu phòng vé với các phim phía sau trở nên rộng hơn".
Nhìn nhận về khoảng cách doanh thu giữa các phim Việt thắng “hoành tráng” với phim Việt thua thê thảm, anh Châu Quang Phước - người từng là quản lý truyền thông của một đơn vị phát hành phim - cho rằng: "Phim thắng và phim thất thu là điều đương nhiên trong thị trường điện ảnh ngày càng có nhiều cạnh tranh. Các nhà rạp hoạt động theo cơ chế thị trường, phim nào được đón nhận sẽ có nhiều suất chiếu và ngược lại. Đó là quy luật mà các nhà làm phim đã tham gia thì phải chấp nhận".
Tuy nhiên, anh cho rằng đôi khi vẫn có những phim Việt được giới làm nghề ghi nhận, nhưng lại bị xếp suất chiếu hạn chế ngay từ ngày khởi chiếu. Như thế, một bộ phim tâm huyết có thể sớm bị khai tử từ quyết định “cửa ngõ” của chính nhà rạp, chứ chưa đến phiên khán giả được chọn lựa.
"Có lẽ các nhà rạp tại Việt Nam sắp tới nên tạo điều kiện hơn nữa cho các bộ phim nước nhà nhằm thay đổi tình hình bức xúc hiện có, bằng cách xếp lịch chiếu mở rộng hơn trong vài ngày đầu ra mắt phim, thay vì chỉ có vài suất chiếu vào khung giờ ít người xem", anh Phước nhận định.
"Hơn 70% các nhà đầu tư và nhà sản xuất phim Việt trong mấy năm gần đây đều là thành phần mới, không phải giới làm phim cựu trào. Họ được giới làm nghề nhận diện là nhân tố mới, đồng thời là thành phần chủ đạo góp phần giúp thị trường điện ảnh Việt sôi động hơn. Nếu cứ bị thua lỗ quá nhiều, họ sẽ không đủ vốn và sự kiên trì để tiếp tục theo đuổi việc đầu tư làm phim. Không còn nhiều phim Việt, ngành điện ảnh nước nhà sẽ bị ảnh hưởng trên chặng đường dài phát triển", anh giải thích thêm.
Trong một buổi tọa đàm về điện ảnh diễn ra hôm 10/1, nhà sản xuất, đạo diễn Charlie Nguyễn đánh giá chuyện thắng và thua trong điện ảnh với tâm thế bình thản. Theo anh, bất cứ nhà làm phim lớn nào cũng phải đối diện với thất bại. Do đó, anh cho biết mình không quá vui khi phim thắng và không quá buồn khi phim thua lỗ.
Sau mỗi lần thất bại, Charlie Nguyễn cho biết anh đều ngồi lại với cộng sự, mổ xẻ những lý do khiến bộ phim của mình kém thu hút. Với Người cần quên phải nhớ, anh thừa nhận lỗ 1 triệu USD do phim chưa kể được câu chuyện chạm đến trái tim khán giả, nhân vật không khiến người xem đồng cảm.
Anh nói về những điểm yếu của phim: "Tại sao khán giả phải thương một anh chàng muốn làm giang hồ? Tại sao phải thương cô nhà báo dùng cái chết của bố để có bài lên trang nhất, thăng tiến trong công việc? Khi nhân vật không đủ gắn kết với khán giả, họ mất nhau, yêu nhau, người xem cũng không quan tâm. Tôi thừa nhận cảm xúc trong phim bị lơ lửng, không thể đẩy lên được cao trào”.
Cùng chung quan điểm với Charlie Nguyễn, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thừa nhận anh có Tiệc trăng máu đại thắng vào năm 2020, nhưng đồng thời có Ước hẹn mùa thu bị thua lỗ nặng nề hồi 2019.
"Phim Hồn Trương Ba da hàng thịt (2006) cũng từng nếm mùi thất bại phòng vé. Tuy nhiên, chất lượng bộ phim vẫn được đánh giá ở mức tốt. Nhờ cơ hội đó, tôi được các nhà đầu tư chú ý, thấy khả năng và giúp tôi có cơ hội thực hiện nhiều dự án sau. Sự thất bại về mặt doanh thu chưa chắc đã khép lại tất cả", anh chia sẻ.
Nguyễn Quang Dũng kết luận: "Tôi nghĩ rằng với thất bại, mỗi cá nhân nên đối diện một cách chân thành, không né tránh nhưng cũng không tiêu cực, trù dập bản thân. Có phim mình thích, khán giả chưa chắc đã đồng cảm được. Mỗi tác phẩm là một trải nghiệm trong cuộc đời làm phim. Trong sự nghiệp, khó ai không bao giờ gặp thất bại".
Theo: Zing.vn