Một trong những lí do khiến bộ phim Tiếng Sét Trong Mưa có sức cuốn hút lạ kì với đông đảo khán giả truyền hình chính là nhờ những giá trị nhân văn sâu sắc mà nó đem lại. Điều đó đã được gửi gắm qua những những phân cảnh đặc sắc với diễn xuất đỉnh cao của dàn diễn viên tài năng. Nói cách khác, chính những phân cảnh "khủng" đã tạo nên thương hiệu siêu phẩm truyền hình được người đời nhớ lâu, nhớ mãi của Tiếng Sét Trong Mưa.
Ngay từ khi Tiếng Sét Trong Mưa chưa được phát sóng, một phân cảnh táo bạo từ bộ phim đã được "truyền tay nhau" và gây hiệu ứng mạnh mẽ với khán giả. Đó chính là cảnh nóng giữa mợ Hai Sáng (Cao Thái Hà) và chàng hầu Lũ (Hứa Minh Đạt). Ai cũng cảm thấy khác lạ vì từ trước đến nay, ở phim truyền hình Việt, cảnh nóng có nhiều, nóng "bỏng mắt" cũng không hiếm, nhưng để một người phụ nữ quyền cao chức trọng chủ động cưỡng hiếp một chàng hầu nghèo hèn thì đúng là chỉ có một không hai.
Cảnh nóng giữa Hai Sáng và Lũ từ khi "rò rỉ" đã đón hiệu ứng mạnh của khán giả, không chỉ đơn thuần bởi đó là cảnh nóng mới lạ mà còn bởi bên trong phân cảnh táo bạo ấy ẩn chứa thông điệp lớn của cả bộ phim Tiếng Sét Trong Mưa. Chưa cần giết người, chưa cần máu chảy, chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi vậy thôi đã phần nhiều giúp đạo diễn lên án được những bất công trong xã hội xưa. Bóc lột sức lao động thôi chưa đủ, bề trên còn dùng quyền lực để áp bức cả danh dự của kẻ hầu, người hạ, đó là sự áp bức trắc nết và khốn nạn nhất thế gian.
Khi cái ác lên đến đỉnh điểm cũng là lúc tình yêu thương và sự hào hiệp lên ngôi. Sự giao thoa giữa hai thái cực ấy thể hiện rõ trong phân cảnh cậu Ba Khải Duy (Cao Minh Đạt) vội vã chạy về cứu Thị Bình (Nhật Kim Anh) thoát khỏi tai ương, sóng gió.
Khi cái ác lên đến đỉnh điểm cũng là lúc tình yêu thương và sự hào hiệp lên ngôi. Sự giao thoa giữa hai thái cực ấy thể hiện rõ trong phân cảnh cậu Ba Khải Duy (Cao Minh Đạt) vội vã chạy về cứu Thị Bình (Nhật Kim Anh) thoát khỏi tai ương, sóng gió.
Cao Minh Đạt từng chia sẻ rằng phân cảnh Khải Duy vượt đường chạy về cứu Bình là chi tiết anh xin đạo diễn thêm vào. Quả thật, tâm trạng sốt ruột của Khải Duy trên con đường gập ghềnh ấy càng làm tăng thêm sự hồi hộp cho khán giả. Giống như Thị Bình, khán giả mong ngóng từng giây từng phút sự có mặt của cậu Ba lúc này, chỉ có như vậy, Bình mới được cứu sống, bi kịch mới không xảy ra.
Phân cảnh được đón chờ nhất của Tiếng Sét Trong Mưa có lẽ chính là khoảnh khắc hội ngộ của Thị Bình và Khải Duy sau 24 năm xa cách. Tuy đã chạm mặt nhưng vì thời gian đã khiến Thị Bình thay đổi quá nhiều, Khải Duy không thể nhận ra người vợ mà bấy lâu nay ông vẫn chưa bao giờ quên dù chỉ là một khoảnh khắc. Thị Bình cũng nhất định không chịu tiết lộ danh tính của mình, cho đến khi Bình kịp nhận ra sự che giấu của bà đã tạo ra bi kịch yêu cùng huyết thống giữa các con của mình thì bà mới tìm đến Khải Duy để nói ra hết mọi chuyện. Chuyện gì đến cùng sẽ đến, cuộc hội ngộ không chỉ khiến hai con người trong cuộc phải khóc mà khán giả khi xem cũng không kiềm nổi sự xúc động.
Nhờ lối diễn xuất thần của Cao Minh Đạt và Nhật Kim Anh, khoảnh khắc tương phùng của Khải Duy và Thị Bình đã khiến không ít người phải rơi nước mắt. Cuối cùng thì những trái tim yêu thương bị cách trở nay cũng đã được hội ngộ, dù cho thời gian trôi qua có thể làm bào mòn mọi thứ, nhưng cảm xúc giữa những người yêu nhau vẫn không hề thay đổi. Họ vẫn rất trẻ với những câu nói yêu thương thuở nào.
Đây cũng là một phân cảnh vô cùng đáng nhớ của Tiếng Sét Trong Mưa. Sau khi tra tấn Hiểm (Lê Bê La) dã man, Hai Sáng ung dung trở về nhà như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Hai Sáng còn mạnh miệng khẳng định rằng dù thế nào đi chăng nữa, ả ta cũng sẽ đào bằng được mộ của Lũ lên khiến cho anh chết cũng không yên. Quá căm phẫn về điều đó, Hiểm đã cầm dao sắc nhọn đến tận bàn Hai Sáng ngồi rượt chém, kết quả, Hai Sáng đã lĩnh một vết chém dài trên mặt. Bà ta đã phải trả giá cho sự ác động, dã man của mình.
Phân cảnh này chứa đựng ý đồ nhân văn sâu sắc của biên kịch và đạo diễn Tiếng Sét Trong Mưa. Quả báo đến muộn không có nghĩa là nó không có, đến cuối cùng, hậu quả chắc chắn sẽ tới đối với những con người xứng đáng phải nhận lấy nó sau những ngày tháng "tạo nghiệp". Về phần Hiểm, sự vùng lên bất chấp sợ hãi của cô gái này là minh chứng cho chân lí "con giun xéo lắm cũng quằn", không ai có thể im lặng mãi mãi, sự vùng lên chính là tiếng nói trả thù rõ ràng nhất, mãnh liệt nhất của con người.
Bi kịch nối dài từ thời trước tới đời sau, cái giá phải trả cho những sai lầm trong quá khứ có lẽ là quá đắt đối với gia đình Khải Duy. Thảm cảnh tang thương của "phút giây hội ngộ cũng là phút giây tương tàn" giữa hai thế hệ đã bao trùm những tập cuối của Tiếng Sét Trong Mưa. Đau đớn thay khi hai cha con chĩa súng vào nhau như hai kẻ thù không đội trời chung, khi bi kịch lộ diện, nước mắt chảy, máu đã rơi, người đầu bạc phải tiễn kẻ đầu xanh, đó là thời khắc bi thương nhất.
Cái kết đầy nước mắt của bộ phim Tiếng Sét Trong Mưa gây nhiều ám ảnh cho người xem về cái giá phải trả cho những sai lầm của con người trong quá khứ. Có những sai lầm lớn đến nỗi người ta chỉ có thể dùng mạng sống để hóa giải. Bộ phim đem đến bài học nhân văn sâu sắc về luật nhân quả giữa người với người.
Theo: Kenh14.vn