Tại sao một bộ phim được làm chỉn chu, có nội dung tươi trẻ và dàn cast mới mẻ, nhận được phản hồi tích cực của truyền thông và khán giả, nhưng lại chết tức tưởi tại phòng vé đầu năm 2021? Phải chăng, điện ảnh Việt Nam đang phân cực trong thời đại dịch?
Võ sinh đại chiến là bộ phim mở màn cho năm 2021. Phim được phát hành đúng ngày 1/1 - thời điểm được xem là thuận lợi vì đúng đợt nghỉ lễ và khán giả ít nhiều cũng ở trong tâm trạng tích cực, muốn đón nhận những điều mới mẻ đầu năm.
Nhưng “người tính không bằng trời tính”, sau dịp cuối tuần “vàng” ra mắt, bộ phim võ thuật lấy bối cảnh học đường được đầu tư kinh phí tới 21 tỷ đồng và thời gian sản xuất kéo dài ba năm chỉ thu về chưa tới 1 tỷ đồng doanh thu bán vé. Đây là cú “ngã ngựa” khá đau đớn cho phim Việt đầu năm 2021, và một lần nữa cho thấy thị trường điện ảnh Việt vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Phim dở thất bại đã đành, phim chất lượng khá vẫn thê thảm như thường.Võ sinh đại chiến là bộ phim của ê-kíp trẻ, mang đến tinh thần trẻ trung. Kịch bản phim có thể vẫn bám theo công thức khuôn mẫu ba hồi của Hollywood, dàn cast không có yếu tố ngôi sao để bán vé, nhưng lại mang đến không khí mới mẻ nhờ khai thác tinh thần võ thuật đậm chất Việt được lồng trong bối cảnh học đường.
Những yếu tố này cũng từng giúp Em chưa 18 thắng lớn tại phòng vé năm 2017 và giữ kỷ lục phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Việt Nam trong hai năm, trước khi bị Cua lại vợ bầu lật đổ vào dịp Tết năm 2019.
Võ sinh đại chiến không có nhiều yếu tố ăn khách khi khai thác một kịch bản phim rom-com kiểu gài bẫy “cat and mouse” và hai diễn viên chính tạo được hiệu ứng chemistry như Kaity Nguyễn và Kiều Minh Tuấn, nhưng đây vẫn là tác phẩm có yếu tố giải trí. Dàn cast trong phim với những gương mặt gần như mới mẻ hoàn toàn, nhưng tạo được sức hút nhờ ngoại hình đẹp, nổi bật trong số đó là Tiến Hoàng, Katleen Phan Võ và đặc biệt là Gi A Nguyễn.
Gi A Nguyễn là nam diễn viên trẻ có tố chất để trở thành ngôi sao của điện ảnh Việt, trong bối cảnh điện ảnh trong nước âm thịnh dương suy và hoàn toàn thiếu một ngôi sao nam chính của lứa tuổi học đường. Diễn xuất của dàn diễn viên trẻ chưa hoàn toàn nổi bật và đôi lúc còn khá non nớt về kỹ năng, nhưng có thể bù lại bằng vẻ tươi sáng và chân thành.
Các màn võ thuật trong phim, đặc biệt là những trận đánh tay đôi được khai thác hiệu quả về thế đòn, góc máy và dựng phim linh hoạt, nhịp nhàng, kích thích được adrenaline của khán giả. Phim cũng tôn vinh tinh thần thượng võ của võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Điểm hạn chế và có thể khiến bộ phim khó trở thành một chú “ngựa ô” tại phòng vé là cách làm phim vẫn khá an toàn, ôm đồm nhiều yếu tố giải trí như tình cảm học đường, võ thuật và hài hước, nhưng chưa yếu tố nào được khai thác một cách vượt trội. Thêm vào đó, kịch bản vẫn bám theo công thức có sẵn và không có yếu tố đột phá hoặc phá vỡ khuôn mẫu, gây bất ngờ cho khán giả.
Điều này dẫn đến một cái kết dĩ hòa vi quý, khiến nhân vật của Gi A Nguyễn - nam diễn viên trẻ đóng vai “bad guy” - đánh mất sự hấp dẫn khi trở thành một kẻ phục thiện ở đoạn kết. Chi tiết trên hoàn toàn không cần thiết và đôi khi khiến khán giả cảm thấy khó thỏa mãn về cách phát triển tâm lý của nhân vật.
Sự an toàn và đôi khi thiếu cực đoan là những điểm hạn chế của phim Việt, khó khiến phim ảnh phá vỡ ranh giới để đi xa hơn về mặt thưởng thức, điều mà điện ảnh Hàn rất thành công và vươn tầm ra thế giới.
Nhưng những điểm hạn chế nói trên vẫn không phá vỡ tổng thể của tác phẩm. Và so với hai phim Việt chiếu cùng thời điểm là Chị Mười Ba: Ba ngày sinh tử và Người cần quên phải nhớ, Võ sinh đại chiến vẫn là bộ phim chỉn chu hơn về nhiều mặt.
Lý giải về sự thất bại tại phòng vé của Võ sinh đại chiến, nhà sản xuất Thái Bá Dũng - người từng thành công với việc đồng sản xuất phim Hai Phượng với Ngô Thanh Vân - thừa nhận trong cay đắng:
“Có 4 lý do khiến Võ sinh đại chiến thất thu tại phòng vé dù phim được đánh giá tốt về mặt truyền thông và khán giả:
1 - Phim của một đạo diễn mới và diễn viên mới, không có gương mặt quen thuộc ăn khách.
2 - Các suất chiếu bị ép với số lượng suất chiếu thưa thớt, giờ chiếu không thuận lợi.
3 - Phim hoàn toàn không có sự tham gia đầu tư của bất kỳ nhà phát hành nào.
4 - Những lý do khách quan khiến công tác truyền thông bị ảnh hưởng.
Ông tiếp tục chia sẻ quan điểm: "Phía đơn vị phát hành, trong cùng thời điểm, cũng có phim họ tự bỏ tiền đầu tư sản xuất, nên Võ sinh đại chiến bị rơi vào hoàn cảnh 'con ruột - con ghẻ'. Và dĩ nhiên, nhà phát hành phải tập trung đẩy phim 'con ruột' mà họ đầu tư.
Một lý do rất nghịch lý khác là do suất chiếu ít, giờ chiếu bất lợi, khiến doanh thu của Võ sinh đại chiến bị ảnh hưởng. Các nhà phát hành lại lấy đúng lý do doanh thu đó để tiếp tục ép suất chiếu và giờ chiếu của phim khiến cho tình trạng của phim càng thê thảm hơn”.
Trước câu hỏi sự thất bại tại phòng vé của Võ sinh đại chiến có phải là do “thiếu kinh nghiệm thị trường hay không lường trước được thị trường”, Thái Bá Dũng nói tiếp:
“Sau thành công của Hai Phượng, tôi từng cho rằng là nếu mình làm phim tử tế, chỉn chu, và đặt hết tâm huyết, phim sẽ được khán giả ghi nhận và những nỗ lực của ê-kíp sẽ được bù đắp.
Nhưng thực tế đây là cuộc chơi không công bằng, bởi chất lượng của bộ phim không liên quan đến việc phim có đến được với khán giả hay không, vì quyền lực đó nằm trong tay của những nhà phát hành và các chủ rạp".
Theo ông Thái Bá Dũng, các nhà đầu tư, sản xuất phim, đặc biệt là những nhà sản xuất phim độc lập và những đạo diễn ê kíp trẻ gặp khó khăn lớn vì "cuộc chơi không công bằng" trên. Nếu các rạp chỉ tập trung đẩy những phim do những đạo diễn quen thuộc và những phim do chính họ đầu tư sản xuất, sẽ không có "cửa" cho những đạo diễn mới và các nhà sản xuất phim độc lập khác chen chân.
"Là một nhà đầu tư, trước khi quyết định đầu tư vào một bộ phim, mình đã tìm hiểu thị hiếu và thị trường rất kỹ. Theo nghiên cứu về hành vi xem phim của người Việt Nam, khoảng 65-70% thích xem phim hành động, 55-60% thích hài, và 44-50% thích tình cảm. Đó là lý do Võ sinh đại chiến đáp ứng đúng và đủ 3 thị hiếu lớn nhất của người xem phim tại Việt Nam", ông Dũng cho biết.
Ông bày tỏ quan điểm: "Một nghiên cứu khác về hành vi của người tiêu dùng cho thấy khi khán giả ra rạp, nếu họ không mua vé được bộ phim muốn xem hoặc suất chiếu của bộ phim họ muốn lại rơi vào những giờ họ không rảnh, chắc chắn khán giả sẽ mua vé một bộ phim khác để xem.
Sản xuất ra một bộ phim hay nằm trong khả năng của nhà sản xuất, đạo diễn, ê-kíp… nhưng bộ phim có ra được đến với khán giả hay không, chuyện đó lại phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà phát hành và chủ rạp".
Kể từ khi Việt Nam kiểm soát được đại dịch Covid-19 và phòng vé hoạt động trở lại, sự phân cực trong thị trường điện ảnh Việt càng được thể hiện rõ nét.
Khán giả có xu hướng chỉ lựa chọn một số bộ phim tạo được hiệu ứng truyền thông và truyền miệng. Những phim không tạo được xu hướng này, hoàn toàn yếu thế và bị đánh bật khỏi phòng vé nhanh chóng.
Đây là lý do Ròm - bộ phim độc lập ít yếu tố giải trí, nhưng luôn nằm trên “headline” và “spotlight” của truyền thông và mạng xã hội sau khi bị Cục Điện ảnh kiểm duyệt dù đoạt giải thưởng quan trọng tại LHP Busan 2020 - trở thành chú ngựa ô tại phòng vé khi tung ra sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh.
Đồng thời, sự phân cực trên cũng là lý do Tiệc trăng máu trở thành bộ phim ăn khách nhất năm với doanh thu lên tới 180 tỷ đồng. Bên cạnh chất lượng của phim và dàn cast tên tuổi, yếu tố truyền miệng giúp bộ phim trụ vững tại rạp trong thời gian dài và đạt doanh thu ấn tượng.
Điều này càng được thể hiện rõ nét trong mùa phim Giáng sinh vừa qua. Trong dịp Giáng sinh 2019, cuộc đua gay cấn giữa Mắt biếc và Chị chị em em không chênh lệnh quá nhiều về doanh thu, với doanh thu 180 tỷ đồng và 70 tỷ đồng, tỷ lệ gấp khoảng 2,5 lần.
Tuy nhiên, với cuộc đua phim phát hành dịp Giáng sinh năm nay, Chị Mười Ba: Ba ngày sinh tử có doanh thu cao hơn 30 lần so với Người cần quên phải nhớ. Đây là điều mà khó ai có thể lường được, bởi cả hai bộ phim đều do hai ê-kíp ngang tài ngang sức thực hiện.
Cả hai bộ phim đều… tệ về chất lượng và ngôn ngữ điện ảnh, nhưng Chị Mười Ba: Ba ngày sinh tử lại vươn lên dẫn đầu thị trường điện ảnh Việt cuối năm nhờ yếu tố giải trí với doanh thu đến nay khoảng 70 tỷ đồng. Trong khi đó, Người cần quên phải nhớ chỉ đạt doanh thu ngoài 2 tỷ đồng, một thất bại chưa từng có đối với nhà sản xuất Charlie Nguyễn cũng như đạo diễn Đức Thịnh.
Người cần quên phải nhớ là bộ phim dở của một ê-kíp mạnh, với kịch bản tầm thường, cấu trúc vụng về, cách kể chuyện nhàm chán và rối rắm, gây cảm giác “phẳng lì” về mặt cảm xúc khi xem.
Còn Chị Mười Ba: Ba ngày sinh tử có tính giải trí cao hơn, tạo được hiệu ứng nhờ phát triển dòng phim “franchise” giang hồ với series webdrama và phim điện ảnh trước đó. Nhưng đây vẫn là tác phẩm thiếu chất điện ảnh, nhiều khi sa đà thành tấu hài (nhảm) và mắc những lỗi sơ đẳng trong đạo diễn như những chi tiết minh họa vụng về và ngây ngô trong “flashback” (hồi tưởng) và bạ đâu “twist” đấy mà không cần chuẩn bị tâm lý hay dẫn dắt khán giả.
Người cần quên phải nhớ thất bại vì đơn giản là bộ phim dở, nhưng vẫn có những bộ phim dở vẫn thắng, mà Chị Mười Ba: Ba ngày sinh tử là ví dụ.
Điều này cũng được thể hiện rõ nét với Võ sinh đại chiến, một bộ phim có chất lượng khá, nhưng chết oan tức tưởi tại phòng vé vì không tạo được hiệu ứng truyền miệng và có thể, không đúng trend của khán giả lẫn sự ủng hộ của chủ rạp.
Sự phân cực ngày càng rõ của điện ảnh Việt có thể dẫn đến một nguy cơ lớn của điện ảnh Việt trong năm 2021 và những năm tới: Khán giả chỉ xem phim theo trend và bỏ qua những bộ phim khi nó không nằm trong xu hướng của số đông.
Theo: Zing.vn