Bố già là dự án điện ảnh được Trấn Thành phát triển từ web drama ăn khách cùng tên hồi đầu năm 2020. Sau khi ra rạp khoảng 10 ngày, nhà phát hành thông báo bộ phim đã chính thức vượt qua cột mốc doanh thu 200 tỷ đồng, qua đó trở thành tác phẩm ăn khách nhất của điện ảnh Việt từ trước tới nay.
Ra mắt cùng thời điểm bộ phim còn có Gái già lắm chiêu V - Những cuộc đời vương giả và một số tác phẩm Hollywood. Tuy nhiên, Bố già đã sớm bỏ xa các đối thủ và hiện được kỳ vọng có thể chạm mốc doanh thu 300 tỷ đồng - điều mà kể cả những bom tấn hàng đầu Hollywood như Avengers: Endgame (2019) cũng chưa thể làm được.
Việc các rạp chiếu phim tại TP.HCM được phép mở cửa trở lại đầu tháng 3 là tín hiệu tích cực để hàng loạt bộ phim có thể ra rạp, bởi đây vốn là thị trường điện ảnh lớn nhất nước. Trước đó, Bố già, Gái già lắm chiêu V hay cả Lật mặt: 48h và Trạng Tí phiêu lưu ký đều không thể khởi chiếu trong dịp Tết Nguyên đán do dịch bệnh.
Khoảng vài năm trở lại đây, các ông lớn trong lĩnh vực phát hành tại Hollywood đã lo ngại rằng sự ra đời của nhiều hệ thống chiếu phim trực tuyến sẽ sớm khiến rạp chiếu truyền thống lui vào di vãng. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2020, quá trình chuyển đổi ấy càng tiến nhanh hơn, đặc biệt là tại Mỹ.
Song, Việt Nam dường như đang nằm ngoài quy luật trên.
Trên thực tế, các hệ thống phim trực tuyến tại Việt Nam, của cả trong lẫn ngoài nước, chưa thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu khán giả. Chẳng hạn như với Netflix, thư viện dành cho thị trường Việt vẫn còn thua kém rất nhiều nếu so với các nước khác trên thế giới.
Việc các rạp chiếu phim tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành không thể mở cửa trong dịp Tết Nguyên đán khiến nhu cầu ra rạp thưởng thức phim ảnh của số đông công chúng bị nén chặt lại như một chiếc lò xo.
Và Bố già đã xuất hiện đúng thời điểm chiếc lò xo ấy bung ra.
Nếu vẫn khởi chiếu trong dịp Tết Nguyên đán, Bố già chưa chắc đã cán mốc doanh thu 100 hoặc 200 tỷ đồng nhanh đến thế, bởi bộ phim còn phải cạnh tranh với thêm hai đối thủ nữa, chứ không chỉ mình Gái già lắm chiêu V. Chưa kể, một tác phẩm có hiệu ứng truyền miệng liên quan tới nước mắt cũng không chắc là lựa chọn số một trong những ngày đầu năm mới.
Đối thủ lớn nhất tại phòng vé của Bố già hẳn là Gái già lắm chiêu V. Khi đặt trên bàn cân, nhìn nhận một cách công bằng, hai tác phẩm có chất lượng gần như tương đương. Cả phim của Trấn Thành - Vũ Ngọc Đãng lẫn của Nam Cito - Bảo Nhân đều có những nhược điểm nhất định, thậm chí là giống nhau.
Tuy nhiên, mấu chốt nằm ở việc lựa chọn đề tài và cách tiếp cận khán giả. Dịp Tết Nguyên đán 2020, Gái già lắm chiêu 3 thắng lớn. Theo đó, bộ đôi Nam Cito và Bảo Nhân tiếp tục áp dụng công thức từng tạo nên chiến thắng: bối cảnh xa hoa, khâu thiết kế sản xuất được đầu tư, những màn đấu đá trong gia tộc, các nữ diễn viên quen mặt đến từ nhiều thế hệ…
Song, đối thủ của Gái già lắm chiêu V là Bố già, chứ không phải một tác phẩm như 30 chưa phải Tết (2020). Việc Gái già lắm chiêu 3 từng thu đến 160 tỷ đồng có nguyên nhân không nhỏ đến từ việc bộ phim của Trường Giang gây thất vọng lớn cho số đông, sớm có hiệu ứng truyền miệng tiêu cực. Hãy nhớ rằng trong ngày khởi chiếu, doanh thu 30 chưa phải Tết còn nhỉnh hơn Gái già lắm chiêu 3 đôi chút.
Cả Bố già lẫn Gái già lắm chiêu V còn tồn tại vài điểm phi lý, dài dòng trong kịch bản. Nhưng nếu Gái già lắm chiêu V lấy trung tâm là một gia tộc quyền quý, giàu sang nơi xứ Huế, thì Bố già lại chọn người dân lao động để khai thác.
Thời gian qua, không có nhiều tác phẩm giải trí của điện ảnh Việt chọn người nghèo, thuộc tầng lớp lao động, làm trọng tâm. Cộng thêm danh tiếng sẵn có từ web drama cùng tên, Bố già dễ dàng tiếp cận khán giả hơn là câu chuyện về một phụ nữ ra vẻ cao sang, quyền quý, nhưng thực chất chỉ là “tiểu tam” không bao giờ được “phong hậu”.
Sự gần gũi của Bố già tỏa ra từ hình ảnh, từ tình huống, từ phần thoại hài hước (dù quả là có dài dòng, thậm chí hơi ồn ào). Cũng cần phải nói thêm rằng Gái già lắm chiêu V gia giảm tính hài hước hơn so với phần ba và mang hơi hướm của một tác phẩm drama (chính kịch).
Diễn biến của cả hai đều còn lê thê, nhưng Bố già xoáy sâu vào những câu chuyện gần gũi hơn, như tranh cãi của hai bố con trong cách sống, sinh hoạt, mua nhà, chữa bệnh… Còn Gái già lắm chiêu V đôi lúc hơi chệch hướng sau tình tiết hoàng bào bị đánh cắp, với những sơ hở trong quá trình nhân vật Lý Linh (Kaity Nguyễn) đi tìm món đồ quý giá.
Bố già thực tế không phải không có sơ hở. Nhưng khoảng 30 phút cuối cùng, bộ phim dồn dập những tình tiết cảm xúc với mục đích khiến khán giả (phải) rơi lệ. Một khi khán giả đã rơi nước mắt, những lỗi lầm trước đó của bộ phim bỗng nhiên “tan biến” trong tâm trí người xem.
Gái già lắm chiêu V cũng cố gắng đem tới một đoạn kết cảm xúc, nhưng cách dẫn đắt đến cao trào còn lỏng lẻo. Một vài khoảnh khắc thậm chí còn gây phản tác dụng và điều đọng lại sau cùng chỉ là diễn xuất của NSND Lê Khanh hay Kaity Nguyễn.
Để đúc kết về hiệu ứng truyền miệng của Bố già, bản thân Trấn Thành cho rằng: “Không có bộ phim nào thành công mà không cần đến sự may mắn. Với Bố già, khán giả trong một, hai ngày đầu có thể tới rạp vì cái tên Trấn Thành. Song, những ngày sau đó, người ta mua vé bởi bản thân bộ phim”.
Quả không ngoa khi nói rằng Trấn Thành hiện là cái tên đình đám nhất nhì showbiz Việt. Với Bố già, anh cũng có thể được xem là “ông hoàng phòng vé” tiếp theo. Bằng chứng là mùa phim Tết 2019 từng chứng kiến cuộc chiến có một không hai khi nam MC góp mặt trong cả hai tác phẩm là Trạng Quỳnh và Cua lại vợ bầu.
Bất chấp nội dung đều có sạn, gây tranh cãi, hai phim liên tục so kè doanh thu qua từng ngày. Có thời điểm cả hai tác phẩm đều tự nhận đạt doanh thu cao nhất trong ngày.
Cuối cùng, Cua lại vợ bầu trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất khi đó với 191,8 tỷ đồng. Song, Trạng Quỳnh cũng dễ dàng cán mốc 100 tỷ đồng mà nhiều nhà làm phim ao ước, bất chấp có chất lượng nội dung chỉ ở mức trung bình.
Một ví dụ khác là hai chương trình liên quan tới nhạc rap cùng lên sóng từ tháng 8/2020. Rap Việt có Trấn Thành làm MC cùng dàn huấn luyện viên hùng hậu nhanh chóng bứt phá với lượt theo dõi áp đảo.
Trong khi đó, Gái già lắm chiêu V lại thiếu mất gương mặt nổi trội nhất của thương hiệu là Ninh Dương Lan Ngọc. Dù góp mặt trong nhiều dự án lớn, Kaity Nguyễn vẫn chưa phải là cái tên bảo chứng phòng vé. NSND Lê Khanh và NSND Hồng Vân tỏ ra thiếu sức hút với khán giả trẻ. Bởi vậy, trên mặt trận truyền thông, Bố già cũng dễ dàng lấn át đối thủ.
Giả sử Bố già đạt doanh thu 300 tỷ đồng, tạm lấy giá vé xem phim trung bình là 100.000 đồng/vé, thì đã có khoảng 3 triệu người tới rạp để theo dõi tác phẩm.
300 tỷ đồng hẳn là con số mà mọi nhà đầu tư, sản xuất, phát hành phim tại Việt Nam lúc này mơ ước. Nhưng con số 3 triệu khán giả vẫn còn tương đối ít ỏi bởi dân số nước ta là hơn 95 triệu người (tính đến năm 2018). Điều này cho thấy thị trường phim ảnh tại Việt Nam vẫn mới chỉ ở dạng tiềm năng.
Từng có bộ phim Việt Nam đầu tiên thu 100 tỷ đồng, 150 tỷ đồng, và nay là 200 tỷ đồng. Trên thực tế, 100 tỷ đồng đến giờ vẫn là cột mốc mà nhiều người thường dùng để chúc nhau khi có phim mới ra mắt.
Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn từ năm 2017 tới nay, các kỷ lục doanh thu phòng vé nước nhà liên tục bị xô đổ. Để tái lặp thành công của Bố già không phải điều đơn giản. Bộ phim chiến thắng còn nhờ ra mắt giữa bối cảnh không có bom tấn ngoại. Trong khi đó, Hollywood đã rục rịch trở lại, với Godzilla vs. Kong ngay cuối tháng 3, và tiếp tới là Fast & Furious 9 hay Black Widow.
Nhưng kỳ tích không phải là không thể xảy ra. Ngay sau khi Kong: Skull Island (2017) đại náo phòng vé Việt với doanh thu gần 170 tỷ đồng nhờ việc phần lớn tác phẩm được ghi hình tại nước ta, Em chưa 18 (2017) đã lập tức xác lập kỷ lục mới với 171 tỷ đồng chỉ sau đó hơn một tháng.
Trước mắt, khán giả sẽ được thưởng thức gần 10 bộ phim điện ảnh Việt Nam trong tháng 4. Kỳ tích như Bố già có thể không xảy ra. Nhưng hãy tin rằng nó sẽ sớm đến, với một tác phẩm có thể chạm vào cảm xúc của số đông người Việt.
Theo: Zing.vn