‘Dòng máu anh hùng’ - bước ngoặt điện ảnh Việt đến từ Chánh Tín

By dvvn thg 1 07, 2020
Tác phẩm hành động vang danh của điện ảnh Việt Nam có sự tham gia của tài tử “Ván bài lật ngửa” trong vai trò nhà sản xuất.

“Phấn khích”, “Giải trí”, “Mãn nhãn”… là những từ mà các tạp chí điện ảnh của Mỹ như The Hollywood Reporter hay Variety dành tặng Dòng máu anh hùng (The Rebel). Tại thời điểm ra đời năm 2007, bộ phim mê hoặc khán giả trong và ngoài nước nhờ những pha hành động võ thuật đến từ Johnny Trí Nguyễn, Dustin Nguyễn, Ngô Thanh Vân


Chuyện phim Dòng máu anh hùng theo chân Lê Văn Cường (Johnny Trí Nguyễn) - một bậc thầy võ thuật, nhưng đồng thời là gián điệp của thực dân Pháp. Tuy nhiên, trong thâm tâm, anh luôn cảm thấy cắn rứt về những gì đồng bào mình đang phải trải qua.

Và cuộc gặp gỡ định mệnh với cô gái xinh đẹp tên Thúy (Ngô Thanh Vân) của lực lượng nổi loạn đã khiến cuộc đời Cường hoàn toàn thay đổi. Tuy nhiên, cả hai sớm phải đối mặt với một gã cảnh sát mật đáng sợ (Dustin Nguyễn).

Trên thực tế, kịch bản của Dòng máu anh hùng còn nhiều sơ hở. Song, số đông tìm đến tác phẩm không phải bởi nội dung, mà vì các pha hành động mãn nhãn vốn được quảng bá rộng khắp từ đoạn trailer ấn tượng.

Và những gì Johnny Trí Nguyễn, Dustin Nguyễn và đạo diễn Charlie Nguyễn - những người khi ấy mới từ Mỹ trở về - đem lại thực sự phấn khích. Trong bối cảnh rạp chiếu phim Việt bị thống trị bởi các tác phẩm hài nhảm, Dòng máu anh hùng là luồng gió mới tích cực dành cho điện ảnh nước nhà, bên cạnh Áo lụa Hà Đông (2006) ngay trước đó.


Tại thời điểm bộ phim ghi hình, ê-kíp phải đối mặt với không ít khó khăn. Các dịch vụ điện ảnh cách đây hơn 10 năm chưa đủ phát triển và còn thiếu chuyên nghiệp. Và quãng thời gian 80 ngày ghi hình đã ngốn của nhà sản xuất số tiền không nhỏ.

Trong Dòng máu anh hùng, Nguyễn Chánh Tín sắm một vai nhỏ là cha của Lê Văn Cường. Nhưng ông đồng thời đóng vai trò nhà sản xuất dự án trên cương vị Giám đốc hãng phim Chánh Phương.

Hiệu ứng mà Dòng máu anh hùng gây ra là rất tích cực. Nhưng bản thân ngành công nghiệp chiếu rạp tại Việt Nam thì chưa đủ lớn mạnh để đón chào tác phẩm. Theo tính toán, phim đã tiêu tốn 1,5 triệu USD để sản xuất, tức tương đương hơn 20 tỷ đồng. Đó là con số cực lớn, ít nhà làm phim Việt nàm dám nghĩ tới hồi đầu thập niên 2000.

Trên báo chí, Nguyễn Chánh Tín có lần chia sẻ bản thân ông phải đi vay ngân hàng 8,3 tỷ đồng trong quá trình thực hiện bộ phim. Song, thành tích phòng vé của Dòng máu anh hùng tại Việt Nam chỉ là 7 tỷ đồng. Tính cả khoản ăn chia với nhà rạp, đội ngũ sản xuất chỉ thu lại khoảng 3,5 tỷ đồng.


Sau này, Dòng máu anh hùng được phát hành ở cả nước ngoài, dưới định dạng băng đĩa với tựa đề The Rebel. Tuy nhiên, số tiền kiếm thêm cũng không thấm tháp là bao so với những gì đã bỏ ra.

Trong cuộc phỏng vấn năm 2017, Nguyễn Chánh Tín cho biết ê-kíp từng dự đoán Dòng máu anh hùng có thể thu 5 triệu USD, nhưng do phim bị phát tán lên mạng Internet quá nhanh nên điều đó không thể xảy ra.

Có thể khẳng định rằng Nguyễn Chánh Tín chưa bao giờ mất lửa nghề sau vai diễn để đời ở Ván bài lật ngửa trong thập niên 1980. Trên thực tế, ông vẫn thường xuyên góp mặt trong các bộ phim điện ảnh hiện đại cho tới tận cuối đời, như Em chưa 18 (2017), Lôi báo (2017)…

Dòng máu anh hùng có thể thiếu sót về nội dung, có thể gây lỗ tại phòng vé. Nhưng bộ phim chắc chắn là cột mốc đáng nhớ của điện ảnh Việt Nam. Tác phẩm cho thấy điện ảnh nước nhà không chỉ có các tác phẩm hài nhảm, dung tục, và không được phép bó hẹp trong phạm vi ấy.

“Ván bài” năm 2007 của Nguyễn Chánh Tín đã gây ra cho ông quá nhiều điều trắc trở. Tuy nhiên, nghệ sĩ quá cố cùng cộng sự hoàn toàn có thể tự hào về Dòng máu anh hùng, cũng như những gì bộ phim đã đem lại cho điện ảnh nước nhà.

Theo: Zing.vn


© Copyright 2017 Dien Vien Viet Nam. All rights reserved.
Powered by Nilead
Hotline: 0338 179 168
Website hiện đang trong quá trình chờ cấp phép.