Mỹ nam màn ảnh Việt đang ở đâu giữa 'Hạ cánh nơi anh'?

By dvvn thg 2 25, 2020
Những năm gần đây, phim truyền hình Việt có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng hình tượng nam chính. Song, số lượng và chất lượng vẫn là khoảng cách với tác phẩm Hàn.

Vừa chơi piano, vừa bắn súng điêu nghệ. Vừa có những ngây ngô đời thường, vừa có những cao thượng tinh tế. Vừa biết xay cà phê, trồng cà chua vừa sẵn sàng xả thân bảo vệ người tình, Ri Jung Hyeok của Hạ cánh nơi anh đã đánh gục trái tim hàng triệu khán giả khắp châu Á.

Nhưng trước Hạ cánh nơi anh, những mỹ nam tương tự Ri Jung Hyeok không hiếm gặp ở màn ảnh Hàn. Những gương mặt nam chính điển trai, xuất thân quyền quý, tài năng và lãng mạn, như một công thức chung, đã làm nên thành công của nhiều phim truyền hình xứ kim chi.

Đôi khi, vẫn chiêu bài ấy, chỉ thay đổi vài chi tiết, "bình cũ rượu mới", vẫn đủ để chinh phục người xem.

Từ thực tế màn ảnh Hàn, câu hỏi được đặt ra là: Mỹ nam toàn tài của màn ảnh Việt đang ở đâu?


Khoảng 3 năm trở lại đây, phim truyền hình Việt được đánh giá là có bước chuyển mình mạnh mẽ. Thành công của Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử (2017), Quỳnh búp bê (2018) hay Về nhà đi con (2019)… đã khiến khán giả phần nào thay đổi định kiến về phim Việt trên màn ảnh nhỏ.

Đằng sau bước chuyển mình đó, như đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim Truyền hình - từng khẳng định là kết quả của nhiều nỗ lực. Thay đổi tư duy làm phim, nâng cấp kịch bản, đầu tư công nghệ, thu tiếng đồng bộ. Và cả việc xây dựng, chọn lọc một đội ngũ diễn viên tốt.

Quan sát phim truyền hình Việt những năm gần đây, không khó để nhận ra, đội ngũ diễn viên đã chất lượng hơn nhiều sau một thời dày đặc "bình hoa di động".

Không ít bộ phim thành công, làm mưa làm gió trên mạng có đóng góp của một dàn diễn viên xuất chúng. Một hiệu quả không thể phủ nhận.

Và trong đội ngũ diễn viên ấy, khán giả bắt đầu nhận diện được những gương mặt mỹ nam, vừa có lợi thế về ngoại hình vừa ghi dấu ở khả năng diễn xuất.

Doãn Quốc Đam, trong Quỳnh búp bê (2018) là một ví dụ.

Với vai Cảnh trong tác phẩm của đạo diễn Mai Hồng Phong, nam diễn viên được nhiều khán giả định danh như một “soái ca” của màn ảnh. Trong bối cảnh suốt một thời gian dài, phim truyền hình khan hiếm những vai diễn nam tính, nét diễn của Doãn Quốc Đam đã chinh phục được số đông.

“Đam vừa có vẻ ngoài nam tính, vừa có cách diễn rất nam tính. Doãn Quốc Đam là hàng hiếm thực sự, có sự lạnh lạnh nhất định nên rất cuối hút”, diễn viên Thanh Hương lý giải về thành công của đồng nghiệp.


Sau Doãn Quốc Đam, một vai diễn nam khác cũng gây bão màn ảnh là Quốc Trường với Vũ trong Về nhà đi con. Gương mặt điển trai, vẻ ngoại trau chuốt, ăn mặc đẹp góp phần không nhỏ làm nên sức lan tỏa vai diễn, đưa Vũ trở thành một trong những vai diễn được yêu thích nhất trên màn ảnh năm 2019.

Nhưng màn ảnh Việt, không nhiều Cảnh của Doãn Quốc Đam hay Vũ của Quốc Trường.

Trong 3 năm chuyển mình của phim truyền hình, hàng chục tác phẩm đã được ra mắt, nhưng thực tế chỉ có vài vai nam có thể gây bão. Rõ ràng, là một con số ít ỏi, dù không hẳn là thiếu đất diễn.

Phim truyền hình Việt những năm gần đây tạo nhiều cơ hội cho loạt diễn viên nam có lợi thế về ngoại hình. Dẫn chứng là Việt Anh, Hồng Đăng, Mạnh Trường, Thanh Sơn, Bình An, Huỳnh Anh… phủ sóng màn ảnh, tham gia nhiều vai diễn lớn nhỏ.

Trong đó, Hồng Đăng và Mạnh Trường được màn ảnh đặc biệt ưa chuộng. Hồng Đăng tham gia liên tiếp các dự án như Người phán xử, Cả một đời án oán, Mê cung, Hoa hồng trên ngực trái… Trong khi, Mạnh Trường xuất hiện ở các phim như Ngược chiều nước mắt, Cả một đời ân oán, Chạy trốn thanh xuân, Sinh tử…

Tuy nhiên, hiệu ứng lại chưa được như kỳ vọng. Vai Đăng của Mạnh Trường trong Cả một đời ân oán được nhận xét là có nhiều đất diễn nhưng Mạnh Trường lại không để lại dấu ấn đáng kể. Trải qua nhiều vai, anh bị cho là diễn có phần một màu.

Hồng Đăng được đánh giá là diễn có màu sắc hơn nhưng cũng chưa đủ nặng để chinh phục được đông đảo khán giả. Nhiều vai diễn của anh dừng ở mức tròn vai, chưa có sự đột phá để "làm nên chuyện".

Cùng với đó, ở một số phim, diễn viên nam đôi khi còn tỏ ra lép vế trước sức bật của các diễn viên nữ, ví như Anh Dũng trong Sống chung với mẹ chồng. Trong tác phẩm của đạo diễn Vũ Trường Khoa, vai nam được khen ngợi và đánh giá cao nhất lại thuộc về NSƯT Công Lý.

Những dẫn chứng cho thấy, để làm nên một vai nam thực sự xuất sắc, đánh gục trái tim khán giả, đẹp là chưa đủ, tròn vai cũng chưa đủ.


So sánh vốn khập khiễng nhưng đôi khi vẫn cần những phép so sánh để thấy rõ sự khập khiễng. Phim Hàn ngậm tràn những “soái ca” được cho là ngôn tình, lãng mạn, tinh tế và yêu thương phụ nữ từ Bi Rain, Jo In Sung, Song Seung Hun hay mới nhất Hyun Bin trong Hạ cánh nơi anh, trong khi đó màn ảnh Việt lại không hiếm gặp những nhân vật nam hoặc vũ phu, chửi tục hoặc nhu nhược, lệ thuộc.

Thanh trong Sống chung với mẹ chồng nhu nhược đến mức chẳng những không giải quyết được mâu thuẫn giữa mẹ và vợ mà còn khiến hai người phụ nữ căng thẳng hơn.

Sự nhu nhược đẩy lên đến đỉnh điểm khi Thanh tin mẹ mà đánh đập vợ mình hết lần này đến lần khác. Cuối cùng, anh lại nghe theo sự sắp đặt của bà Phương để lấy một nàng dâu "đào mỏ", sống quá quắt, ngang ngược.

Sau Thanh, khán giả cũng tìm thấy sự nhu nhược ở Đăng của Cả một đời ân oán.

Cùng với sự nhu nhược, là không ít nhân vật nam vũ phu như Khải trong Về nhà đi con hay Thái trong Hoa hồng trên ngực trái.

Nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng những nhân vật nam như vậy phản ánh những tồn tại trong xã hội. Không ít bình luận đồng thuận rằng xã hội còn rất nhiều đàn ông vũ phu, gia trưởng, nhu nhược. Phim, do đó, đã phản ánh đời thực.

Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà những mỹ nam trong phim Hàn hào hoa, lãng mạn lại có sức hút với khán gỉa Việt như vậy.

“Không thể tìm thấy một Ri Jung Hyeok ở phim truyền hình Việt. Phim Việt dường như đang làm tốt hơn ở việc xây dựng những vai nam phản diện, trong khi lại thiếu những vai nam có thể làm trái tim phụ nữ tan chảy”, Hạ Như, 25 tuổi, tự nhận là “tín đồ” của phim bộ, nghiệm ra.

Theo: Zing.vn

© Copyright 2017 Dien Vien Viet Nam. All rights reserved.
Powered by Nilead
Hotline: 0338 179 168
Website hiện đang trong quá trình chờ cấp phép.