Em là của em và Cậu Vàng là hai phim Việt ra mắt cùng thời điểm, khác hoàn toàn về thể loại, phong cách phim, diễn viên nhưng vô tình vẫn có điểm để so sánh.
Đó là một bên nam chính chấp nhận giảm 10 kg để giả gái, còn một bên lấy bối cảnh văn học sử về thời kỳ đói khổ nhất nhưng không ít diễn viên lại bị chê béo và đẹp đến mức phi logic.
Giữa năm 2020, Ngô Kiến Huy đăng bức ảnh gầy gò trên trang cá nhân. Khi đó, anh thậm chí nhận những bình luận đồn đoán về việc vướng vào chất kích thích, tệ nạn xã hội. Đến họp báo ra mắt phim vào hồi cuối năm, nam ca sĩ mới lần đầu phủ nhận tin đồn và tiết lộ bản thân đã phải giảm 10 kg để vào vai giả gái.
Em là của em là bộ phim không mới mẻ. Ý tưởng cho diễn viên vừa đóng vai nam, vừa hóa thân thành nữ vốn đã xuất hiện ở một số phim Việt. Ngoài ra, chính đoàn phim cũng thừa nhận tác phẩm được cảm tác từ Yêu bằng cả trái tim của Hàn Quốc. Nhưng nhiều người đồng tình rằng phim còn trên cả mức cảm tác, nghĩa là có không ít tương đồng về mạch truyện.
Nhưng ngay cả khi không quá mới về sáng tạo và phim lại mang phong cách rom-com (tình cảm – hài) vốn không nhận được nhiều kỳ vọng về chất lượng nghệ thuật, Em là của em vẫn gây bất ngờ vì màn hóa thân xuất sắc ngoài mong đợi của Ngô Kiến Huy.
Trong phim của Lê Thiện Viễn, Ngô Kiến Huy vào vai Hoàng, một diễn viên khao khát nghề nhưng không được trao cơ hội. Chỉ cần một vai diễn có thoại đã là niềm mơ ước của Hoàng. Nhưng Hoàng cũng có cái hay là không từ bỏ đam mê, giống như cách anh theo đuổi Quỳnh Anh (Maya), chị gái của cậu bạn thân, suốt 10 năm trong vô vọng.
Và bất chợt một ngày, Hoàng nhận ra chỉ có giả gái là cách tốt nhất để tiếp cận Quỳnh Anh. Khi trở thành bạn thân cùng giới, anh có thể dễ dàng ở bên "crush" mỗi khi cô vui, buồn. Từ đó, Hoàng sẽ trở thành một phần trong cuộc sống của Quỳnh Anh, biết cô nghĩ gì, muốn gì – cách tốt nhất để có thể chinh phục được trái tim cô.
Và Jessica Hoàng Anh đã xuất hiện như vậy. Với vóc dáng, làn da sáng, lại chấp nhận giảm 10 kg trước khi vào vai, màn giả gái của Ngô Kiến Huy trên màn ảnh thuyết phục người xem.
Trong khi phim Việt vốn không khó để tìm những màn giả gái lố bịch, nửa mùa, cốt để gây cười, sự hóa thân của Ngô Kiến Huy chẳng những không thô kệch mà duyên dáng, chừng mực. Vẫn có thể mang lại tiếng cười nhưng không ít khoảnh khắc vai diễn cũng nhận về những đáng thương, cảm thông, nể phục.
Một chàng trai chấp nhận “chuyển giới” để thấu hiểu người mình yêu, chàng trai đó phải kiên trì và chung thủy đến mức nào. Màn thể hiện nhập vai của Ngô Kiến Huy đã chuyển tải được tinh thần ấy của nhân vật.
Ngô Kiến Huy còn làm tốt ở một kỹ năng khác là cách anh tạo ra hai phiên bản đài từ khác nhau, một cho Hoàng và một cho Jessica Hoàng Anh. Cả hai đều không bị thô dù tất nhiên một giọng nam giả gái cũng khó để tạo ra được sự mượt mà, uyển chuyển tuyệt đối.
Dù xuất thân ca sĩ, khi hát, đôi khi Ngô Kiến Huy gây lăn tăn, anh phô bày nhiều hạn chế về âm vực, chất giọng. Nhưng với năng lực diễn xuất trong Em là của em và nhiều phim trước đó, anh từ lâu đã chứng tỏ là một diễn viên thực thụ, chuyên nghiệp, đáng được công nhận.
Ngoài Ngô Kiến Huy, dàn diễn viên tròn vai cũng giúp Em là của em trở thành bộ phim khá hơn kỳ vọng. Dù vậy, cũng hơi tiếc cho phim là Ngô Kiến Huy và Maya gần như có rất ít “chemistry” với nhau, đặc biệt là những cảnh tình cảm cuối cùng. Cả hai chưa mang đến đủ lý lẽ về cảm xúc khi thành đôi.
Khi giới bình phim đang dành những khen ngợi cho màn giả gái của Ngô Kiến Huy trong Em là của em, cùng thời điểm, chuyện cân nặng và ngoại hình của diễn viên Cậu Vàng cũng bị bán tàn.
Tác phẩm của Trần Vũ Thủy lấy cảm hứng từ văn học hiện thực của Nam Cao với trọng tâm là truyện ngắn Lão Hạc. Nhưng người xem lại không cảm được cái đói, cái nghèo, cái xác xơ đến khốn cùng của làng quê Bắc Bộ.
Ngoài cốt truyện hay tình tiết phim, lý do cơ bản nhất đến từ chính ngoại hình của dàn diễn viên. Những tạo hình xa lạ với văn chương Nam Cao, bối cảnh lịch sử và kỳ vọng của khán giả.
“Ai cũng béo tốt” là cảm thán của nhiều người xem. Cậu Vàng béo, lão Hạc, ông giáo bà giáo cũng chẳng gầy gò và rất nhiều người nông dân khác xuất hiện trong diện mạo hồng hào, trang điểm. Hay Cò trở về từ đồn điền cao su vốn phải là "khi đi trai tráng, khi về bủng beo" nhưng rạng ngời, tươi trẻ, bắt mắt.
Phim vắng bóng hoàn toàn những lầm than, cơ cực in hằn lên những khuôn mặt nghèo, bị áp bức, bóc lột vì sưu cao thuế nặng. Những gương mặt nông dân qua thể hiện của dàn diễn viên Cậu Vàng không mang đến hình dung về một cuộc sống nông thôn những năm khốn cùng đói khổ, cơ hàn.
Đành rằng không dễ để tìm những diễn viên phù hợp với nhân vật bước ra từ bối cảnh văn học sử. Nhưng việc đạo diễn không casting được dàn diễn viên gầy hơn hoặc chí ít là việc các diễn viên đã từ chối làm xấu mình hơn để nhập vai cho phù hợp thực sự đã mang đến những phi lý và thất vọng cho khán giả.
Thực tế, chưa bàn đến diễn xuất, việc thay đổi để có ngoại hình phù hợp với vai diễn là cách mà không ít nền điện ảnh thực hiện. Jared Leto của nhóm Thirty Seconds to Mars khi vào vai Rayon - người phụ nữ chuyển giới nhiễm HIV trong Dallas Buyers Club, anh đã nhịn ăn, tẩy lông, giảm 18 kg. Nhưng cũng vai diễn này đã giúp Jared Leto thắng giải Oscar hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc năm 2013.
Hay Anne Hathaway cũng đã giảm 8 kg và cạo trọc đầu khi nhận đóng nhân vật Fantine đầy khắc khố trong Les Misérables (Những người khốn khổ, 2012). Cô chấp nhận xấu đi nhưng cuối cùng vai diễn Fantine đã nhận được những tán thưởng của giới phê bình và khán giả. Nữ diễn viên sau đó thắng giải Oscar cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc, giải Quả cầu vàng, giải Nghiệp đoàn diễn viên màn ảnh và cả giải BAFTA.
Vinh quang điện ảnh đôi khi khởi sinh từ việc một diễn viên không ngại thay đổi ngoại hình, cân nặng, không ngại làm xấu mình trên màn ảnh.
Theo: Zing.vn