Những phim truyền hình Việt được yêu thích nhất thập kỷ qua

By dvvn thg 1 02, 2020
Giai đoạn 2010-2019 chứng kiến sự chuyển mình của phim truyền hình Việt trên sóng giờ vàng với nhiều tác phẩm được yêu thích như “Tuổi thanh xuân”, “Người phán xử”, “Quỳnh búp bê".

Cổng mặt trời (2010): Là bộ phim thành công đầu tiên của thập kỷ 2010-2019, Cổng mặt trời đã được phát đi phát lại nhiều lần trên các kênh sóng của HTV và được đông đảo khán giả yêu mến. Phim xoay quanh năm chàng trai và sáu cô gái trọ đối diện nhà nhau. Mỗi người mang tính cách, xuất thân khác nhau nhưng có nỗi lo chung là cuộc sống sinh viên thiếu thốn. Sống xa nhà, họ nhiều lần gặp rắc rối trong tình yêu, tình bạn, sa chân vào cám dỗ xã hội. Bộ phim là bước đệm đưa hàng loạt những diễn viên trẻ như Tú Vi, Lê Bê La, Lương Thế Thành... đến gần hơn với công chúng.


Chạm tay vào nỗi nhớ (2013): Thuộc thể loại tâm lý hình sự, song phim lại tập trung đề cập đời sống, tình cảm và những trải nghiệm của sinh viên trường cảnh sát. Phim kể về Quân - con của một vị Thiếu tướng trong ngành - ngang tàng và hống hách. Cô bạn học cùng lớp là Ngân Hà luôn cảm thấy khó chịu trước những trò phá phách của Quân và nhiều lần lên tiếng can thiệp. Tuy nhiên, sau này Quân và Hà lại nảy sinh tình cảm với nhau. Và cũng chính Hà giúp Quân lấy lại niềm tin và thay đổi.


Vừa đi vừa khóc (2014): Dù cũng có ý kiến nhận định phim nhạt, sến, tình tiết chậm nhưng Vừa đi vừa khóc vẫn là tác phẩm gây bão màn ảnh năm 2014. Tính giải trí nhẹ nhàng, nội dung bình dị, diễn viên tròn vai giúp phim chiếm được tình cảm của đông đảo khán giả. Ngoài ra, phim cũng nhận được thiện cảm vì gửi gắm nhiều thông điệp về cuộc sống, gia đình, tình mẫu tử, tình bạn...


Hôn nhân trong ngõ hẹp (2015): Vẫn là câu chuyện ngoại tình, chủ đề không mới mẻ của những bộ phim giờ vàng, nhưng Hôn nhân trong ngõ hẹp đã khéo léo lồng ghép nhiều yếu tố khác của đời sống như tình cảm gia đình, mâu thuẫn vợ chồng và cả mâu thuẫn giữa các thế hệ... Phim được đánh giá cao nhờ diễn xuất tự nhiên, lời thoại gần gũi, nhiều tình tiết vừa hóm hỉnh, đời thường vừa tinh tế, sâu lắng.


Tuổi thanh xuân (2015): Là bộ phim truyền hình đầu tiên đánh dấu sự hợp tác sản xuất giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc, Tuổi thanh xuân được chú ý nhờ kịch bản hấp dẫn, gần gũi với giới trẻ và bối cảnh phim lãng mạn. Trong thời gian phát sóng, phim được khán giả chờ đón từng tập và thực sự đánh dấu bước chuyển mình của phim truyền hình trong nước. Thành công của phim cũng đưa nữ chính Nhã Phương trở thành sao phim truyền hình.


Zippo, mù tạt và em (2016): Phim được lòng giới trẻ với kết cấu 2 phần với 2 dàn diễn viên độc lập, tương ứng với hai giai đoạn cách nhau 6 năm. Một bên là tuổi thanh xuân trẻ trung, sôi nổi, còn một bên là câu chuyện nan giải của những con người trưởng thành, chững chạc trong suy nghĩ cũng như tình yêu. Phim cũng nhận nhiều phản hồi tích cực nhờ lối kể chuyện dí dỏm, nhiều tình huống bất ngờ, bối cảnh phim đẹp, nhiều cảnh quay lãng mạn cùng với sự tham gia của dàn diễn trẻ, ngoại hình ưa nhìn.


Sống chung với mẹ chồng (2017): Phóng tác từ tác phẩm văn học của Trung Quốc, song, Sống chung với mẹ chồng đã chinh phục đông đảo khán giả Việt nhờ Việt hóa thành công, trở thành cơn bão của màn ảnh năm 2017. Mối quan hệ giữa mẹ chồng - nàng dâu tưởng đã cũ kỹ trên màn ảnh bỗng trở nên sống động nhờ những tình tiết chân thực, diễn xuất xuất thần của diễn viên.


Người phán xử (2017): Khác với dòng phim cảnh sát hình sự từng được yêu thích trên sóng VTV, Người phán xử tập trung khai thác về thế giới ngầm, qua đó lật mở nhiều góc khuất của giới xã hội đen thông qua nhân vật trung tâm là ông trùm Phan Quân. Phim "làm mưa làm gió" trên màn ảnh năm 2017, được đông đảo khán giả theo dõi. Khi phim kết thúc, đơn vị sản xuất tiếp tục thực hiện Người phán xử ngoại truyện và cũng thu được lượt xem lớn trên mạng.


Gạo nếp gạo tẻ (2018): Là bộ phim truyền hình "remake" từ Wang’s Family của Hàn Quốc nhưng nhờ Việt hóa thành công, phim đã trở thành phiên bản khá độc lập, thậm chí được người Việt khen hay hơn bản gốc. Gạo nếp gạo tẻ là bức tranh đủ màu sắc về đề tài gia đình. Ở đó, có đủ những mâu thuẫn cùng bi kịch của nhiều mối quan hệ. Xem phim, khán giả dễ nhìn được những câu chuyện của chính bản thân từng trải qua hoặc xung quanh cuộc sống.


Quỳnh búp bê (2018): Phim đề cập trực diện đến đề tài hiếm khi xuất hiện trên màn ảnh nhỏ là mại dâm và vấn nạn buôn người. Qua đó phim khắc họa số phận, góc khuất của những cô gái "làng chơi". Đây cũng là phim đầu tiên trên sóng VTV dán nhãn 18+. Phim giúp tên tuổi của nhiều diễn viên như Doãn Quốc Đam, Phương Oanh, Thanh Hương... đến gần với công chúng.


Tiếng sét trong mưa (2019): Phim được đánh giá là một điểm sáng của phim truyền hình thị trường phía Nam trong năm với nhiều phản hồi tích cực về chất lượng, đặc biệt ở phần đầu phim. Phần đông khán giả cho rằng phim kể câu chuyện chân thực, kịch tính, góp phần lột tả góc khuất trong đời sống xã hội xưa. Tuy nhiên, phim cũng gây tranh cãi vì có những cảnh nóng, mối quan hệ tình cảm trái luân thường đạo lý.


Về nhà đi con (2019): Sau thành công của Sống chung với mẹ chồng hay Gạo nếp gạo tẻ, hiệu ứng của Về nhà đi con trong năm qua tiếp tục chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của dòng phim về đề tài gia đình. Câu chuyện của gia đình ông Sơn đã chiếm trọn tình cảm của khán giả, đi vào bữa cơm của từng gia đình. Phim lấy nước mắt của không ít khán giả, nhiều người thú nhận họ thấy bản thân và cuộc sống xung quanh mình trên phim.


Theo: Zing.vn

© Copyright 2017 Dien Vien Viet Nam. All rights reserved.
Powered by Nilead
Hotline: 0338 179 168
Website hiện đang trong quá trình chờ cấp phép.