Những thảm họa điện ảnh Việt qua các dịp Tết Nguyên đán

By dvvn thg 2 05, 2020
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, khán giả thường xuyên chứng kiến các tác phẩm điện ảnh Việt kém chất lượng ra rạp trong mỗi mùa Tết Nguyên đán.

Bí mật đảo Linh Xà: Ra rạp trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, Bí mật đảo Linh Xà của đạo diễn Diệp Thiên Hành, Nguyễn Duy Võ Ngọc lập tức bị xếp vào nhóm thảm họa điện ảnh Việt. Là tác phẩm hợp tác với Hong Kong, nhưng phim có chất lượng kỹ thuật tệ hại. Khâu lồng tiếng thể hiện rõ sự cẩu thả khi tình trạng “tiếng một đằng, hình một nẻo” thường xuyên xuất hiện. Nội dung phim đem tới sự nhạt nhẽo, phi lý, và khiến người xem không khỏi ngao ngán.


Tiền nhiều để làm gì?: Cùng Bí mật đảo Linh Xà, Tiền nhiều để làm gì? cũng bị coi là thảm họa điện ảnh đầu năm. Kịch bản phim là một chuỗi tình tiết lê thê, nhàm chán, lặp đi lặp lại, không đầu không cuối. Bộ phim cũng kết thúc một cách lãng xẹt, không để lại bất cứ dấu ấn cảm xúc nào. Hiệp Gà, Phước Sang và Hà Việt Dũng - những nam diễn viên của bộ phim - thì bị phản ứng vì những mảng miếng hài vừa cũ kỹ, vừa nhạt nhẽo.


Trạng Quỳnh: Trạng Quỳnh của đạo diễn Đức Thịnh được xem là một nghịch lý điện ảnh. Phim thu hơn 100 tỷ đồng tại phòng vé, nhưng lại gây tranh cãi về chất lượng nội dung. Được ghi nhận ở khâu chọn đề tài, song, thành phẩm có nhiều tình tiết phóng tác hiện đại kém duyên và gần như phá tan hình ảnh nhân vật dân gian nổi tiếng. Ngoài ra, phim chứa đựng nhiều chi tiết bị cho là “vay mượn ý tưởng” từ Quan xẩm lốc cốc (1994).


Táo Quậy: Táo Quậy cũng bị coi là một thảm họa điện ảnh Việt khi ra rạp hồi Tết Nguyên đán 2019. Lấy chủ đề Táo Quân quen thuộc, bộ phim của đạo diễn Toàn Joshua bị đánh giá như một “nồi lẩu thập cẩm” với phần kỹ xảo tệ hại, nội dung chắp vá, và những màn tấu hài kém duyên. Tác phẩm có không khí Tết, nhưng các tình tiết thiếu đi sự kết nối. Phim nhanh chóng mất hút trên đường đua phòng vé.


Đích tôn độc đắc: Là tác phẩm của Trần Ngọc Giàu ra mắt dịp Tết 2018, đây là bộ phim hiếm hoi có sự góp mặt của Hoài Linh mà không ăn khách. Chính điều đó khiến nhiều ý kiến cho rằng danh hài đã "hết thiêng" với mùa phim Tết. Công bằng mà nói, Hoài Linh có nhiều nỗ lực trong đổi mới diễn xuất hài. Nhưng tổng thể tác phẩm giống như một vở tạp kỹ hời hợt, đáng quên.


Nàng tiên có 5 nhà: Bộ phim do NSND Trần Ngọc Giàu đạo diễn ra mắt dịp Tết 2017 với sự tham gia của hàng loạt diễn viên hài như Hoài Linh, Chí Tài, Hiếu Hiền, Tấn Beo... Tựa đề phim được ê-kíp thông báo là "chơi chữ", không liên quan gì đến nội dung Nhà có 5 nàng tiên từng ra mắt và thắng lớn trước đó. Phim thu 23 tỷ đồng, nhưng những mảng miếng hài bị đánh giá là quá cũ kỹ, không gây bất ngờ với khán giả. Kịch bản phim cũng còn nhiều sơ hở trong một tổng thể đậm tính giải trí, ít giá trị nghệ thuật.


Yêu là phải xài chiêu: Là tác phẩm chạm ngõ điện ảnh của ê-kíp sân khấu kịch Thế Giới Trẻ, Yêu là phải xài chiêu ra mắt dịp Tết 2016. Tác phẩm có sự tham gia diễn xuất của Thủy Top và Khương Ngọc cố gắng lấy tiếng cười của người xem bằng các pha hài mảng miếng, nhưng còn khá nhiều sạn trong phần kịch bản rời rạc. Diễn xuất của Thủy Top nhận phản ứng trái chiều từ người xem khi cô lạm dụng biểu cảm trợn tròn mắt, lườm nguýt mỗi khi giận dữ. Phim cũng thất thế về doanh thu trong dịp Tết cách đây 4 năm.


Tía tui là cao thủ: Bộ phim Tết 2016 có sự tham gia của Hoài Linh, Việt Hương, Cát Tường... không nhận được nhiều lời khen ngợi. Báo chí trong nước thậm chí đánh giá Tía tui là cao thủ có chất lượng kém hơn cả những bộ phim gần đây của Hoài Linh trước đó như Quý tử bất đắc dĩ (2015) hay Già gân, mỹ nhân và găng tơ (2015). Phim có nhiều hạn chế về kịch bản lẫn kỹ thuật điện ảnh. Dẫu vậy, tại phòng vé, tác phẩm vẫn thu hơn 50 tỷ đồng sau hơn 20 ngày trình chiếu.


Theo: Zing.vn


© Copyright 2017 Dien Vien Viet Nam. All rights reserved.
Powered by Nilead
Hotline: 0338 179 168
Website hiện đang trong quá trình chờ cấp phép.